Liên quan đến vụ xe Audi tông chết 3 người, cơ quan điều tra vừa ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Đức Thịnh (35 tuổi, trú phường Ngô Quyền, TP. Bắc Giang) để làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự. Làm việc với Công an TP. Bắc Giang, tài xế Nguyễn Đức Thịnh thừa nhận đã quá chén với bạn bè trong buổi tiệc chia tay dẫn đến tai nạn chết 3 người vào đêm 02/6. Điều đáng nói, Công an xác định tài xế Thịnh là cán bộ Ban quản lý Bảo trì đường bộ, thuộc Sở Giao thông Vận tải Bắc Giang.
Ảnh minh họa.
Có thể nói, rượu, bia là một trong những chất kích thích có thể làm cho người dùng không làm chủ được hành vi, rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nên có thể gây ra các vụ gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích và chống người thi hành công vụ,… Đặc biệt, rượu, bia gây ra nhiều tác động đối với người điều khiển phương tiện như không làm chủ được tay lái, thiếu tập trung, giảm khả năng nhận biết, phán đoán,… và phản ứng chậm khi xử lý với những tình huống bất ngờ trên đường.
Ngoài ra, khi đã uống nhiều rượu, bia, người điều khiển phương tiện sẽ cảm giác mệt mỏi, không giữ được thăng bằng, mờ mắt, dễ buồn ngủ có thể dẫn đến các hành vi nguy hiểm như: chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng hoặc tạo ra hiềm khích vô cớ, gây sự giữa những người cùng tham gia giao thông với nhau… nên có thể dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Chính vì vậy, lực lượng Cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra, phát hiện và xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia. Quá trình xử lý phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch cho người vi phạm giao thông và cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ xử lý vi phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cản trở, chống đối, lăng mạ, xúc phạm,… lực lượng tuần tra, kiểm sát giao thông khi được đề nghị kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông.
Việc xử lý nồng độ cồn phải đảm bảo các nguyên tắc như công bằng, khách quan, trung thực, kịp thời và đúng pháp luật. Lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông không được phép chấp nhận bất cứ lý do nào của người tham gia giao thông mà bỏ qua hành vi vi phạm nồng độ cồn hoặc có hành vi tiêu cực trong xử lý vi phạm.
Để đẩy lùi hành vi vi phạm nồng độ cồn của người tham gia giao thông và giảm nguy cơ tai nạn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông cần bố trí các Tổ công tác thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kiểm tra chuyên đề vi phạm về nồng độ cồn để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, chính quyền địa phương cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là các quy định của pháp luật về vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, các cơ quan nhà nước phải quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức phải thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia và gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe để mọi người dân noi theo. Khi cán bộ, công chức vi phạm thì phải bị xử phạt thật nghiêm để làm gương và thông báo về cơ quan, đơn vị công tác để thực hiện quy trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức theo đúng quy định.
Có như vậy, mới có thể hạn chế các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn gây ra.
ĐỖ VĂN NHÂN