/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bàn về đồng phạm với vai trò giúp sức trong vụ án

Bàn về đồng phạm với vai trò giúp sức trong vụ án

08/03/2025 07:47 |

(LSVN) - Thực tiễn xét xử, việc xác định chính xác vai trò của từng đồng phạm trong các vụ án, bao gồm người thực hành, người giúp sức, người tổ chức và người xúi giục, đóng vai trò quan trọng. Điều này không chỉ hỗ trợ quá trình xét xử mà còn giúp đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Quy định của pháp luật về đồng phạm

Theo khoản 3 Điều 17 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), căn cứ vào vai trò và tính chất tham gia của từng người trong hành vi đồng phạm, pháp luật phân chia thành bốn loại bao gồm: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục và người giúp sức.

Bốn loại đồng phạm này được xác định dựa trên vai trò, mức độ tham gia, và mức độ ảnh hưởng của từng cá nhân đối với hành vi phạm tội chung. Sự phân loại này là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự phù hợp với mức độ tham gia vào tội phạm của từng chủ thể, bảo đảm tính công bằng và hiệu quả trong xử lý tội phạm, góp phần để định lượng hình phạt cho mỗi bị cáo khi quyết định hình phạt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đồng phạm với vai trò giúp sức trong vụ án

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

Giúp sức về vật chất có thể bao gồm việc cung cấp tiền bạc, công cụ, phương tiện hoặc tháo gỡ những trở ngại nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người thực hiện tội phạm. Trong khi đó, giúp sức về tinh thần thể hiện qua nhiều hành vi, có thể là hành động hướng dẫn, cung cấp thông tin, góp ý về kế hoạch, phương thức thực hiện hoặc cũng có thể là hứa hẹn che giấu, đem lại lợi ích tinh thần nhằm tiếp thêm động lực cho người phạm tội.

Đồng phạm giúp sức về mặt tinh thần thường dễ nhầm lẫn với đồng phạm với vai trò xúi dục vì đều có những hành vi tác động đến tư tưởng, tâm lý của người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cũng có sự khác nhau đó là đồng phạm giúp sức về tinh thần chỉ hỗ trợ một hành vi phạm tội đã có sẵn ý định thực hiện, họ không phải là người khởi xướng hay thúc đẩy hành vi phạm tội, trong khi người xúi giục chính là người gieo mầm, thúc đẩy ý định phạm tội trong tâm trí người khác.

Khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật

Thứ nhất, xác định “vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm” đối với đồng phạm giúp sức trong vụ án.

Vướng mắc này xuất phát từ thực tiễn áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự, việc hiểu như thế nào là người giúp sức có vai trò không đáng kể còn có nhiều quan điểm khác nhau. Việc xác định “vai trò không đáng kể” của người giúp sức trong vụ án đồng phạm chủ yếu dựa trên một số tiêu chí định tính, bao gồm: Xem xét tính chất vụ án và hành vi khách quan của bị cáo để đánh giá mức độ tham gia của họ trong toàn bộ vụ án; vai trò của người giúp sức chỉ là hành vi không quan trọng so với các đồng phạm khác; hành vi của họ không trực tiếp gây ra hậu quả của vụ án, không mang tính quyết liệt. Tuy nhiên việc xác định mang cách thức định tính này gây ra sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ hai, nhầm lẫn trong việc xác định đồng phạm với vai trò giúp sức về mặt vật chất và người thực hành.

Trong thực tiễn xét xử hiện nay, hầu hết các vụ án hình sự có đồng phạm được Toà án đưa ra xét xử đều có bị cáo đóng vai trò là người thực hành, trường hợp bị cáo tham gia với vai trò người giúp sức lại xuất hiện rất ít. Tuy nhiên, đối với một số tội được thực hiện bởi nhiều người thì việc xác định vai trò của đồng phạm đặc biệt là đồng phạm với vai trò giúp sức về mặt vật chất còn có nhiều quan điểm khác nhau. Ví dụ như trong tội “Gây rối trật tự công cộng”, vì tội phạm này phải được thực hiện bởi các nhóm đông người nhưng không phải mọi trường hợp tất cả đối tượng trong nhóm đều trực tiếp thực hiện hành vi mà sẽ có trường hợp chỉ có một số đối tượng trong nhóm trực tiếp thực hiện hành vi gây rối, các đối tượng khác có thể thực hiện một số hành vi khác như chuẩn bị hung khí, đưa các đối tượng khác đến nơi xảy ra vụ án hoặc thậm chí chỉ đứng tụ tập quan sát mà hành vi khách quan của tội phạm này là dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng… Việc các đối tượng chỉ thực hiện các hành vi như đưa các đối tượng khác đến nơi xảy ra vụ án hoặc chỉ đứng tụ tập quan sát không phù hợp với hành vi khác quan của tội phạm này.

Để làm rõ hơn, tác giả đưa ra một ví dụ cụ thể về việc xác định vai trò của đồng phạm trong tội “Gây rối trật tự công cộng” như sau:

Phạm Minh Th. cùng các đối tượng C., P., T., H. được Nguyễn Hoài K. nhờ đi đánh nhau với nhóm của Đoàn Thanh M., tất cả đều đồng ý. Đến tối nhóm của Th. và các đối tượng C., P., T., H. đến nơi hẹn với nhóm của K. gồm có K. và khoảng 20 đối tượng khác là bạn của K. tại nghĩa địa NB. Các đối tượng chuẩn bị hung khí để làm công cụ đánh nhau, C. và P. lấy mỗi người một con dao. Sau đó cả nhóm đi tìm đánh nhóm của M., lúc này Th. chở C. cầm dao ngồi sau xe đi cùng nhóm. Khi nhìn thấy nhóm của Đoàn Thanh M., các đối tượng khác trong nhóm xuống xe rượt đuổi, đánh nhau, la ó, đập hung khí vào hàng rào nhà người dân. Trong quá trình các đối tượng rượt đuổi đánh nhau, thì Th. chỉ ngồi trên xe máy quan sát, sau khi kết thúc Th. lại tiếp tục chở C. và P. về nhà trọ của P. Tất cả các đối tượng đều bị truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng", riêng K. bị truy tố về 03 tội “Gây rối trật tự công cộng”, “Cố ý làm hư hòng tài sản” và “Cố ý gây thương tích”.

Vậy trong trường hợp này, xác định Th. là đồng phạm về tội “Gây rối trật tự công cộng” với vai trò là người giúp sức hay với vai trò là người thực hành hiện nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau?

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Th. là đồng phạm với vai trò là người thực hành vì việc Th. chở các đối tượng có cầm hung khí đến và rời khỏi nơi sảy ra vụ án và việc Th đứng tụ tập trên đường quan sát là đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: Th. là đồng phạm với vai trò là người giúp sức vì không trực tiếp tham gia vào việc rượt đuổi, đánh nhau. Th. thực hiện hành vi chở các đối tượng đến và rời khỏi nơi sảy ra vụ án. Quá trình diễn ra, Th. chỉ ngồi trên xe, quan sát các đối tượng khác trong nhóm thực hiện hành vi phạm tội, không trực tiếp dùng hung khí và thực hiện các hành vi rượt đuổi, đánh nhau, la ó gây mất an ninh trật tự. Không gây ra hậu quả mà tại Điều 318 Bộ luật Hình sự đã quy định.

Qua nghiên cứu, quan điểm của tác giả về ví dụ trên như sau: Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công công được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự đó là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Việc Th. chở các đối tượng C. và T. đến và rời khỏi nơi xảy ra vụ án được xem là hành vi tạo điều kiện vật chất cho việc thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng khác. Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Bộ luật Hình sự thì “Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”.

Sau khi đến địa điểm phạm tội, Th. chỉ đứng trên xe quan sát quá trình các đối tượng khác thực hiện hành vi rượt đuổi, đánh nhau gây mất an ninh trật tự, việc quan sát của các Th. không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Vì vậy, theo quan điểm của tác giả, Th. là đồng phạm với vai trò là người giúp sức trong vụ án.

Kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất, kiến nghị liên ngành Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính thống nhất trong thực tiễn xét xử. Đặc biệt, cần có sự giải thích rõ ràng về tiêu chí xác định thế nào là đồng phạm với vai trò giúp sức không đáng kể để tránh cách hiểu và áp dụng pháp luật không đồng nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc hướng dẫn này không chỉ giúp bảo đảm công bằng trong việc xử lý hành vi phạm tội mà còn góp phần cá thể hóa trách nhiệm hình sự, tạo điều kiện cho việc áp dụng chính sách khoan hồng đối với những trường hợp có mức độ tham gia phạm tội thấp, qua đó bảo đảm nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự. Có thể nghiên cứu, vận dụng tài liệu giải đáp về những khó khăn, vướng mắc năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó “có vai trò không đáng kể” là người có hành vi rất đơn giản, tính chất nguy hiểm cho xã hội thấp, mức độ tham gia hạn chế nhất so với các đồng phạm, thông thường không trực tiếp gây ra hậu quả thiệt hại vật chất của tội phạm.

Thứ hai, trong các vụ án có nhiều đồng phạm, việc xác định vai trò cụ thể của từng người thường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi hành vi phạm tội của họ có sự đan xen, phối hợp chặt chẽ hoặc không rõ ràng về mức độ tham gia. Do đó, việc xây dựng và áp dụng án lệ là cần thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Tòa án. Án lệ sẽ giúp định hướng cho việc đánh giá mức độ trách nhiệm hình sự của từng đồng phạm, tránh tình trạng áp dụng pháp luật không đồng đều hoặc thiếu công bằng giữa các vụ án có tình tiết tương tự. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác xét xử mà còn giúp bảo đảm tính minh bạch, công bằng và nhất quán trong hệ thống tư pháp.

PHẠM CAO SƠN
Tòa án Quân sự khu vực Quân chủng Hải quân

Các tin khác