17 năm sau dịch SARS: Hồi ức của nữ y tá “từ cõi chết trở về” (kỳ 1)

16/04/2020 18:36 | 4 năm trước

(LSO) - 17 năm sau ngày đại dịch SARS qua đi, nhưng những ký ức kinh hoàng năm nào vẫn luôn hiện hữu trong ánh mắt của y tá Nguyễn Thị Mến – một trong những người Việt Nam đầu tiên nhiễm dịch sau khi Bệnh viện Việt - Pháp tiếp nhận bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa, cũng là bệnh nhân hôn mê sâu nhất.

Chiến binh “từ cõi chết trở về”

Những ngày này, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên khắp thế giới đều rất phức tạp, tại Việt Nam, Chính phủ cùng cả hệ thống chính trị đang vào cuộc rất quyết liệt làm sao giảm thiểu được ít nhất số ca bệnh lây lan trong cộng đồng.

Y tá Mến nhớ lại về 17 năm trước khi đại dịch SARS đã khiến những người đồng nghiệp của bà ra đi mãi mãi.

Cách đây đúng 17 năm, dịch bệnh SARS cũng đã gieo rắc nỗi kinh hoàng lên nhân loại. Giờ đây, những nhân chứng sống của dịch bệnh này vẫn không khỏi ám ảnh về thời khắc phải đối mặt với tử thần. Những người đã một thời chiến đấu chống lại dịch bệnh SARS năm 2003, để rồi hôm nay khi nhớ lại về những ngày tháng đó họ lại không thể nào quên.

Trong căn nhà nhỏ gần công viên Bách Thảo (Hà Nội), y tá Nguyễn Thị Mến (Bệnh viện Việt – Pháp) rùng mình khi nhớ về những ngày đại dịch SARS. Theo lời chia sẻ của y tá Mến, người Việt khi đó theo dõi từng phút một về dịch bệnh mới xuất hiện, cả thế giới hoang mang.

“Đây là dịch bệnh mang tên SARS, căn bệnh chưa từng được ghi nhận trong lịch sử y khoa thế giới, với tốc độ lan truyền nhanh chóng qua đường hô hấp, niêm mạc mắt, suy hô hấp nặng dẫn đến tử vong”, y tá Mến kể lại.

Theo lời kể của y tá Mến, ngày 26/02/2003, Bệnh viện Việt - Pháp tiếp nhận một bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa, tên Johnny Cheng, với triệu chứng lạ, ho nhiều và khó thở. Các bác sĩ, y tá của Bệnh viện Việt - Pháp vẫn thăm khám, điều trị cho bệnh nhân này. Vài ngày sau, bệnh nhân trở bệnh nặng, bị suy hô hấp và nhanh chóng tử vong.

Y tá mến điều trị tại bệnh viện.

Khi đó, lần lượt 39 cán bộ y tế của Bệnh viện Việt – Pháp bị lây nhiễm, 5 người tử vong.

“Ngày 03/3, trong người tôi cảm thấy ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu nhưng đến ngày 05/3 mới nhập viện. Không có cụm từ nào diễn tả được sự đau đớn, mệt mỏi mỗi khi bị cơn sốt rét, bụng tôi đau như cắt, đầu như muốn vỡ tung ra, chân tay, từng thớ cơ như bị giằng xé. Mỗi ngày có từ 3-4 đợt sốt nóng, sốt rét kéo dài. Cơ thể tôi như bị điện giật suốt ngày”, y tá Mến rùng mình nhớ lại lúc mình có triệu chứng bệnh.

Theo lời y tá Mến, trước đó cô thường xuyên chơi thể thao nên sức đề kháng tốt: “Tôi ít dùng thuốc khi bị ốm mà thường dùng lá xông, chiều hôm ấy, người lúc nóng lúc lạnh tôi xông lá từ trưa đến chiều không đỡ. Theo lịch, tôi phải làm ca đêm nên gọi điện xin nghỉ, nhưng nhận được tin báo của bệnh viện có mấy đồng nghiệp bị lây bệnh”, y tá Mến kể tiếp.

Trong trí nhớ của y tá Mến, khi vào viện, vài ngày đầu bà sốt cao, lúc tỉnh lúc mê và nghe thấy tiếng thở máy từ những phòng bên cạnh.

“Tôi và y tá Uyên nằm chung phòng bệnh, tôi li bì, không hề ho, còn Uyên tỉnh táo nhưng ho rũ rượi”, y tá Mến nhắc lại.

Thời điểm Bệnh viện Việt – Pháp tiếp nhận bệnh nhân Johnny Cheng, y tá Mến không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân này, nhưng phòng liền ngay cửa, lại mở liên tục, nên cũng bị lây nhiễm.

Theo lời y tá Uyên kể lại, ông Cheng ho liên tục 45 phút, thậm chí ho ra máu, y tá Uyên và y tá Lượng đã phải túc trực cả đêm nên bị lây nhiễm nặng.

Hôm sau, một bác sĩ người Pháp tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân Cheng, kết quả, sau hơn 10 ngày, bác sĩ đó cũng mất.

Trong quá trình hôn mê, y tá Mến cho hay có tin báo về nhà là bà không qua khỏi, đã khiến gia đình hoảng loạn, gửi điện chia buồn, bố mẹ của nữ y tá cũng đòi gặp con bằng được. Y tá Mến bồi hồi nhớ lại cảnh tượng khi đó: “Tôi mê man nhưng vẫn nghe được mọi người nói văng vẳng bên tai, tôi chỉ nhớ lời động viên của bố 'Con ơi cố lên con nhé'…”.

Y tá Mến xuất viện.

Ngày 24/3 năm đó, y tá Mến “trở về” như một chiến binh mạnh mẽ của thời đại. Phút giây y tá Mến tỉnh lại, đồng nghiệp vui mừng, nhưng sợ!.

Giây phút bà Mến tỉnh dậy, đồng nghiệp vui mừng vì cả bệnh viện như đã giành chiến thắng trong cuộc chiến với tử thần, nhưng sợ bà “sốc” nên giấu chuyện các đồng nghiệp đã hy sinh.

Bà Mến khẽ lau vội giọt nước mắt và nói: “Tôi tìm các đồng nghiệp, nhưng ai cũng nói dối tôi rằng họ đã hồi phục và đang làm việc không tiện gặp. Nhưng, tôi thấy lạ là trước lúc hôn mê sâu, tôi được biết tình trạng của y tá Uyên và y tá Lượng nặng hơn tôi rất nhiều. Ánh mắt mọi người nhìn tôi thực sự có gì đó rất lạ”.

Theo lời kể của y tá Mến, lúc đó ở trong phòng bệnh bà không được tiếp xúc với bất cứ thông tin gì, duy chỉ có ti vi bà tình cờ bật lên thì nghe được bản tin thời sự đưa tin mới nhất về dịch SARS với 5 người tử vong, bà bị “sốc” rồi dẫn đến trầm cảm nặng.

“Các bác sĩ bắt đầu cho tôi 'cai máy thở'… Khi chưa rút máy, bác sĩ cho thở bằng áp lực dương bơm vào, cảm giác của tôi kinh khủng giống như bị ai đó ghì chặt lấy rồi bóp cổ. Đó là hai đêm tôi như ngạt thở, một mình vật lộn trên giường...

Sau khi tỉnh dậy, biết tin mọi người mất, lại thấy chân mình liệt, phổi xẹp hết, không có oxy, hít thở đau khủng khiếp, tôi dường như gục ngã, muốn từ bỏ tập luyện…”, y tá Mến nhớ lại giây phút biết đồng nghiệp đều hy sinh vì đại dịch SARS.

Nỗi đau khi gia đình bị “cô lập”

Sau vài ngày tỉnh dậy, nếu ở trong viện bà sẽ tiếp tục đau khổ, để bà bớt u uất, các bác sĩ và gia đình cho bà về với gia đình, mọi người cho rằng chỉ khi về với gia đình được nhìn thấy các con bà mới có động lực để sống tiếp.

“Chứng kiến gia đình bị cô lập, chồng phải nghỉ việc, các con buộc phải nghỉ học để cách ly, trẻ con hàng xóm không ai chơi cùng, có những đứa trẻ sau này kể lại với tôi “Cháu đi qua nhà bác cháu còn phải bịt mũi lại, cháu sợ lắm!”. Gia đình tôi muốn đi ăn quán cũng phải chờ trời tối rồi mới đi, mà phải đi thật xa, vì ở gần không ai chịu bán…”, y tá Mến khẽ lau vội giọt nước mắt vì xót xa.

Thoát khỏi “án tử” một cách thần kỳ, nhưng cuộc sống của y tá Mến gặp muôn vàn khó khăn, áp lực tinh thần, nỗi đau thể xác, nỗi ám ảnh mất bạn bè, đồng nghiệp…

Sau chuỗi ngày buồn bã, bà phải tiếp hàng trăm cuộc phỏng vấn với báo đài trong nước và quốc tế. Và cứ mỗi khi nhắc đến câu chuyện của bản thân, bà lại rơi nước mắt khi nghĩ đến những đồng nghiệp đã mãi mãi ra đi. Bà bị trầm cảm nặng, cho đến ngày hai cô con gái nhỏ ôm mẹ, người mẹ ấy chợt nhận ra phải tìm lại sức sống.

Tuần đầu tiên rời bệnh viện, bà vẫn trằn trọc không ngủ được, phần vì ám ảnh mất mát của đồng nghiệp, phần vì sự đau đớn của cơ thể, chân của bà đau giống như bị nướng trên lửa.

Y tá Mến thắp hương cho những đồng nghiệp đã mất.

“Tôi thường phải tự tiêm thuốc cho mình, vì Bệnh viện Việt - Pháp đóng cửa tẩy trùng, lại chẳng ai dám tiếp xúc với gia đình tôi. Giai đoạn đầu, số lượng thuốc mà tôi phải uống nhiều vô kể... Bác sĩ chuyên khoa thần kinh người Pháp P. Hor nhắc tôi rằng, đây là tổn thương cần sự phục hồi từ từ, phải kiên trì mới được... Cứ như vậy, 5 năm sau, tôi mới dừng thuốc vì biết không thể cải thiện thêm được nữa”, y tá Mến nói về chuỗi ngày cố gắng tự phục hồi.

Y tá Mến cho hay, trí nhớ của bà cũng bị ảnh hưởng ít nhiều do lúc hôn mê thiếu oxy lên não… Tất cả hồi phục chỉ dừng lại ở mức độ tương đối. Hàng ngày, y tá Mến tập thể dục quanh khu vực gần nhà, cứ thế, cứ thế sức khoẻ của bà dần dần hồi phục.

THANH HOA - THANH LIỄU

/to-quoc-viet-nam-trong-mua-dai-dich-covid-19.html