/ Trao đổi - Ý kiến
/ Kiến nghị hoàn thiện pháp luật khi áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm sở hữu

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật khi áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội xâm phạm sở hữu

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Để bảo đảm phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, tăng cường bảo vệ quyền về tài sản, đặc biệt là các tài sản đặc biệt có giá trị tinh thần của người dân; bảo đảm đối xử bình đẳng giữa chính sách xử lý hành vi xâm phạm tài sản của Nhà nước với hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân theo tinh thần của Hiến pháp 2013; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường áp dụng các chế tài không tước tự do. Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã có nhiều tiến bộ hơn so với BLHS năm 1999 khi quy định về các tội xâm phạm sở hữu. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.

Ảnh minh họa. 

Những quy định tiến bộ của luật

BLHS quy định các tội xâm phạm sở hữu gồm 13 điều (từ Điều 168 đến Điều 180), đã có nhiều quy định tiến bộ hơn so với BLHS năm 1999, cụ thể:

Một là, bổ sung thêm đối tượng tài sản bị xâm hại là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại tại một số tội danh: Tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" (Điều 172), Tội "Trộm cắp tài sản" (Điều 173), Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 174).

Hai là, mở rộng khách thể bảo vệ tại Điều 144 BLHS năm 1999 quy định về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước" nay là Điều 179 BLHS năm 2015 theo hướng bảo vệ đối với cả tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Ba là, cụ thể hoá các tình tiết định tính, định lượng, định khung tăng năng trách nhiệm hình sự. Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính đối với tội "Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".        

Những khó khăn, vướng mắc

Mặc dù, ngày 09/01/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức buổi giải đáp trực tuyến toàn quốc về một số vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự và hành chính. Trong đó có giải đáp nội dung vướng mắc khi áp dụng các quy định của BLHS về các tội xâm phạm sở hữu tại tiểu mục 3, 4 Mục I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao (Công văn số 64). Tuy nhiên, khi nghiên cứu và áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc sau:

Một là, tại tiểu mục 4 Mục I Công văn số 64 giải đáp: "Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu (ví dụ: Nhiều lần phạm tội trộm cắp tài sản), mà tổng trị giá tài sản của các lần phạm tội thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của BLHS".

Để áp dụng được tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội 02 lần trở lên" cần thỏa mãn hai điều kiện:

(i) Tất các các lần có hành vi xâm phạm sở hữu đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

(ii) Tổng giá trị tài sản các lần  phạm tội phải thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng. BLHS quy định các mốc giá trị tài sản chiếm đoạt là từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng và từ 500.000.000 đồng trở lên để định khung tăng nặng tại khoản 2, 3 hoặc 4 của điều luật.

Tuy nhiên trên thực tiễn, có trường hợp tội phạm thỏa mãn điều kiện thứ nhất nhưng tổng giá trị tài sản các lần chiếm đoạt không đủ để định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự, mặc dù tính chất, mức độ, hành vi nguy hiểm cho xã hội lớn hơn nhiều.

Như vậy, để áp dụng được tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội 02 lần trở lên" mà chỉ dựa vào dấu hiệu về giá trị tài sản là chưa đủ, chưa bảo đảm phân hóa tội phạm.

Hai là, Công văn số 64 giải thích "… trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian".

Nhưng trên thực tế, có trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, có lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và có lần bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu thì chưa có hướng dẫn. Ví dụ: A. phạm tội "Trộm cắp tài sản" quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS với giá trị tài sản chiếm đoạt được là 45.000.000 đồng, qua quá trình mở rộng điều tra, phát hiện trước đó A. đã thực hiện hành vi trộm cắp 04 lần, mỗi lần đều dưới 2.000.000 đồng, những các lần này đều chưa bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu để xử phạt hành chính. Như vậy, khi truy tố, xét xử A., có cộng giá trị tài sản các lần chiếm đoạt lại để định tội danh và định khung tăng năng trách nhiệm hình sự hay không? Nếu khi cộng tổng giá trị tài sản trên 50.000.000 đồng thì có được áp dụng để làm tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với A. hay không?

Ba là, cấu thành cơ bản tại các Điều 172, 173, 174, 175, 177, 178 BLHS quy định hành vi chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới mức tối thiểu nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc trường hợp đã bị kết án về các tội được quy định tại các điều luật tương ứng, chưa được xóa án tích. Đây là dấu hiệu để định tội danh. Như vậy, vấn đề đặt ra là có áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm" quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS, bởi các dấu hiệu hành vi trên đều thỏa mãn trường hợp tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm quy định tại Điều 53 BLHS. Khi xem xét, giải quyết các vụ án trên thực tế, đã có nhiều quan điểm trái chiều.

Quan điểm thứ nhất: Tuy chưa có hướng dẫn cụ thể vấn đề này nhưng nếu vận dụng như cách lý giải của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại đoạn 2 tiểu mục 4 Mục I Công văn số 64 thì chúng ta vẫn có thể áp dụng được thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm đối với loại hành vi này.

Quan điểm thứ hai: Không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm" trong trường hợp này, đây cũng là quan điểm tác giả, bởi lẽ, khi áp dụng sẽ trái với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS: "Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng".

Kiến nghị, đề xuất

Trên cở sơ nghiên cứu và thực tiễn áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án, tác giả kiến nghị, đề xuất một số vấn đề sau:

Một là, để bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự, phân hóa tội phạm, cá thể hóa trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong việc xem xét, giải quyết vụ án, tác giả kiến nghị nên có thêm hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự liên quan đến các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, cụ thể:

(i) Nên cộng gộp các lần có hành vi xâm phạm sở hữu nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong lần thực hiện hành vi đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, bởi mặc dù hành vi xâm phạm sở hữu, chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng đã thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội.

(ii) Mở rộng điều kiện áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội 02 lần trở lên" cho cả cấu thành cơ bản và khi áp dụng không chỉ căn cứ vào tổng giá trị tài sản đã chiếm đoạt mà còn căn cứ vào các tình tiết khác quy định trong điều luật.

Hai là, cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về việc không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm" quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 và Điều 53 BLHS đối với các hành vi xâm phạm sở hữu quy định tại cấu thành cơ bản các Điều 172, 173, 174, 175, 177, 178 BLHS để áp dụng pháp luật thống nhất, không trái nguyên tắc của BLHS.

VÕ MINH TUẤN

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Một số vấn đề về phục hồi vụ án hình sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Lê Minh Hoàng