Bàn về việc áp dụng biện pháp dẫn giải đối với trường hợp bị hại từ chối giám định

16/09/2023 23:30 | 8 tháng trước

(LSVN) - Trong những năm trở lại đây, hành vi cố ý xâm phạm đến sức khoẻ của người khác dưới các thương tích cụ thể có chiều hướng gia tăng về số lượng với tính chất, mức độ, diễn biến phức tạp. Song, việc điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, nhất là việc áp dụng biện pháp dẫn giải đối với người bị hại khi họ từ chối giám định.

Ảnh minh họa.

Khái quát về biện pháp dẫn giải

Dẫn giải đã được Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 quy định như là một biện pháp cưỡng chế để bảo đảm cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được diễn ra theo đúng trình tự, quy định của pháp luật và được quy định riêng lẻ trong các Điều luật liên quan đến bị can, bị cáo như: Dẫn giải người làm chứng trong trường hợp được triệu tập mà cố ý không đến nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử (điểm a khoản 4 Điều 155), dẫn giải người làm chứng (Điều 134). Theo đó, BLTTHS 2003 đề cập tới dẫn giải nhưng chưa quy định cụ thể thế nào là dẫn giải, căn cứ để dẫn giải, quy định về dẫn giải chỉ áp dụng đối với người làm chứng, còn các đối tượng khác liên quan đến vụ án, nếu họ cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì cũng không áp dụng dẫn giải.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định mới về biện pháp dẫn giải như sau:

- Tại điểm l khoản 1 Điều 4 BLTTHS 2015 quy định: “Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định”.

- Tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015 quy định:“Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”.

Từ các khái niệm trên, có thể thấy mục đích dẫn giải đối với người bị hại là nhằm tiến hành hoạt động giám định. Các quy định trên là chế định hoàn toàn mới, khắc phục được phần nào những khó khăn của các cơ quan tiến hành tố tụng trong thời gian qua. Đồng thời, thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án được diễn ra nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.

Thực tế, để người bị hại hợp tác, cơ quan tiến hành tố tụng phải thuyết phục, động viên để họ hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình mới chấp nhận tiến hành giám định. Kết luận giám định là chứng cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, cơ chế hình thành dấu vết, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; những tình tiết liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, để đảm bảo việc xử lý vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Đây cũng là yếu tố tiên quyết trong việc giải quyết các vụ án cố ý gây thương tích do việc xác định tỉ lệ thương tật của bị hại là một trong những yêu cầu bắt buộc, bởi chỉ khi xác định được phần trăm tỉ lệ thương tích của bị hại thì Cơ quan cảnh sát điều tra mới có căn cứ để khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự và việc giám định này được thực hiện bởi cơ quan giám định theo yêu cầu trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 205,206 BLTTHS 2015.

Nguyên nhân và thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự

Người bị hại thường từ chối giám định thương tích bởi các lý do sau:

- Trường hợp người vợ bị chồng đánh đập, hành hạ nhưng do không muốn chồng bị khởi tố nên người vợ từ chối giám định thương tích;

- Trường hợp do giữa người bị hại và người phạm tội có mối quan hệ thân thích hoặc mối quan hệ hàng xóm láng giềng;

- Trường hợp bị hại và người phạm tội ngầm thỏa hiệp, tự hòa giải bồi thường mà không đi giám định thương tích; hoặc do người bị hại hoặc người thân của bị hại bị người phạm tội đe dọa, mua chuộc, hai bên tự thỏa thuận bồi thường dân sự, viết đơn từ chối giám định thương tích hoặc kéo dài thời gian đi giám định thương tích để thoái thác, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá tình giải quyết vụ án.

Thống kê các vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại cho thấy, các vụ án về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” luôn chiếm tỉ lệ cao. Một trong các yêu cầu bắt buộc là phải xác định được tỉ lệ thương tích của bị hại. Trong số các vụ cố ý gây thương tích có bị hại từ chối giám định thì có nhiều vụ được thực hiện bởi các nhóm thanh niên sử dụng hung khí, có tính chất côn đồ, gây thương tích cho nhiều người với tính chất mức độ nghiêm trọng, nhưng khi Cơ quan điều tra thụ lý tin báo về tội phạm, tiến hành điều tra, xác minh thì sau đó người bị hại đã từ chối phối hợp cung cấp thông tin và từ chối cả việc giám định thương tích do các đối tượng đã dùng tiền bồi thường thỏa đáng cho người bị hại hoặc người bị hại bị các đối tượng đe dọa, trả thù… nên khi Cơ quan điều tra quyết định trưng cầu giám định thương tích thì họ đã từ chối, không hợp tác và không đồng ý thực hiện dẫn đến việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh chống tội phạm.

Hạn chế, vướng mắc

- Tại điểm a khoản 4 Điều 62 BLTTHS năm 2015 quy định về nghĩa vụ của bị hại: “có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải” và điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 quy định về biện pháp dẫn giải. Thực tế, vẫn tồn tại khó khăn khi áp dụng các quy định trên bởi cho dù cơ quan tiến hành tố tụng đã thi hành quyết định dẫn giải người bị hại theo quy định tại Điều 127 BLTTHS năm 2015 nhưng bị hại vẫn cương quyết từ chối việc giám định, tỏ thái độ bất hợp tác nên không thể tiến hành việc giám định được. 

Bên cạnh đó, có bị hại nhận được quyết định trưng cầu giám định thì bỏ đi nơi khác. Lúc này cơ quan tiến hành tố tụng không còn biện pháp nào khác để buộc họ phải chấp hành quyết định trưng cầu giám định dẫn đến việc xác minh tố giác, tin báo về tội phạm cũng như việc điều tra giải quyết vụ án bị dậm chân tại chỗ.

Có nhiều quan điểm khác nhau về quyết định dẫn giải như sau:

- Quan điểm thứ nhất: Đối với quyết định dẫn giải của cơ quan tiến hành tố tụng khi đã ban hành nhưng người bị hại vẫn tự nguyện từ chối giám định thương tích, cơ quan tiến hành tố tụng cần tôn trọng sự tự nguyện của bị hại;

- Quan điểm thứ hai: Quyết định dẫn giải là biện pháp cưỡng chế mang tính bắt buộc nên bị hại phải chấp hành. Do đó, trong trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành các biện pháp để dẫn giải người bị hại đi giám định thương tích.

Nhóm tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai bởi quy định về việc giám định và khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 là hai khái niệm độc lập, hoàn toàn khác nhau. Cụ thể: 

- Việc giám định thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ là bắt buộc. Nếu bị hại không chấp hành (từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan) sẽ bị dẫn giải để thực hiện việc giám định theo quy định của pháp luật.

- Việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại theo khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 là quyền tùy nghi của bị hại. Tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định chỉ bị hại mới có quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Trường hợp bị hại chưa giám định thương tích nên chưa có căn cứ để xác định rằng hành vi phạm tội thuộc khoản nào Điều 134 BLHS năm 2015.

Kiến nghị 

- Cần điều chỉnh cụ thể quy định tại điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015 để phù hợp hơn với thực tiễn. 

- Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa đối với trường hợp bị hại từ chối giám định, đồng thời làm rõ nghĩa vụ của bị hại trong việc giám định thương tích, trình tự, thủ tục, điều kiện dẫn giải bị hại đi giám định thương tích nếu bị hại từ chối giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc chế tài nào được áp dụng.

Trên đây là những nguyên nhân, hạn chế, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến biện pháp dẫn giải của bị hại trong trường hợp từ chối giám định cần được tiếp tục hoàn thiện. Mong nhận được các ý kiến đóng góp từ quý đồng nghiệp và bạn đọc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

2. Bộ luật Tố tụng hình sự 2003;

3. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

PHẠM MINH ĐÔ

Thư ký Tòa án Quân sự Quân khu 7

TRẦN NGUYỄN BẢO NGÂN

Học viên Cao học Luật, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh