Bạc Liêu: Câu chuyện về người phụ nữ 17 lần gửi đơn kháng cáo kêu oan

06/12/2023 15:14 | 5 tháng trước

(LSVN) - Từng bị tuyên 27 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích", một người phụ nữ ở Bạc Liêu không ngừng kêu oan. Qua 4 lần xét xử sơ thẩm rồi phúc thẩm, bà được giảm án còn 9 tháng và được hưởng án treo. Thế nhưng, ý chí kêu oan của bà ngày càng mãnh liệt hơn.

Đó là câu chuyện của bà Lý Thị Sự (SN 1970, ngụ ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Sau quá trình kêu oan đằng đẳng và qua 4 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, bà được TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên án 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”.

Cho rằng mình vô tội, bà Sự tiếp tục kêu oan theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, suốt hơn 2 năm qua, bà gửi đơn kháng cáo kêu oan đến 16 lần, đến ngày 02/11/2023, TAND Cấp cao tại TP. HCM tống đạt Thông báo số 224/2022/TB-TA với nội dung không có cơ sở xem xét giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Điều bất thường là Thông báo số 224/2022/TB-TA của TAND Cấp cao tại TP. HCM lại ký ngày 29/9/2023.

Vợ chồng bà Sự, ông Nhơn miệt mài kêu oan suốt 6 năm.

Mâu thuẫn hàng xóm từ việc nợ tiền hàng xén

Theo đó, gia đình bà Lý Thị Sự buôn bán tạp hóa ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu. Ở cách nhà bà Sự một con mương, bà Hồng Thị Bích Ngân thường xuyên qua mua đồ và có nợ tiền. Nhiều lần bà Sự sang nhà bà Ngân đòi tiền dẫn đến mâu thuẫn, nhiều lần xảy ra cự cãi, đánh nhau.

Mâu thuẫn giữa gia đình bà Sự và bà Ngân ngày càng căng thẳng tới mức cứ gặp nhau là gây gổ, thách thức đánh nhau. Vào ngày 17/3/2017, bà Sự gặp bà Ngân giữa chợ, đã tiếp tục lời qua tiếng lại rồi lao vào nhau, dẫn đến thành cuộc ẩu đả, hàng chục người nam nữ tham gia có hung khí từ 2 bên gia đình. Hậu quả của cuộc ẩu đả là bà Sự, bà Châu Thị Nhị (chị dâu bà Sự) và Nguyễn Tấn Anh (em chồng bà Ngân) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích. Hai bà bị truy tố theo khoản 2 vì “có tính chất côn đồ”, gây thương tích 20% cho bà Ngân. Nguyễn Tấn Anh bị truy tố theo khoản 1 vì dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích 8% cho em rể bà Sự. Trong 3 người bị khởi tố, bà Sự bị tạm giam 81 ngày để điều tra.

Ngay thời điểm bà Sự bị khởi tố, chồng bà là ông Quách Thành Nhơn đã gửi đơn kêu oan khắp nơi. Trong đơn, ông Nhơn đề nghị cơ quan điều tra phải làm rõ nhiều vấn đề để phân hóa trách nhiệm hình sự đối với từng bị can. Về mặt khách quan, đám đông đánh nhau, có nhiều nam giới cầm gậy gộc, gạch đá... Trong khi bản kết luận điều tra của Công an TP. Bạc Liêu kết luận bà Sự và bà Nhị dùng tay không đánh bà Ngân dẫn đến thương tích 20%. Quá trình điều tra cũng không thực nghiệm hiện trường diễn lại hành vi phạm tội của hai bà này. Ngoài ra, cũng không phân hóa rõ trách nhiệm một trong hai bà này ai là người gây thương tích chính cho bà Ngân!?...

Tháng 01/2019, TAND TP. Bạc Liêu xử sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo Lý Thị Sự 27 tháng tù; Châu Thị Nhị 24 tháng tù và Nguyễn Tấn Anh 6 tháng tù, cùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Không đồng ý với bản án, bà Sự và bà Nhị kháng cáo kêu oan, đồng thời tiếp tục gửi đơn tố cáo một số cán bộ cơ quan tố tụng làm sai lệch hồ sơ vụ án vì có mối quan hệ thân thiết với bị hại.

Kết quả, ngày 16/5/2019, TAND tỉnh Bạc Liêu đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 1. HĐXX phúc thẩm do Thẩm phán Bùi Anh Tuấn làm chủ toạ, nhận định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. 

Bản án phúc thẩm số 40/2019/HS-PT nhận định chỉ ra hàng loạt chi tiết vô lý của kết luận điều tra và cáo trạng truy tố các bị cáo và Bản án sơ thẩm trước đó. Cụ thể, quyết định khởi tố bị can ngày 20/11/2017 đối với Nguyễn Tấn Anh được căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án ngày 30/11/2017, tức là khởi tố bị can trước khi khởi tố vụ án, vi phạm Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự. Ngoài ra, biên bản khám nghiệm hiện trường tại thành phần tham gia không có kiểm sát viên nhưng khi kết thúc việc khám nghiệm lại có kiểm sát viên ký tên vào biên bản... 

Điều tra viên tiến hành lập biên bản xác lập bản ảnh nhận dạng người vào lúc 14 giờ ngày 06/12/2017 và kết thúc vào lúc 15 giờ cùng ngày nhưng cho nhân chứng Trịnh Thị Hồi nhận dạng ảnh vào lúc 09 giờ sáng cùng ngày. Tương tự, vào ngày 05/12/2017, điều tra viên cho người làm chứng Nguyễn Thị Tuyến, Võ Thị Thanh Loan, Võ Thị Tuyết Nga “xuyên không” nhận dạng bản ảnh được xác lập lúc 14 giờ ngày 06/12/2017 (?). 

Ngoài ra, biên bản ghi lời khai nhân chứng Ngụy Tăng Kia được lập ngày 17/02/2017; biên bản ghi lời khai nhân chứng Nguyễn Thị Bạch Tuyết và Nguyễn Thị Quyên được lập cùng ngày 04/3/2017. Trong khi đến ngày 17/3/2017 thì vụ án mới xảy ra...

Một sai sót nghiêm trọng nữa trong quá trình tố tụng của vụ án là Bản kết luận điều tra số 43 ngày 29/3/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Bạc Liêu đề nghị truy tố các bị cáo Lý Thị Sự, Châu Thị Nhị và Nguyễn Tấn Anh về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng Cáo trạng của VKSND TP. Bạc Liêu lại căn cứ vào Bản kết luận điều tra số 25 ngày 30/01/2018 để truy tố các bị cáo. Điều đáng nói là Bản kết luận điều tra số 25 không hề liên quan đến vụ án này… vi phạm điều 243 Bộ luật Tố tụng hình sự

Từ những nhận định trên, TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên huỷ toàn bộ Bản án sơ thẩm số 01/2019/HS-ST, trả hồ sơ điều tra lại. 

Bà Sự và bà Nhị kêu oan cùng với hình ảnh bà Nhị bị thương tích trong vụ xô xát.

Liên tục được giảm án vì kêu oan

Ngày 28/9/2020, TAND TP. Bạc Liêu xét xử sơ thẩm (lần 2) căn cứ theo nội dung kết luận điều tra và bản cáo trạng giống như trước. Đại diện VKSND TP. Bạc Liêu giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu tội phạm về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của những người tiến hành tố tụng.

Đề nghị này đã được HĐXX chấp nhận và ghi nhận trong bản án: “HĐXX đề nghị cơ quan điều tra xem xét hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu vụ án của ông Võ Minh Trí (Phó Trưởng Công an TP. Bạc Liêu); ông Lê Hồng Quân (Viện trưởng VKSND TP. Bạc Liêu); ông Huỳnh Chí Nguyện (Điều tra viên Công an TP. Bạc Liêu) và ông Hồ Hải Đăng (Kiểm sát viên VKSND TP. Bạc Liêu) theo tin báo tố giác tội phạm”…

Cũng tại bản án trên, TAND TP. Bạc Liêu đã rút lại hành vi “mang tính chất côn đồ” đối với bị cáo Sự. Bản án cũng không còn dựa vào lời khai nhân chứng và các chứng cứ sai lệch để buộc tội bị cáo mà căn cứ vào tỉ lệ thương tích 20% của bị hại và lời khai nhận “có đánh” của bị cáo trong quá trình điều tra. Còn bị cáo Nhị được đình chỉ vụ án vì phía bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố. Kết quả, HĐXX tuyên án bị cáo Sự bằng 1/3 lần xử sơ thẩm trước, còn 9 tháng tù. Trong khi bị cáo Nhị được đình chỉ vụ án.

Mặc dù được giảm án sâu so với lần trước nhưng bị cáo Sự vẫn quyết liệt kêu oan tại phiên tòa. Trong khi bà Nhị dù được đình chỉ vụ án vẫn cùng với bị cáo Sự tiếp tục kháng cáo kêu oan và khiếu nại, tố cáo cán bộ làm sai lệch hồ sơ vụ án. 

Sau 5 lần không mở được phiên toà với nhiều lý do, đến ngày 31/3/2021, TAND tỉnh Bạc Liêu đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần 2. HĐXX tuyên bị cáo Sự 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, đồng thời buộc bồi thường cho bị hại hơn 24 triệu đồng. HĐXX chấp nhận một phần nội dung kháng cáo, bà Nhị không phải bồi thường cho bị hại... 

“Lời nói cuối cùng của tôi tại phiên tòa phúc thẩm là: “Tôi bị oan sai!”. Tôi không cần hưởng án treo mà cần xử đúng người đúng tội và phải xử lý những người cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, đẩy tôi vào lao lý. Bà Nhị được đình chỉ điều tra là tốt nhưng tôi cho rằng việc đình chỉ này là bất thường, có ý đồ. Phải chăng bà Ngân và cơ quan tố tụng muốn biến tôi thành bị cáo duy nhất trong vụ án để dễ buộc tội tôi?”, bà Sự đặt nghi vấn.

Đáng chú ý, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu nêu tóm tắt nội dung vụ án, có đoạn: “… Sự nhào đến đánh và câu vật với Ngân làm cả hai ngã xuống đường, Ngân câu vật lại ngồi đè lên người Sự và dùng tay đánh nhiều cái vào mặt, cằm và cổ Sự thì Nhị nhào tới dùng tay đánh Ngân nhiều cái và đẩy làm Ngân mất thăng bằng. Sau đó, Sự vật Ngân nằm ngửa, rồi đè lên người, dùng tay đánh nhiều cái vào mặt Ngân. Nhị cũng dùng tay đánh nhiều cái vào mặt và người Ngân. Hậu quả, Ngân bị thương tích làm gãy xương chính mũi, chảy máu dưới mắt trái và đuôi cung mày trái…”.

Căn cứ theo hồ sơ vụ án như trên thì cả bà Sự và bà Nhị đều có đánh bà Ngân vào vùng mặt. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích ngày 30/5/2017 của Trung tâm Pháp y Bạc Liêu kết luận: Tỷ lệ thương tích của Hồng Thị Bích Ngân là 20%, vật gây thương tích do vật tầy. 

Vì không xác định được cụ thể ai là người gây ra thương tích 20% cho bà Ngân nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Bạc Liêu khởi tố cả bà Sự và bà Nhị. Việc tách bà Nhị ra khỏi vụ án chẳng khác nào “ép” bà Sự phải gánh hết trách nhiệm hình sự gây thương tích 20% cho bà Ngân. HĐXX cuối cùng quyết định giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo từ 9 tháng tù giam thành 9 tháng tù được hưởng án treo. Giả sử chính bà Nhị mới là người đánh bà Ngân gãy sống mũi thì việc buộc tội bà Sự có tạo oan sai (!?). Từ đó, bà Sự tiếp tục gửi đơn kháng cáo lần thứ 16 lên TAND Cấp cao tại TP. HCM.

Nhận định về vụ án trên, theo Luật sư Nguyễn Duy Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu), hồ sơ vụ án không đủ căn cứ để xác định bị cáo Lý Thị Sự có tội.

“Bản án phúc thẩm số 40/HS-PT ngày 16/5/2019 của TAND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ ra rất nhiều tình tiết bất thường trong hồ sơ vụ án nên trả hồ sơ điều tra lại. Cơ quan điều tra và VKSND TP. Bạc Liêu vẫn chưa làm rõ, khắc phục những thiếu sót trong hồ sơ vụ án mà dựa trên những chứng cứ không thuyết phục để tiếp tục truy tố bị cáo Lý Thị Sự. TAND các cấp sau đó xử lại chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai "có đánh” của bị cáo để buộc tội bị cáo là khiên cưỡng. Kiểu như xử cho có tội bằng được để lẩn tránh trách nhiệm oan sai trong quá trình tố tụng. Nhìn vào kết quả các bản án qua 4 lần xét xử thấy rõ bất thường: Từ 27 tháng tù, đến 9 tháng tù và rồi cuối cùng là 9 tháng tù nhưng được hưởng án treo. Trong khi không có căn cứ nào để bị cáo từ án tù giam được hưởng án treo khi bị cáo quyết không chịu nhận tội”, Luật sư Sơn nhận định.

Thông báo của TAND Cấp cao có dấu hiệu bị chỉnh sửa ngày ký từ năm 2022 thành 2023.

Thông báo của TAND Cấp cao tại TP. HCM có dấu hiệu bị chỉnh sửa năm ký ban hành

Sau khi bị tuyên 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, bà Sự cùng chồng đã gửi đơn kháng cáo theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời tiếp tục tố giác các điều tra viên, kiểm sát viên và cán bộ lãnh đạo công an, VKSND TP. Bạc Liêu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Hơn 2 năm qua, bà Sự gửi đến 16 đơn kháng cáo và kháng cáo bổ sung nhưng đến ngày 02/11/2023, TAND Cấp cao tại TP. HCM mới tống đạt thông giải quyết đơn kháng cáo của bà. 

Điều lạ là Thông báo giải quyết đơn giám đốc thẩm số 224/2022/TB-TA của TAND Cấp cao tại TP. HCM lại ký vào ngày 29/9/2023, do Thẩm phán Phạm Công Mười ký. Nội dung cho rằng bà Sự và chồng khai có đánh bà Ngân nên bà Sự bị buộc tội “Cố ý gây thương tích” là không oan. Đồng thời thông báo trên lại hướng trọng tâm nội dung kêu oan của bà Sự sang vấn đề khác, như: “về vụ án Lý Thị Sự bị kết án về tội Cố ý gây thương tích, vì cho rằng mình bị oan nên không đồng ý bồi thường” (trích Thông báo số 224/2022/TB-TA ngày 29/9/2023). 

Trong 16 đơn kháng cáo và kháng cáo bổ sung của bà Sự nêu rất rõ là kêu oan, bả khẳng định không đánh bà Ngân gây thương tích, các cơ quan tố tụng đã làm sai lệch hồ sơ nhằm buộc tội oan cho bà chứ không có việc kêu oan vì không đồng ý bồi thường như hướng giải quyết của TAND Cấp cao tại TP. HCM.

Do đó, ngày 07/11 vừa qua, bà Sự tiếp tục gửi đơn kháng cáo kêu oan lần thứ 17 đến TAND Tối cao. 

PV