/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ Tòa tuyên 6 bị cáo vô tội: Thủ tục tố tụng nào tiếp theo?

Vụ Tòa tuyên 6 bị cáo vô tội: Thủ tục tố tụng nào tiếp theo?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Liên quan đến việc Hội đồng xét xử TAND thành phố Cần Thơ tuyên 6 bị cáo không phạm tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi về việc, sau khi Tòa án tuyên vô tội, bản án đã có hiệu lực ngay chưa hay cần phải tiếp tục thực hiện những thủ tục tố tụng nào khác nữa?

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công Ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo, các bản án sơ thẩm đều có thời hạn để kháng cáo, kháng nghị nhằm xem xét, xét xử lại.

Theo quy định tại Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Theo quy định về thủ tục tiếp nhận và xử lý kháng cáo tại Điều 334 Bộ luật Tố tụng hình sự, sau khi người kháng cáo có đơn kháng cáo hoặc có Biên bản về việc kháng cáo thì Tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Sau đó, Toà án sẽ xem xét ra các thông báo/quyết định tiếp nhận, từ chối hoặc yêu cầu bổ sung làm rõ nội dung kháng cáo theo quy định.

Nếu kháng cáo hay kháng nghị được chấp nhận thì sẽ tiếp tục xử lý vụ án tại cấp phúc thẩm tại Toà án có cấp cao hơn.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công Ty Luật TNHH TGS.

Bên cạnh đó, tại Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định các trường hợp Hội đồng xét xử phải tuyên bố trả tự do ngay tại phiên toà cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không bị tạm giam về một tội khác bao gồm: Bị cáo không có tội; Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt; Bị cáo bị xử phạt bằng hình phạt không phải là hình phạt tù; Bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo; Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.

Trong phiên toà sơ thẩm, nếu Toà án cho rằng bị cáo đang bị tạm giam vô tội thì có thể trả tự do cho người đó ngay tại phiên toà.

Ngoài ra, sau khi Toà án tuyên vô tội, Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị đối với quyết định này theo căn cứ khoản 1 Điều 336 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Cụ thể, Viện Kiểm sát cùng cấp, Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Điều 337 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định chi tiết về thời hạn kháng nghị:

(i) Thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án.

(ii) Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định.

Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa áp cấp phúc thẩm trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

PHƯƠNG ANH

5 bài học từ vụ án oan tại Agribank Cần Thơ

Lê Minh Hoàng