/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Bàn về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trong thực tế có những trường hợp việc khởi tố vụ án hình sự, xử lý tội phạm và người phạm tội mặc dù đảm bảo được việc bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội nhưng lại gây thêm những tổn thất về tinh thần cho đối tượng trực tiếp bị tội phạm tác động là bị hại. Chính vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự trao cho bị hại - chủ thể có địa vị pháp lý đặc biệt trong tố tụng hình sự quyền quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của bị hại, không làm họ phải chịu những tổn thất khác về tinh thần do việc khởi tố vụ án, xử lý tội phạm và người phạm tội.

10 tội mà bị hại có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Ảnh minh họa. 

Lý luận về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại 

Khái niệm khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là trường hợp đặc biệt của khởi tố vụ án hình sự, trong đó cơ quan, người có thẩm quyền xác định được có hành vi phạm tội trên cơ sở các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, kết quả kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, nhưng chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu khởi tố của bị hại trong một số trường hợp pháp luật tố tụng hình sự quy định và phải đình chỉ điều tra, hoặc đình chỉ vụ án khi bị hại rút yêu cầu khởi tố trong những trường hợp do pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Đặc trưng của khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Thứ nhất, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là một quy định đặc biệt so với quy định chung về khởi tố vụ án hình sự và một số nguyên tắc chung được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).

Thứ hai, quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại áp dụng đối với các trường hợp phạm tội có tính chất nguy hiểm không cao. Đó là một số trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xâm hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền sở hữu công nghiệp của bị hại và không có các tình tiết tăng nặng.

Thứ ba, yếu tố ý chí của bị hại hoặc đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần và thể chất hoặc đã chết có vai trò quan trọng, là điều kiện để khởi tố vụ án hình sự, cũng như căn cứ quan trọng chấm dứt việc giải quyết vụ án.

Quy định của BLTTHS năm 2015 về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Về chủ thể có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại

Điều 62 BLTTHS năm 2015, quy định “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”. Tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.

Như vậy, chủ thể có quyền yêu cầu theo BLTTHS năm 2015 hiện nay là cá nhân (trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản); cơ quan, tổ chức (bị thiệt hại về tài sản, uy tín) và đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Về điều kiện để có thể yêu cầu khởi tố vụ án: Đối với người đại diện cho người dưới 18 tuổi. Quy định này cần được hiểu là người đại diện theo pháp luật của người dưới 18 tuổi. Theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 có thể là cha, mẹ đối với người chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ là người dưới 18 tuổi và đáp ứng các yêu cầu theo BLDS năm 2015 (Ví dụ: Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Đối với người bị hại là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất: Người có nhược điểm về thể chất, tâm thần thì hiện nay BLTTHS năm 2015 không có quy định và cũng không có văn bản nào hướng dẫn. Tuy nhiên, có thể hiểu người có nhược điểm về tâm thần, thể chất là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, tức là người do tình trạng thể chất (như mù, câm, điếc, tàn tật…) hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi, vì thế cần thiết phải có người đại diện. Việc xác nhận dấu hiệu người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần phải thực hiện theo quy định của BLDS.

Đối với trường hợp bị hại là cơ quan, tổ chức thì người đại diện có thể là đại diện theo pháp luật, hoặc đại diện theo ủy quyền. Trường hợp đại diện theo ủy quyền thì phải lập thành văn bản theo quy định của pháp luật.

Về phạm vi các tội phạm được yêu cầu khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại

Việc quy định pháp luật dành cho bị hại quyền yêu cầu khởi tố nhằm tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, nhưng mục tiêu lớn hơn là bảo đảm trật tự và công bằng xã hội, bảo đảm nguyên tắc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng với hành vi và hậu quả do mình gây ra. Chính vì vậy, các tội phạm khởi tố theo yêu cầu của bị hại cần được giới hạn ở một mức độ phù hợp, đó là một số trường hợp phạm tội do vô ý hoặc phạm tội cố ý nhưng thiệt hại không lớn, tính chất của sự xâm hại không nghiêm trọng. Khoản 1 Điều 155 BLTTHS 2015 quy định: “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự...”.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015, chỉ được khởi tố vụ án hình sự đối với 10 tội phạm quy định tại khoản 1các Điều 134, 135, 136, 138, 139; 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự (BLHS) khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Về nội dung, hình thức và hậu quả pháp lý của việc yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại

Nội dung yêu cầu khởi tố vụ án hình sự: Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định về nội dung yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng không ban hành mẫu đơn yêu cầu khởi tố (tương tự như mẫu đơn khởi kiện trong các vụ án dân sự), do vậy gây không ít khó khăn cho người yêu cầu khởi tố, vì nhiều trường hợp, người yêu cầu không biết cách thể hiện chính xác ý chí của mình trong đơn.

Hình thức yêu cầu khởi tố vụ án hình sự: Đây là hình thức phản ánh yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại, là một trong những tài liệu quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất mà thiếu nó hoặc không có nó thì không thể xử lý vụ án được. Trong BLTTHS không đề cập đến hình thức yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, tuy nhiên tại Thông tư Liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2018, về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 có quy định về vấn đề này tại khoản 5 Điều 7.

Mặc dù, pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định cụ thể nhưng yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại phải đảm bảo các nội dụng sau: Một là, chủ thể yêu cầu phải là bị hại hoặc đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất hoặc đã chết. Hai là, phải có các thông tin sau: Nơi cư trú của bị hại, ngày, tháng, năm sinh, trình bày tóm tắt nội dung vụ án yêu cầu khởi tố. Ba là, bị hại phải điểm chỉ hoặc ký xác nhận cho yêu cầu của mình để thể hiện sự tự nguyện.

Hậu quả pháp lý của yêu cầu khởi tố: Khi bị hại có yêu cầu khởi tố thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự (khi đã đảm bảo các yêu cầu chung để khởi tố vụ án hình sự), và từ đây vụ án sẽ được giải quyết theo thủ tục chung của BLTTHS. Trong trường hợp khởi tố vụ án thì tại phiên toà xét xử sơ thẩm, bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ sẽ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa. BLTTHS năm 2015 đã quy định rõ, sau khi Kiểm sát viên tiến hành luận tội thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiến sau khi Kiểm sát viên trình bày luận tội. (khoản 4 Điều 320 BLTTHS năm 2015).

Nội dung, hình thức và phạm vi quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại

Nội dung rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại: BLTTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành không đề cập đến nội dung và hình thức rút yêu cầu khởi tố vụ án như thế nào. Tuy nhiên, có thể hiểu nội dung rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là yêu cầu chấm dứt tố tụng đối với vụ án hình sự đã khởi tố trước đó trên cơ sở khởi tố của của bị hại hoặc đại diện của bị hại (là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần, thể chất hoặc đã chết).

Về hình thức rút yêu cầu khởi tố vụ án của bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của họ: Hình thức phải thể hiện bằng đơn rút yêu cầu có chữ ký hoặc điểm chỉ của họ. Trường hợp việc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự được trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án phải lập biên bản ghi rõ việc rút yêu cầu khởi tố, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người rút yêu cầu. Tuy nhiên, nội hàm này cần phải được hiểu thống nhất là việc rút yêu cầu phải được thể hiện bằng một trong hai cách trên, mà không phải là việc rút (lấy lại) đơn đã yêu cầu trước đó.

Hậu quả pháp lý của việc rút yêu cầu: Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Về thẩm quyền đình chỉ: Sau khi khởi tố vụ án hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của họ rút yêu cầu khởi tố, nếu đang điều tra hoặc đã có bản kết luận điều tra nhưng hồ sơ chưa chuyển cho Viện Kiểm sát thì Cơ quan điều tra xem xét, quyết định việc đình chỉ điều tra; nếu đã chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát thì Viện Kiểm sát xem xét, quyết định việc đình chỉ vụ án.

Căn cứ Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao, về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 BLTTHS nêu rõ “Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án; Trường hợp sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vẫn còn thời 38 hạn kháng cáo, kháng nghị mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Tòa án phải hướng dẫn họ làm đơn kháng cáo để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết việc rút yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm”.

Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Giải pháp hoàn thiện pháp luật BLTTHS về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Thứ nhất, bổ sung các tội chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại tại khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 như tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015), cụ thể sửa như sau:

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156, 226, điểm d khoản 1 Điều 260 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thầm hoặc thể chất hoặc đã chết”.

Thứ hai, bổ sung quy định về quyền của bị hại đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại. BLTTHS năm 2015 quy định khởi tố vụ án theo yêu cầu bị hại như trường hợp bị hại trong vụ án thông thường là chưa hợp lý, thiếu những quy định bảo đảm cho bị hại tham gia vào quá trình giải quyết vụ án để thực hiện và bảo vệ yêu cầu khởi tố của họ, đặc biệt những quyền hạn gắn với yêu cầu khởi tố của họ như: Thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến luận tội tại phiên tòa từ khi kết thúc điều tra. Quy định này nhằm bảo đảm cho bị hại đảm bảo được quyền lợi đối với vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại.

Cần có hướng dẫn về nghĩa vụ phải chịu án phí trong trường hợp người yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là người đại diện hợp pháp của bị hại, yêu cầu khởi tố sau đó lại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án được đình chỉ và người đại diện hợp pháp phải chịu án phí.

Cần bổ sung thêm căn cứ để hủy bản án vào quy đinh tại Điều 359 là “Khi người yêu cầu khởi tố tự nguyện rút lại yêu cầu khởi tố”, để việc áp dụng pháp luật có căn cứ và thống nhất trong toàn quốc.

Thứ ba, BLHS năm 2015 đã pháp điển hóa nhiều quy định của các nghị quyết, thông tư liên tịch hướng dẫn các quy định của BLHS năm 1999. Tuy nhiên, vẫn còn một số nghị quyết, thông tư liên tịch chưa được pháp điển hóa mà đến nay chưa có văn bản khác thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung. Theo quy định tại Điều 21 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử.

Điều 25 Luật này cũng nêu rõ thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; thông tư liên tích giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng, không phải để hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật. Do vậy, cần đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao tiến hành rà soát các văn bản nêu trên để ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cho phù hợp.

Thứ tư, sửa đổi quy định đối với trường hợp có sự thay đổi về loại tội trong cùng một điều luật nếu dẫn đến tội thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự. Cụ thể, thay đổi khoản 1 Điều 156 BLTTHS năm 2015 như sau:

“Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố, khoản của điều luật đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra, ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố”. Thay đổi khoản điểm a khoản 1 Điều 180 BLTTHS năm 2015 như sau:

“Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thay đổi quyết định khởi tố bị can khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi tiến hành điều tra nếu có căn cứ xác định hành vi của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố, hành vi của bị can phạm vào khoản khác của Điều luật đã bị khởi tố”.

=============

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

2. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, NXB Công an Nhân dân, 2019

4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, 2016;

5. Bình luận khoa học Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015, Phạm Mạnh Hùng, NXB Lao động.

    NGUYỄN PHI HÙNG

    Tòa án Quân sự Quân khu 4

    Pháp luật về dân chủ trực tiếp trong Hiến pháp năm 2013

    Lê Minh Hoàng