/ Pháp luật - Đời sống
/ Áp dụng giám sát điện tử, thay tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội

Áp dụng giám sát điện tử, thay tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội

30/11/2024 12:42 |

(LSVN) - Đối với vấn đề áp dụng giám sát điện tử, thay tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Luật, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của người chưa thành niên là bị can, bị cáo mà Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được giám sát điện tử.

Ngày 30/11, với 461/463 Đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 96,24%) Quốc hội đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trước đó, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua có bố cục gồm 05 phần, 10 Chương và 179 Điều, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.

Đối với vấn đề áp dụng giám sát điện tử, thay tạm giam đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Luật, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của người chưa thành niên là bị can, bị cáo mà Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được giám sát điện tử.

Bị can, bị cáo được giám sát điện tử phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ: Không đi khỏi phạm vi giám sát; Phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; Không bỏ trốn hoặc không tiếp tục phạm tội; Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này; Không tháo, phá hủy thiết bị giám sát điện tử hoặc gây rối loạn hoạt động của thiết bị giám sát điện tử.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định giám sát điện tử đối với người chưa thành niên là bị can, bị cáo và phải ghi rõ phạm vi giám sát.

Thời hạn giám sát điện tử không quá thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo quy định của Luật này. Thời hạn giám sát điện tử đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

Bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì bị tạm giam.

Để đảm bảo có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện giám sát điện tử như ý kiến của một số Đại biểu, khi báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm áp dụng thống nhất, hiệu quả trên thực tế.

Đồng thời, Luật đã quy định hiệu lực thi hành đối với biện pháp giám sát điện tử kể từ ngày 01/01/2028, sau hiệu lực chung của Luật là 02 năm để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị.

MINH NGUYÊN (t/h)

Các tin khác