Ảnh minh họa.
Trước hết cần nắm rõ khái niệm của xung đột lợi ích khi hành nghề Luật sư, theo đó tại Mục 15.1, Quy tắc 15 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam nêu rõ: “Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của Luật sư, nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống Luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.
Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật hoặc theo Quy tắc này”.
Như vậy, theo quy định trên, xung đột lợi ích khi hành nghề Luật sư là có sự đối lập, ảnh hưởng về lợi ích giữa: (i) quyền lợi của Luật sư; (ii) nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ; (iii) nghĩa vụ của Luật sư đối với bên thứ ba và xung đột này gây ảnh hưởng đến Luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.
Xung đột lợi ích là điều không thể tránh khỏi khi hành nghề Luật sư, bởi lẽ với tính chất đặc thù, nghề Luật sư hướng tới mục đích mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng và khách hàng có thể là các đối tượng có mối quan hệ lẫn nhau; hoặc với chính bản thân và gia đình của Luật sư. Chính vì thế, Quy tắc 15 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đã nêu rõ các trường hợp xung đột lợi ích, trong đó có các quy tắc 15.3.4, 15.3.6 về xung đột lợi ích giữa người thân và khách hàng mà khi gặp phải Luật sư phải từ chối tiếp nhận vụ việc hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc như sau:
- Vụ việc của khách hàng có quyền lợi đối lập với quyền lợi của Luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của Luật sư (15.3.4).
- Vụ việc của khách hàng do cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của Luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý có quyền lợi đối lập với khách hàng của Luật sư (15.3.6).
Trong cuộc sống, hoạt động nghề nghiệp của Luật sư luôn có sự đan xen của nhiều mối quan hệ, ngoài mối quan hệ với khách hàng, còn có các mối quan hệ trong xã hội (người thân, bạn bè, đồng nghiệp…), đôi lúc Luật sư sẽ rơi vào tình huống “khó xử”. Tuy nhiên, để trở thành một Luật sư mang tính chuyên nghiệp, uy tín, bản lĩnh, người Luật sư cần biết cách dung hòa các mối quan hệ xung quanh, nhất là mối quan hệ “người thân, người nhà”; chủ động tránh xảy ra xung đột về lợi ích và có cách giải quyết với khách hàng nếu xảy ra xung đột; tuyệt đối không nên để xung đột lợi ích và các mối quan hệ ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan trong hoạt động hành nghề.
Tuân thủ tốt quy tắc tránh xung đột lợi ích giúp người Luật sư có thể đem đến cho khách hàng lời khuyên vô tư, không thiên vị, không bị ảnh hưởng hay tác động bởi ý chí của một bên nào khác. Có như vậy, người Luật sư mới có thể bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng một cách tốt nhất.
Chính vì mục đích cao đẹp của nghề Luật sư là hướng tới bảo vệ những điều tốt đẹp của xã hội, quy tắc tránh xung đột lợi ích giữa người thân và khách hàng là quy tắc đúng đắn, cần thiết trong nghề Luật sư mặc dù đôi khi, quy tắc này sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân của người Luật sư. Tuy nhiên, chỉ khi người Luật sư rõ ràng, tách bạch trong các mối quan hệ của mình thì mới tạo dựng được niềm tin và sự tôn trọng của khách hàng.
THANH THỊNH
Các hình thức xử lý vi phạm đối với thí sinh tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư