Xử phạt hành chính người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn: Thực trạng và kiến nghị

27/08/2024 21:47 | 2 tuần trước

(LSVN) - Bài viết phân tích những quy định pháp luật hiện hành về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; một số ưu điểm và hạn chế của những quy định này khi áp dụng trong thực tiễn. Qua đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật liên quan.

Ảnh minh hoạ. 

Hành vi vi phạm hành chính và chế tài xử lý

Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019, điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị nghiêm cấm (khoản 6 Điều 5). Từ quy định này, Luật Giao thông đường bộ cũng quy định nghiêm cấm thực hiện các hành vi: điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (khoản 8 Điều 8) và điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định (khoản 9 Điều 8). Luật còn quy định: Người lái xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ: đăng ký xe; giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (Điều 58).

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021) quy định về hành vi vi phạm và chế tài xử lý đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt; Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, trong đó xác định hành vi vi phạm hành chính điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và mức phạt tương ứng với hành vi vi phạm, cụ thể như sau:

Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

- Đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (trừ lái tàu và phụ lái tàu) khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.

- Đối với lái tàu và phụ lái tàu khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, lái tàu và phụ tàu còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái tàu từ 03 tháng đến 05 tháng.

- Đối với thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng.

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (khi điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; máy kéo); chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng).

- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.

- Đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (trừ lái tàu và phụ lái tàu) khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

- Đối với lái tàu và phụ lái tàu khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, lái tàu và phụ tàu còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái tàu từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Đối với thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (khi điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; máy kéo); chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng).

- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm c, khoản 4, Điều 8).

- Đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (trừ lái tàu và phụ lái tàu) khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

- Đối với lái tàu và phụ lái tàu khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, lái tàu và phụ tàu còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái tàu từ 22 tháng đến 24 tháng.

- Đối với thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 02 tháng đến 04 tháng.

Hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng khi điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; máy kéo); chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng).

- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

- Đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (trừ lái tàu và phụ lái tàu) khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

- Đối với lái tàu và phụ lái tàu khi làm nhiệm vụ, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, lái tàu và phụ tàu còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái tàu từ 22 tháng đến 24 tháng.

 Những ưu điểm và hạn chế qua thực tiễn áp dụng

Thực tiễn áp dụng các quy định nêu trên cho thấy, với chế tài xử lý nghiêm khắc hơn, áp dụng quyết liệt và triệt để hơn từ phía người thi hành công vụ đã tác động rất lớn đến ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật về giao thông của người dân. Tình trạng tai nạn giao thông mà nguyên nhân từ tác động của rượu bia có xu hướng giảm; việc sử dụng bia, rượu của người tham gia giao thông được hạn chế, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, qua đó giảm thiểu được những hậu quả tiêu cực do rượu bia mang lại đối với con người, nhất là từ phía người tham gia giao thông. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế, bất cập sau:

Một là, hình thức xử phạt chính được áp dụng đối với hành vi vi phạm đều là phạt tiền với mức tiền phạt khá cao so với mức thu nhập thực tế của người dân và còn nặng về xử lý, răn đe, trong khi đó hình thức xử phạt cảnh cáo lại không được áp dụng, nhất là đối với các hành vi nồng độ còn trong máu hoặc trong hơi thở thấp hoặc đối với người thiếu hiểu biết do chưa được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đầy đủ nên việc cảnh báo, nhắc nhở, phòng ngừa chưa chú trọng đúng mức.

Hai là, việc quy định thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy chưa tương đồng trong cùng một mức nồng độ cồn như nhau, nhất là với phương tiện đường sắt, đường thủy so với phương tiện giao thông đường bộ. Đặc biệt, thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống hằng ngày của người tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là đối với những người trực tiếp sinh kế bằng nghề cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách như lái xe tải, lái xe tắc xi, lái xe ôm hoặc những người lần đầu vi phạm, nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở thấp hoặc chưa được cảnh báo, nhắc nhở từ trước (vì trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe họ sẽ không được điều khiển phương tiện tương ứng với giấy phép lái xe tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; nếu tiếp tục điều khiển và có hành vi vi phạm sẽ bị coi là tái phạm hoặc không có giấy phép lái xe…).

Ba là, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là hành vi vi phạm và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” còn thiếu thường xuyên; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, chưa gắn với lợi ích thiết thân của người tham gia giao thông nên hầu hết người tham gia giao thông khi đã thực hiện hành vi vi phạm và bị áp dụng biện pháp xử lý mới nhận thức được về hành vi vi phạm của mình và hậu quả pháp lý bất lợi phải gánh chịu nên có lúc chưa đạt được sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Đề xuất, kiến nghị

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh và chống các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của toàn xã hội; coi đây là một nội dung trọng tâm trong nội dung đào tạo, bồi dưỡng để cấp Giấy phép lái xe. Chú trọng các hoạt động cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe đối với các hành vi vi phạm, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các vụ việc xử lý đối với hành vi vi phạm để tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận xã hội trong thực hiện theo đúng tinh thần “đã uống rượu bia thì không lái xe” tiến tới “đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông”.

Thứ hai, có biện pháp thiết lập hệ thống cảnh báo sớm mang tính xã hội để người tham gia giao thông tự kiểm tra và nhận biết xem trong máu hoặc trong hơi thở của mình có hay không có nồng độ cồn trước khi tham gia giao thông để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm và thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà nước đối với người tham gia giao thông.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung các quy định về thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy cho đồng bộ với giấy phép lái xe đường bộ tương ứng với mức độ nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở. Nghiên cứu, bổ sung hình thức trừ điểm giấy phép lái xe để hạn chế đến mức thấp nhất việc phải tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên tinh thần cho phép người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy có một số điểm nhất định thì có đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nếu không đủ điểm thì không được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường sắt để cảnh báo, răn đe đối với người vi phạm, tạo điều kiện để người tham gia giao thông có phương tiện phục vụ sinh kế và nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Tài liệu tham khảo

1.         Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019.

2.         Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

3.         Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020.

4.         Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP.

5.         Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

 PHẠM LINH TRANG

Tòa án quân sự Quân khu 1

Từ khoá : lsvn.vn LSVN