/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số điểm mới về tội ‘Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ’ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự

Một số điểm mới về tội ‘Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ’ tại Điều 260 Bộ luật Hình sự

11/10/2023 07:04 |

(LSVN) - Đảm bảo trật tự về an toàn giao thông nói chung và an toàn giao thông đường bộ nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần giữ vững kỷ cương xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân, của nhà nước.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông Quý I, phương hướng, nhiệm vụ công tác Quý II/2022, tai nạn giao thông trong Quý I/2022 trên cả nước tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/3/2022,  xảy ra 2.762 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.676 người, bị thương 1.741 người. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 2.731 vụ, làm chết 1.630 người, bị thương 1.734 người. Tổng số vụ tai nạn giao thông có 15,47% số vụ do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,49% do chuyển hướng không đảm bảo an toàn; 3,69% do vượt xe sai quy định; 3,28% do vi phạm tốc độ; 1,76% do sử dụng rượu, bia, chất kích thích có cồn; 1,52% do người đi bộ sang đường sai quy định [1].

Nhận định được sự nguy hiểm nghiêm trọng của các tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, Đảng và nhà nước ta đã có chủ trương xử lý nghiêm minh tội phạm này, nổi bật nhất là việc nghiên cứu, xây dựng một điều luật mới dựa trên những kinh nghiệm áp dụng Điều 202 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 trên thực tế. Việc xây dựng Điều 260 BLHS năm 2015 trên tinh thần khắc phục những hạn chế của điều luật cũ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong việc xử lý loại tội phạm này. 

1. Một số điểm mới của tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” trong BLHS 2015

Tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260 BLHS như sau:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

So sánh với quy định tại Điều 202 BLHS 1999 thì nội dung Điều luật này có nhiều điểm nổi bật được các nhà lập pháp sửa đổi, bổ sung nhằm minh thị các quy định để việc áp dụng được thống nhất và dễ dàng hơn, cụ thể:

Một là, Điều 260 BLHS được xây dựng với kết cấu gồm 05 khung hình phạt. Trong đó, khung hình phạt cơ bản thuộc khoản 1, khung hình phạt dành cho trường hợp phạm tội chưa đạt thuộc khoản 4 và khung hình phạt quy định về áp dụng biện pháp tư pháp ở khoản 5.

BLHS 1999, tình tiết định khung tăng nặng được phân thành các điểm ở khoản 2, các khoản còn lại không có điểm mà chỉ quy định điều kiện để áp dụng khung hình phạt nặng hơn.

Điều 260 BLHS có 03 khung hình phạt, quy định các điểm (tình tiết) định khung, trong đó khoản 2 Điều 260 BLHS là có số tình tiết định khung nhiều nhất (7 điểm, từ điểm a đến điểm g), khoản 1 có 04 Điểm và khoản 3 có 03 điểm. So với Điều 202 thì số khung hình phạt của Điều 260 không thay đổi.

Hai là, BLHS 2015 loại bỏ mức độ hậu quả gây tổn thương cơ thể của 01 người dưới 61%, loại bỏ mức độ hậu quả tổn thương cơ thể của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61% và loại bỏ mức độ thiệt hại vật chất dưới 100.000.000 đồng làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này. Đồng thời điều luật mới cũng loại bỏ quy định cộng chung mức thiệt hại kép về sức khỏe con người và vật chất như quy định ở điều luật cũ. Tuy nhiên, cần lưu ý là, khi chưa có thiệt hại xảy ra thì người vi phạm vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ các điều kiện quy định tại khoản 4 của Điều 260 BLHS.

Ba là, trong khoản 1 Điều 260 BLHS có mức khởi điểm của hình phạt tiền tăng gấp 06 lần, mức cao nhất của phạt tiền tăng gấp 02 lần (từ 50.000.000 đồng lên 100.000.000 đồng); tăng mức khởi điểm của hình phạt tù có thời hạn tù từ 06 tháng lên đến 01 năm.

Bốn là, điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS có thêm tình tiết “có sử dụng chất ma túy” vào trước cụm từ “hoặc chất kích thích mạnh khác”.

Năm là, khoản 4 Điều 260 BLHS đã liệt kê rõ các hậu quả có thể xảy ra thuộc các điểm a, b, c ở khoản 3 của điều luật này; bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính với mức từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và mức hình phạt tù theo quy định là 03 tháng đến 01 năm tù (so với quy định tại khoản 4 Điều 202 BLHS 1999 là từ 03 tháng đến 02 năm).

2. Một số nội dung cần làm rõ và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ"

Thứ nhất, trong cấu thành tội phạm cơ bản tại khoản 1 Điều 260 BLHS. Tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" là tội phạm có cấu thành vật chất, hậu quả được xác định bao gồm thiệt hại về vật chất, hoặc sức khỏe hoặc tài sản. Người phạm tội chỉ cần gây hậu quả thuộc 01 trong 03 dạng trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). 

Trường hợp 1: A. có hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Thiệt hại về tài sản mà A. gây ra cho người khác là 99 triệu đồng, đồng thời A. gây thiệt hại về sức khỏe cho người này với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 60%. Trường hợp này A. không bị truy cứu TNHS vì thiệt hại A. gây ra không thuộc trường hợp một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS.

Trường hợp 2: B. có hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và gây thiệt hại về tài sản cho người khác là 101 triệu đồng. B. không gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe cho bất kỳ ai. Hành vi của B. không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 260 BLHS. Trường hợp này, hành vi của B. thỏa mãn điều kiện “gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 260 BLHS, do vậy B. bị truy cứu TNHS. 

Qua hai trường hợp trên nhận thấy rằng, dù thiệt hại do A. gây ra nghiêm trọng hơn B. (vì gây thiệt hại về sức khỏe đến 60%) nhưng không bị truy cứu TNHS, nhưng B. chỉ gây thiệt hại nhỏ hơn (chỉ thiệt hại về tài sản) A. nhưng bị truy cứu TNHS. 

Thứ hai, trong cấu thành tội phạm tăng nặng quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 260 BLHS.

- Phát sinh trường hợp gây thiệt hại lớn nhưng bị truy cứu TNHS ở cấu thành tội phạm nhẹ hơn, gây thiệt hại nhỏ hơn nhưng bị truy cứu TNHS ở cấu thành tội phạm nặng hơn. Quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS được quy định theo hướng như trong khoản 1 Điều 260 BLHS, là việc xác định hoặc gây thiệt hại về tính mạn, hoặc gây thiệt hại về sức khỏe, hoặc gây thiệt hại về tài sản, và người phạm tội không cần gây đồng thời 03 dạng thiệt hại hoặc 02 trong 03 dạng thiệt hại nêu trên. Điều này cũng gây ra tình trạng tương tự như khoản 1 Điều 260 BLHS.

Trường hợp 3: C. có hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và gây thiệt hại cho 03 người (02 người chết, 01 người bị tổn thương cơ thể 80%). Trường hợp này hành vi của C. thỏa mãn quy định “làm chết 02 người trở lên” theo điểm đ khoản 2 Điều 260 và quy định “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên” theo điểm b khoản 1 Điều 260 BLHS. Do vậy, C. bị truy cứu TNHS theo khoản 2 với mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. 

Trường hợp 4: D. có hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và gây thiệt hại cho 03 người (01 người bị tổn hại 60%, 01 người 70%, 01 người 80%). Trường hợp này, hành vi của D. thỏa mãn điều kiện “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên” theo khoản 3 Điều 260 BLHS. 

Đây là một điểm bất hợp lý, bởi so về thiệt hại, C. gây ra thiệt hại lớn hơn vì làm chết 02 người và bị thương 01 người nhưng bị truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 260 BLHS, còn D không làm chết người nhưng bị truy cứu TNHS theo khoản 3 Điều 260 BLHS. 

- Không có quy định cụ thể tình tiết “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc không cứu giúp người bị nạn” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS. Trong quá trình xét xử, gặp không ít trường hợp người gây tai nạn bỏ chạy khỏi hiện trường do nhiều lý do khác nhau về tâm lý sợ hãi khi gây tai nạn, lo sợ người nhà nạn nhân trả thù,… nhưng sau một thời gian trấn an tâm ký người gây tai nạn đã tới cơ quan có thẩm quyền để đầu thú có bị coi là chạy để trốn tránh trách nhiệm không? Tình tiết “cố ý không cứu giúp người bị hại” được hiểu như thế nào cho đúng? Trường hợp người gây tai nạn không có điều kiện cứu giúp, hoặc không thể cứu giúp thì có bị coi là “cố ý không cứu giúp người bị nạn” không?

Không có văn bản hướng dẫn tình tiết “…có khả năng thực tế…..”. Khoản 4 Điều 260 BLHS, quy định “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b, và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”. Thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng khó khăn đánh giá và xác định “trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả” vì không có căn cứ pháp luật quy định cụ thể xác định.

Thứ ba, về hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 260 BLHS.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã quy định rất rõ về điều kiện các trường hợp bị tịch thu giấy phép lái xe có thời hạn. Trong trường hợp người vi phạm pháp luật giao thông đường bộ bị truy cứu TNHS thì quy định tại Điều 260 BLHS không đề cập đến. Khoản 5 Điều 260 BLHS chỉ quy định các hình phạt bổ sung về “cấm đảm nhiệm chức vụ”, “cấm hành nghề”, “hoặc làm công việc nhất định”…

Thực tế xét xử cho thấy mặc dù hậu quả vụ tai nạn xảy ra nghiêm trọng, người gây tai nạn bị truy cứu TNHS nhưng được hưởng án treo hoặc được áp dụng hình phạt không phải tù có thời hạn thì đa số các bản án đều tuyên trả lại giấy phép lái xe cho bị cáo, nhất là các bị cáo lái xe mô tô. Quy định như vậy vô hình chung xử lý trách nhiệm của người lái xe vi phạm pháp luật hình sự không nghiêm khi so sánh với người lái xe vi phạm pháp luật hành chính bị tước bằng lái xe có thời hạn.

Nghiên cứu về hình phạt bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 260 BLHS, xét trong tổng thể Chương XXI thì tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" không quy định hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung. Trong khi đó, các tội phạm quy định khác được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung cùng với quy các hình phạt bổ sung khác như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Do đó, khoản 5 Điều 260 BLHS không quy định hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đã tạo nên sự không thống nhất, tương thích với các điều luật khác, làm giảm tính răn đe, phòng ngừa đối với tội phạm này trên thực tế.

Thứ tư, một số vấn đề khác

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 đều quy định: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định,…”, những quy định trên mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Do đó, trong thời gian tới cần quy định lại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS thống nhất với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019.

Chủ thể của hành vi vi phạm tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 BLHS, bao gồm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và người đi bộ trên đường. Quy định này không hợp lý, bởi tính chất nguy hiểm của hành vi do 02 chủ thể trên gây ra có sự khác biệt lớn. Nếu cùng điều chỉnh hành vi vi phạm như hiện nay, cùng chung một mức hình phạt sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng trước pháp luật. Ngoài ra, việc áp dụng hình phạt bổ sung tại khoản 5 Điều 260 BLHS “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định” cũng không còn ý nghĩa khi chủ thể vi phạm là người đi bộ tham gia giao thông. 

Từ những bất cập, vướng mắc như trên cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể như xây dựng, dự thảo, thông qua văn bản hướng dẫn thi hành thống nhất nhằm khắc phục những hạn chế của quy định, nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nói riêng.

[1] Nguyễn Thị Xuân, Thông tin nhanh về tình hình tai nạn giao thông Quý I/2022, https://binhphuoc.gov.vn/vi/stp/an-toan-giao-thong/thong-tin-nhanh-ve-tinh-hinh-tai-nan-giao-thong-quy-i-2022-1290.html, (10/4/2023).

NGUYỄN THỊ THÚY LOAN

Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 9

PHẠM THỊ THỦY

Giảng viên Trường Đại học Kiên Giang

Tội ‘Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi’: Lý luận và thực tiễn

Bùi Thị Thanh Loan