Ảnh minh họa.
1. Sự có mặt của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa hình sự phúc thẩm
Điều 351, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về sự có mặt của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự phúc thẩm quy định:
Thứ nhất, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị được triệu tập đến phiên tòa thì phải có mặt tại phiên tòa.
Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Trường hợp người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử.
Trường hợp phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1, Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa;
Trường hợp người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử.
Trường hợp những người này vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì HĐXX có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị hại, đương sự.
Trường hợp bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, bị kháng nghị nếu vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì HĐXX có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án, quyết định không có lợi cho bị cáo. Nếu sự vắng mặt của bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và sự vắng mặt đó không gây trở ngại cho việc xét xử thì HĐXX vẫn tiến hành xét xử.
Thứ hai, khi xét thấy cần thiết, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định triệu tập những người khác tham gia phiên tòa.
Những người khác tham gia phiên tòa có thể là: Giám định viên; Người làm chứng; Người không có kháng cáo hoặc không có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị; Người phiên dịch; Người dịch thuật…
2. Những tồn tại hạn chế, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, Điều 351, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chưa quy định đầy đủ, chặt chẽ về việc triệu tập những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa hình sự phúc thẩm. Cụ thể, khoản 2, Điều 351, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định “Khi xét thấy cần thiết, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định triệu tập những người khác tham gia phiên tòa”.
Như đã phân tích ở trên, những người khác tham gia phiên tòa có thể là: Giám định viên; Người làm chứng; Người không có kháng cáo hoặc không có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị; Người phiên dịch; Người dịch thuật…
Có thể thấy rằng, đối với nhóm chủ thể là Người làm chứng; Giám định viên; Người không có kháng cáo thì chỉ triệu tập họ tham gia phiên tòa phúc thẩm trong trường hợp cần thiết để bảo đảm cho việc xét xử là phù hợp. Tuy nhiên, đối với Người phiên dịch; Người dịch thuật theo quan điểm của chúng tôi thì họ bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa trong trường hợp có người tham gia tố tụng không biết tiếng Việt hoặc có tài liệu không thể hiện bằng tiếng Việt. Điều 295, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về sự có mặt của người phiên dịch, người dịch thuật tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, theo đó “Người phiên dịch; Người dịch thuật tham gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập, trường hợp Người phiên dịch; Người dịch thuật vắng mặt mà không có người khác thay thế thì HĐXX quyết định hoãn phiên tòa”.
Trong một phiên tòa xét xử vụ án hình sự phúc thẩm cụ thể, nếu có người tham gia tố tụng không biết tiếng Việt thì đương nhiên Tòa án sẽ triệu tập Người phiên dịch, tuy vậy khi xét về kỹ thuật lập pháp của điều luật lại diễn đạt chỉ triệu tập họ trong trường hợp cần thiết là chưa phù hợp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của họ trong phiên tòa cũng như chưa phù hợp trên phương diện lập pháp.
Thứ hai, đoạn 2, điểm a, khoản 1, Điều 351 về trường hợp chỉ định Người bào chữa đã quy định “Trường hợp phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1, Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa”.
Thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa, khoản 1, Điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: "1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi”.
Về kỹ thuật lập pháp, đoạn 2, điểm a, khoản 1, Điều 351 về trường hợp chỉ định người bào chữa mà người bào chữa vắng mặt thì không nhất thiết phải hoãn phiên tòa nếu thuộc trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa…
Từ thực tiễn xét xử cũng như nghiên cứu lý luận về quy định này chúng tôi thấy rằng, nếu người bào chữa vắng mặt nhưng người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa thì không cần thiết hoãn phiên tòa là phù hợp nhằm bảo đảm vụ án được xét xử đúng trình tự, thời gian theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, thuộc trường hợp người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi điều luật quy định nếu họ đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa thì phiên tòa vẫn được tiếp tục. Chúng tôi thấy rằng, quy định này chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của các đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt này, bởi lẽ người có nhược điểm về tâm thần thì họ đã bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, việc họ đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa liệu có xuất phát từ nhận thức hay ý chí của họ hay không?
Từ phân tích và nhận định như trên, về sự có mặt của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa hình sự phúc thẩm theo Điều 351 trong thời gian tới cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung theo hướng:
Thứ nhất, hoàn thiện, bổ sung quy định về sự có mặt của Người phiên dịch; Người dịch thuật tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự nhằm bảo đảm sự phù hợp, tương thích với các quy định về sự có mặt của những chủ thể này tại phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Thứ hai, nhằm bảo đảm quyền bào chữa của các đối tượng phải chỉ định bào chữa theo khoản 1, Điều 76, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cần sửa đổi đoạn 2, điểm a, khoản 1, Điều 351 từ “Trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa” thành “Trừ trường hợp bị cáo và người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa”.
HOÀNG LÂM
Tòa án Quân sự Quân khu 1
Phải bảo mật thông tin cá nhân của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục