Ảnh minh họa.
Khách thể của tội phạm này là quyền bất khả xâm phạm về tình dục, về thân thể, danh dự và nhân phẩm của người dưới 16 tuổi. Đối với trường hợp nạn nhân là người dưới 16 tuổi, hành vi hiếp dâm không những xâm phạm đến thân thể, danh dự nhân phẩm của người bị hại, mà còn trực tiếp cũng như gián tiếp tác động đến sự phát triển, hoàn thiện cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của nạn nhân. Vì lẽ đó, hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi đã được các nhà làm luật ghi nhận tại một điều khoản riêng, mà không coi là tình tiết tăng nặng của tội hiếp dâm.
Mặt khách quan của tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” gồm những hành vi sau:
- Dùng vũ lực: Là dùng sức mạnh mang tính vật lý tác động lên cơ thể người bị hại, khiến họ tê liệt, mất khả năng kháng cự như vật ngã, đè, giữ tay, chân, bịt miệng, bóp cổ, đấm đá, trói, giằng xé quần áo,... của nạn nhân để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của nạn nhân.
- Đe doạ dùng vũ lực: Là dùng lời nói, cử chỉ, động tác nhưng chưa tác động vào người nạn nhân, nhưng làm cho nạn nhân hiểu rằng nếu kẻ tấn công không giao cấu được thì sẽ sử dụng vũ lực ngay tức khắc.
- Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được: Lợi dụng người bị hại không thể chống cự được (người bị hại là người khuyết tật, bị ngất, bị trói,...) để thực hiện hành vi hiếp dâm; hoặc người bị hại là người bị mất, hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác... dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).
- Dùng thủ đoạn khác: Là trường hợp người phạm tội gây áp lực về mặt tinh thần, làm cho nạn nhân khiếp sợ, dùng thuốc ngủ, thuốc kích dục, rượu hay các chất kích thích khác làm cho nạn nhân hạn chế hoặc mất khả năng phòng vệ; hứa hẹn một số lợi ích về vật chất hoặc tinh thần để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
Mặt chủ quan của tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” chính là ý thức chủ quan của người phạm tội, mong muốn thực hiện hành vi phạm tội nhằm thỏa mãn dục vọng dù biết đây là hành vi vi phạm pháp luật, trái với luân thường đạo lý. Chủ thể của tội phạm này theo pháp luật hình sự là con người cụ thể, đang sống và có năng lực trách nhiệm hình sự.
Phạm tội chưa đạt là tình tiết được ghi nhận tại Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015. Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Khái niệm về phạm tội chưa đạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015 không có thay đổi gì so với quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999. Do khái niệm phạm tội chưa đạt đề cập đến ý chí chủ quan của người phạm tội là cố ý, nên ta có thể xác định chỉ những tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý thì mới áp dụng được tình tiết phạm tội chưa đạt.
Điều luật không quy định vấn đề là lỗi cố ý trực tiếp hay gián tiếp, nhưng căn cứ vào quy định “không thực hiện được đến cùng”, nghĩa là người phạm tội có mục đích thực hiện tội phạm đến cùng, nên họ mong muốn cho hậu quả xảy ra chứ không để mặc cho hậu quả xảy ra. Vậy nên có thể nhận định rằng phạm tội chưa đạt chỉ có thể xảy ra đối với trường hợp lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
Khoa học pháp lý chia phạm tội chưa đạt thành hai loại:
- Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi khách quan để cấu thành tội phạm, nhưng vì một nguyên nhân khách quan nào đó mà hậu quả không xảy ra.
- Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành là trường hợp người phạm tội mặc dù mong muốn nhưng không thể thực hiện đến cùng hành vi phạm tội của mình, vì một số lý do khách quan.
Vì cấu thành tội phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” là cấu thành hình thức, nghĩa là chỉ cần có hành vi khách quan do người phạm tội tiến hành đã đủ căn cứ để cấu thành tội phạm, nên trường hợp “Phạm tội chưa đạt” đối với tội phạm này chính là việc người phạm tội vì một lý do khách quan nào đó chưa thể thực hiện tới cùng những hành vi phạm tội của mình, và như vậy được coi là “Phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành”.
Định nghĩa của hành vi giao cấu chính là sự xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, nên tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” được coi là đã hoàn thành khi có sự tiếp xúc giữa bộ phận sinh dục nam và bộ phận sinh dục nữ. Vì vậy, những hành vi được coi là phạm tội chưa đạt đối với tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” chỉ gồm dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc sử dụng thủ đoạn khác nhằm mục đích giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác, nhưng chưa thể thực hiện được mục đích của mình thì buộc phải dừng hành vi phạm tội của mình vì những lý do khách quan. Những lý do ấy có thể là sự chống cự quyết liệt của bị hại, hoặc kịp thời phát hiện ngăn cản của những người khác,... làm cho người phạm tội không thể thực hiện được hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác, và phải là những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội (nhằm phân biệt với trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội). Mặc dù, Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định “Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”, tuy nhiên trong trường hợp phạm tội chưa đạt, hậu quả để lại là nhỏ hơn so với trường hợp tội phạm đã hoàn thành, nên phải căn cứ vào mức độ lỗi của người phạm tội cũng như xác định hậu quả đã xảy ra làm căn cứ để quyết định hình phạt.
Việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt cũng phải căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 57 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”.
Ví dụ: Lò Văn M. sinh ngày 27/02/1948 sống tại huyện U, tỉnh K, là hàng xóm của cháu Nguyễn Thị T., sinh ngày 23/9/2004, là học sinh trường Trung học cơ sở huyện U. Ngày 11/8/2018, nhân lúc bố mẹ cháu T. vắng nhà, M. liền lẻn sang nhà cháu T., khi cháu đang ngủ, dùng sức đè cháu T. xuống để thực hiện hành vi hiếp dâm. Nhưng do cháu T. kháng cự quyết liệt nên hàng xóm xung quanh đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi của M. Vụ việc sau đó được Công an huyện U xử lý theo quy định của pháp luật. Tại phiên toà, Lò Văn M. đã bị tuyên ba năm tù về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 trong trường hợp phạm tội chưa đạt.
Cần lưu ý, yếu tố tiên quyết để xác định một trường hợp cấu thành tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” phạm tội chưa đạt chính là việc người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan cấu thành nên tội phạm này. Vì Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định đối với tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội (không thuộc những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015), nên người phạm tội đã chuẩn bị công cụ, phương tiện, điều kiện để phạm tội nhưng chưa thực hiện hành vi khách quan nào quy định tại khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không thể coi là trường hợp phạm tội chưa đạt.
Ví dụ: Nguyễn Xuân A. sinh ngày 15/3/2002 và Trần Thị B. sinh ngày 28/12/2005, là học sinh lớp 9A trường Trung học phổ thông huyện X, tỉnh Y. Do A. thấy B. xinh đẹp nên đã nhiều lần tán tỉnh, nhưng không được B. đồng ý, vậy nên Nguyễn Xuân A. đã lên kế hoạch hiếp dâm Trần Thị B. Ngày 25/7/2019, A. lên mạng xã hội tìm mua thuốc ngủ dạng nước để pha vào trà sữa cho B. uống, nhằm thực hiện hành vi hiếp dâm. Nhưng vô tình Trần Thị B. đã đọc được tin nhắn với nội dung mua thuốc của Nguyễn Xuân A., cùng kế hoạch hiếp dâm B. mà A. đã soạn sẵn và lưu trong máy điện thoại. Trần Thị B. sau đó đã báo cho Công an huyện X xử lý vụ việc.
Các cơ quan tố tụng đã xác định Nguyễn Xuân A. không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị phạm tội đối với tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” của mình, vì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về những trường hợp đang trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thạc sĩ LÊ THÀNH PHƯƠNG
Tòa án quân sự Quân khu 1