(LSO) - Việc Chủ tịch UBND xã Cửa Dương (Phú Quốc, Kiên Giang) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Trí Minh về hành vi “chiếm đất…” đã được UBND huyện Phú Quốc kết luận là “đúng quy định”. Trong vụ việc này, những giấy tờ ông Minh xuất trình với địa phương để chứng minh quyền sử dụng của mình có hợp pháp hay không?
Đất đứng tên UBND xã
Trong Kết luận giải quyết đơn tố cáo của công dân vào tháng 2/2020, UBND huyện Phú Quốc khẳng định: việc ông Trần Văn Việt (nguyên Chủ tịch UBND xã Cửa Dương) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Trí Minh (SN 1970, trú tại tổ 4, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương) về hành vi “chiếm đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng quản lý” là đúng quy định.
Tuy ông Minh cho rằng diện tích 3.924m2 đất này vợ ông đã được “sang nhượng hợp pháp” từ bà Trương Thị Hiền vào năm 2007 nhưng UBND huyện Phủ Quốc khẳng định: từ sau năm 1975, thửa đất chưa quy chủ và thuộc diện “nhà nước quản lý. Đến năm 2011, khi thực hiện đo đạc bản đồ địa chính, diện tích đất nêu trên được xác định nằm trong thửa đất số 12, tờ bản đồ 24 (tổng diện tích 13.363,9 m2) do UBND xã quản lý (thể hiện trong Sổ mục kê, Quyển số 001 do Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang lập ngày 20/9/2011).
Năm 2018, tuy ông Minh có đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Phú Quốc trích đo địa chính thửa đất nhưng UBND huyện Phú Quốc khẳng định rõ, văn bản này không hợp pháp vì chưa được cơ quan thẩm quyền ký xác nhận. Mặt khác, quá trình đo đạc xác định ranh giới thửa đất, Chi nhánh VPĐKĐĐ chưa phối hợp với UBND xã Cửa Dương để thực hiện dẫn đạc là không đúng theo quy định Điều 11, Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT.
Tại Bản trích đo địa chính của Chi nhánh VPĐKĐ còn ghi rõ “Bản trích đo này chỉ để phục vụ cho công tác xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSDĐ lần đầu theo yêu cầu của người trích đo địa chính thửa đất. Không có giá trị pháp lý về quyền sử dụng đất, không phục vụ cho việc giao dịch chuyển quyền sử dụng đất”.
Với các tài liệu nêu trên, UBND xã Cửa Dương đã từng khẳng định vợ chồng ông Minh xin cấp GCNQSDĐ thuộc thửa đất do nhà nước quản lý, không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, đến tháng 7/2019, ông Minh vẫn cho người làm hàng rào bao chiếm khu đất, buộc chính quyền địa phương phải lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính.
Việc sang nhượng đất có hợp pháp?
Khi bị chính quyền địa phương lập biên bản về hành vi chiếm đất tại tổ 4 ấp Ông Lang vào năm 2019, ông Minh đã xuất trình “giấy sang nhượng đất và thành quả trên đất” (viết tay) từ bà Hiền vào năm 2007.
Nhưng khó hiểu ở chỗ, nếu có việc sang nhượng năm 2007 như trên thì tại sao thời điểm đó, các bên không đề nghị chính quyền địa phương xác định nguồn gốc đất hoặc xác định rõ số thửa, tờ bản đồ? Tại sao bà Hiền (hoặc sau này là vợ chồng ông Minh) không thực hiện quyền kê khai quyền sử dụng đất với cơ quan chức năng? (căn cứ vào hồ sơ địa chính, địa phương khẳng định sau năm 1975, đã không có cá nhân nào đứng ra kê khai quyền sử dụng đất nên “không quy chủ”).
Theo ý kiến của một số luật sư thì việc chuyển nhượng đất như trên là không đủ các điều kiện theo quy định vì bản thân người chuyển nhượng đất (bà Hiền) không có giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sử dụng (như biên lai thuế; bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ; bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của UBND cấp xã…)
Tuy bà Hiền có tờ “Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất” năm 2006 nhưng theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Trung Thành (Hà Nội) thì tài liệu này không được coi là hợp lệ và không có giá trị chứng minh nguồn gốc đất (quy định tại Điều 100, Điều 101 Luật đất đai 2013 và Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ).
Dù tờ đơn trên có xác nhận của ông Nguyễn Thanh Tùng (lúc này là Trưởng ban nhân dân ấp Ông Lang) nhưng xác nhận này cũng không đủ điều kiện để coi bà Hiền là người sử dụng đất ổn định, lâu dài, không lấn chiếm…
Hơn nữa, Trưởng Ấp cũng không có thẩm quyền xác nhận thửa đất có hợp pháp hay không. Trong nội dung xác nhận, ông Tùng nêu rõ, “xin chuyển UBND xã Cửa Dương xem xét” nhưng sau đó, bà Hiền cũng không thực hiện theo hướng dẫn này.
Đáng nói, vào tháng 2/2020, khi làm việc với Thanh tra huyện Phú Quốc về quá trình xác nhận tại đơn trên của bà Hiền, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, năm 2006, bà Hiền có làm đơn xin xác nhận nguồn gốc đất diện tích 10.000m2 tại ấp Ông Lang để đi hợp thức hóa quyền sử dụng. Thời điểm này, tứ cận thửa đất để trống, không đề giáp ranh với ai. Bà Hiền trình bày là phần diện tích này ở Đồng Tràm, tổ 1, ấp Ông Lang.
Ông Tùng khẳng định mình xác nhận diện tích 10.000 m 2 đất trong đơn của bà Hiền là tại Đồng Tràm, thuộc tổ 1 ấp Ông Lang. Như vậy, đơn bà Hiền cung cấp sau này đã có sửa chữa 2 nội dung: Đơn khi xác nhận năm 2006 không ghi giáp ranh tứ cận và “tổ 1” trong xác nhận đã bị sửa thành “tổ 4”.
Còn khi làm việc với cán bộ địa chính xã năm 2015, bà Hiền cho biết “năm 2009, cô tôi là bà Võ Thị Sậm chết, tôi có lên ấp Ông Lang ở nhà cô tôi để thờ phụng. Trong khi đó, phía sau có khoảng đất trống, tôi có khai khẩn thêm để cất nhà cho con tôi ở ổn định cuộc sống…”
Như vậy, bà Hiền đã thừa nhận mình sử dụng đất tại tổ 4 ấp Ông Lang sau năm 2009 (thời điểm bà Sậm mất). Vậy thì không hiểu vào năm 2007, bà này lấy đâu ra đất để có thể chuyển nhượng cho vợ ông Minh?
Các nhân chứng nói gì?
Ngoài hồ sơ địa chính, sổ mục kê năm 2011 thể hiện chủ sử dụng đất là UBND xã thì rất nhiều người dân sinh sống tại ấp Ông Lang đều có lời khai thể hiện việc tập thể đã trồng cây trên đất chứ không phải gia đình bà Hiền.
Đơn cử, tại cuộc họp ngày 13/1/2020 do Thanh tra huyện Phú Quốc chủ trì, 5/5 ý kiến đều cho biết, khu đất mà bà Hiền và ông Minh bao chiếm (hiện đang có công trình trường Tiểu học Cửa Dương) đều do Nhà nước quản lý. Năm 1983, chính quyền có vận động nhân dân và Đoàn thanh niên trồng đào tại khu đất để phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Làm việc trực tiếp với Thanh tra huyện Phú Quốc ngày 14/1/2020, ông L.T.T và ông N.V.H đều cho biết, phần đất do Nhà nước quản lý từ sau 1975. Năm 1983, cán bộ, đoàn viên thanh niên đã trồng đào trên toàn bộ khu đất. Khoảng năm 2014, bà Hiền bao chiếm và cưa đào mà trước đây nhà nước trồng…
Trước đó, vào năm 2015, khi thiết lập hồ sơ nhằm xử lý hành vi chiếm đất của bà Hiền, cán bộ UBND xã Cửa Dương cũng đã lấy ý kiến của một số người dân trong khu vực nhằm làm rõ về quá trình sử dụng đất của bà Hiền tại tổ 4, ấp Ông Lang.
Ông T.V.B, ông N.V.C, ông H.T.M, ông T.V.D, ông N.M.H, ông T.V.Đ đều cho biết, khu đất trước 1985 là đất rừng tự nhiên. Năm 1985, Xã Đoàn Cửa Dương tiến hành phát hoang để trồng đào. Hiện trạng trên đất vẫn còn cây đào do ấp, xã trồng. Còn Tràm bông vàng là do tự mọc. Năm 1914, bà Hiền vào phát dọn cây, trồng thêm dừa xen vào đào…
Đáng nói, một số người từng tham gia công tác tại ấp Ông Lang hoặc tham gia công tác đoàn thanh niên đều cam đoan đã trực tiếp tham gia trồng đào phủ xanh đất trống ở đây, đồng thời phủ nhận việc gia đình bà Hiền có trồng đào trên đất. Không ít người dân đều có ý kiến đề nghị xử lý nghiêm hành vi bao chiếm đất công tại khu vực này.
K.LÂM/PLVN