Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu một số ý kiến về tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.
Tình tiết giảm nhẹ (TTGN) trách nhiệm hình sự là tình tiết của vụ án hình sự có ý nghĩa làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh nhân thân hoặc hoàn cảnh nhất định của người phạm tội đáng được “Giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” . Các TTGN trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng đối với người phạm tội được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS) nó được xem là một trong những căn cứ mà Tòa án phải xem xét khi quyết định hình phạt để đảm bảo quyền lợi hợp pháp đối với bị cáo. Thực tiễn xét xử trong thời gian qua, cơ bản việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ được áp dụng đúng. Tuy nhiên, vẫn còn có tình tiết còn có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau, trong cả các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử; trong đó có TTGN trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS.
1. Về khái niệm “thiệt hại”
Hiện nay, có ý kiến cho rằng, thiệt hại tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS là hậu quả vật chất. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, thiệt hại tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS không chỉ là hậu quả về vật chất mà chúng bao gồm cả những thiệt hại về tinh thần, sức khỏe, thể chất. Bởi vì, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong những tội có cấu thành tội phạm vật chất, đối với những tội có cấu thành tội phạm hình thức thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng thiệt hại thì có thể xảy ra đối với cả tội có cấu thành tội phạm vật chất và tội có cấu thành tội phạm hình thức. Chẳng hạn đối với tội hiếp dâm được quy định tại Điều 141 BLHS mặc dù đây là tội có cấu thành tội phạm hình thức nhưng khi người phạm tội đã thực hiện hành vi giao cấu (sau hành vi dùng vụ lực, đe dọa dùng vũ lục…) thì thiệt hại về thể chất, tinh thần của người bị hại đã xảy ra.
Vì vậy, có thể khẳng định thiệt hại tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS bao gồm thiệt hại về vật chất, thể chất và tinh thần; thiệt hại này không đồng nhất với hậu quả của tội phạm và có khi hậu quả của tội phạm xảy ra nhưng thiệt hại lại không xảy ra và ngược lại.
2. Về ý thức chủ quan của người phạm tội đối với thiệt hại
Điểm giống nhau ở hướng dẫn tại Sổ tay Thẩm phán củaTANDTC và Công văn số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của Vụ 3 VKSNDTC về thiệt hại tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS là thiệt hại xảy ra nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội. Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng, thiệt hại có thể xảy ra ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội nhưng cũng có thể trong dự tính của người phạm tội. Bởi vì, trong một số trường hợp mặc dù có điều kiện để gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại lớn nhưng người phạm tội lại lựa chọn cách thức không gây thiệt hại (như dùng dao chỉ hù dọa người bị hại để xin đểu, khi bị phản ứng lại thì ném dao bỏ chạy) hoặc gây thiệt hại không lớn (có thể chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu nhưng người phạm tội lại chỉ lấy đủ tiền đi xe) như dự định ban đầu của mình.
Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng quan điểm theo hướng dẫn của TANDTC, VKSNDTC là phù hợp. Bởi vì, thiệt hại ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội được hiểu là dự tính thực hiện tội phạm của người phạm tội không có ý nghĩa để xem xét thiệt hại chưa xảy ra hay xảy ra không lớn. Nếu cho rằng, khi thực hiện tội phạm người phạm tội đã dự tính sẽ không gây thiệt hại hay gây thiệt hại không lớn thì người phạm tội sẽ được xem xét giảm nhẹ với tình tiết tại điểm a khoản 1 Điều 51 BLHS “Người phạm tội đã … làm giảm bớt tác hại của tội phạm”. Và thiệt hại chưa xảy ra hay xảy ra không lớn có sự chủ động của người phạm tội.
3. Về khái niệm “chưa gây thiệt hại”
Qua nghiên cứu từ Sổ tay Thẩm phán của TANDTC và Công văn số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của Vụ 3 VKSNDTC, chúng tôi thấy:
Theo theo điểm 6.2.1.7 Sổ tay Thẩm phán TANDTC năm 2009 hướng dẫn “Chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội).”
Tại văn bản số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của VKSNDTC gửi VKSND tỉnh Thanh Hóa có hướng dẫn “Chưa gây thiệt hại” là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại”.
Chính từ hướng dẫn thiếu thống nhất nêu trên mà thực tiễn áp dụng về khía niệm “chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” tại tình tiết điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS giữa Tòa án và Viện kiểm sát có sự thiếu thống nhất. Chúng tôi xin đưa ra hai ví dụ về việc áp dụng tình tiết này.
Ví dụ: Khoảng 02 giờ 30 phút ngày 11/8/2019, V đã vào tòa Nhà N2, Bệnh viện Quân y 103, lén lút thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, gồm 03 chiếc điện thoại di động của chị D và anh H. Tổng giá trị tài sản mà V đã trộm cắp là 20.200.000 đồng. Khi V mang tài sản vừa trộm cắp được ra đến cổng bệnh viện thì bị Công an và bảo vệ bệnh viện đuổi bắt, kiểm tra hành chính, lập biên bản sự việc thu giữ các điện thoại trộm cắp trả cho chị D và anh H.
Trong trường hợp này, hành vi của V đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 BLHS vì tài sản trộm cắp là 03 chiếc điện thoại đã dịch chuyển ra khỏi nơi quản lý của chủ sở hữu; nếu áp dụng theo hướng dẫn của VKSND tối cao thì V không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại” theo điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015; tài sản chưa bị thiệt hại là do V bị phát hiện, đuổi bắt và thu lại được. Còn nếu áp dụng theo hướng dẫn của TANDTC thì trong trường hợp này V vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại” vì V đã thực hiện hành vi trộm cắp nhưng hậu quả không xảy ra, việc V bị bắt và thu giữ 03 chiếc điện thoại đã trộm cắp được là nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội.
Cần phải hiểu điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 quy định hai TTGN được phân biệt với nhau bằng từ “hoặc”. Tuy có hướng dẫn và nhận thức khác nhau nhưng Hội đồng xét xử cần đánh giá trong từng vụ án cụ thể để áp dụng cho đúng. “chưa gây thiệt hại” nghĩa là chưa có thiệt hại xảy ra trong thực tế; “thiệt hại không lớn” nghĩa là đã có thiệt hại xảy ra trong thực tế do hành vi phạm tội của người phạm tội gây ra. Do vậy, khi áp dụng tình tiết “chưa gây thiệt hại” thì sẽ không thể áp dụng tình tiết “gây thiệt hại không lớn”
Một ví dụ khác: Vụ án Cao Xuân D phạm tội “Trộm cắp tài sản”: Khoảng 21 giờ ngày 23/9/2018, Cao Xuân D rủ Nguyễn Việt A đi lên tầng 3 công trình xây dựng Nhà khách Quân khu 1, quan sát thấy anh Bùi Trung T là người lắp đặt hệ thống điều hòa tại công trình đã ngủ, D và A đã lấy trộm số tài sản, gồm: 03 cuộn dây điện loại 1×2,5mm2; 02 cuộn dây điện loại 1×1,5mm2; 05 cuộn ống đồng phi 6; 05 cuộn ống đồng phi 12 là tài sản của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật 29, Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng đang thuộc quản lý của anh T. D và A đã cho 05 cuộn dây điện vào trong bao tải màu trắng có sẵn ở trong phòng và cùng bê tất cả số tài sản trên đi cầu thang bộ xuống tầng 1, đi qua sảnh Nhà khách đến hàng rào bằng tôn của công trình rồi ném tất cả số tài sản qua hàng rào xuống bãi cỏ rậm để cất giấu. Đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, D và A đến nơi cất giấu, mang số tài sản vừa trộm cắp được đi tìm nơi tiêu thụ thì bị tổ tuần tra Công an phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên kiểm tra, phát hiện, lập biên bản sự việc và thu giữ tang vật.
Trong vụ án này, quan điểm giữa Tòa án và Viện kiểm sát không thống nhất:
Theo quan điểm của Tòa án thì hành vi trộm cắp của D bị lực lượng chức năng phát hiện trước khi bị cáo đưa tài sản đi tiêu thụ, tài sản trộm cắp đã được thu hồi nguyên vẹn, vì vậy hành vi phạm tội của D chưa gây thiệt hại.
Theo quan điểm của Viện kiểm sát thì hành vi trộm cắp của D đã gây mất trật tự trị an tại nơi quản lý tài sản của Quân đội, tuy chưa có thiệt hại cụ thể về vật chất nhưng đã có hậu quả phi vật chất là gây ảnh hưởng đến sự an toàn, danh dự, uy tín của đơn vị nên cần áp dụng tình tiết qui định ở ý 2 điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS “… gây thiệt hại không lớn”.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Tòa án vì trong tội phạm xâm phạm sở hữu đã xâm phạm đến khách thể là quan hệ sở hữu và trật tự an toàn xã hội nên việc xác định hậu quả phi vật chất là vô cùng khó khăn, cần dựa vào căn cứ thiệt hại mà tội phạm đã thực hiện có xảy ra trên thực tế hay không (bất kể chúng được thu do bắt quả tang hay người phạm tội tự nguyện giao trả…).
Như vậy, giữa hướng dẫn của VKSNDTC và của TANDTC nêu trên đã có sự khác nhau, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong quá trình vận dụng. Theo hướng dẫn tại Văn bản số 994 của VKSNDTC có thể hiểu chỉ tội phạm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt thì mới xem xét tình tiết giảm nhẹ “chưa gây thiệt hại” cho người phạm tội, còn khi tội phạm đã hoàn thành thì không thể áp dụng. Còn theo hướng dẫn tại Sổ tay Thẩm phán của TANDTC thì chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện hay nói cách khác đã hoàn thành về mặt hành vi, nhưng thiệt hại (hậu quả) không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội và khi áp dụng tình tiết này, cần phân biệt với phạm tội chưa đạt, có nghĩa là đã xác định là thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt thì không được coi là chưa gây thiệt hại.
4. Về khái niệm “thiệt hại không lớn”
Việc xác định thế nào là thiệt hại không lớn chưa có sự thống nhất trong thực tiễn. Hiện nay, tồn tại hai quan điểm về căn cứ xác định thiệt hại không lớn. Ý kiến thứ nhất cho rằng, thiệt hại không lớn là thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại do người phạm tội mong muốn. Ý kiến khác lại cho rằng, thiệt hại không lớn nếu chúng không lớn so với mức bình thường. Khi xác định hậu quả như thế nào là bình thường cần căn cứ vào các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm, thiệt hại cụ thể đã gây ra cho người bị hại và cho xã hội (cả thiệt hại vật chất và thiệt hại phi vật chất) trong từng trường hợp cụ thể.
Chúng tôi cho rằng, căn cứ xác định thiệt hại không lớn như ý kiến thứ nhất là chưa hợp lý. Bởi vì, nếu thiệt hại mà người phạm tội mong muốn không đáng kể thì dưới mức người phạm tội mong muốn sẽ gây ra thiệt hại không đáng kể. Chẳng hạn, vì không có tiền đi xe nên T đã dùng dao hù dọa buộc L phải đưa cho T số tiền 200.000 đồng để T đón xe về. Nếu cho rằng T phải chiếm đoạt dưới mức 200.000 đồng mới được áp dụng tình tiết “thiệt hại không lớn” là chưa phù hợp. Nguợc lại, mong muốn của người phạm tội là rất lớn thì khi người phạm tội chưa đạt được mong muốn của mình thì thiệt hại cũng vô cùng lớn. Chẳng hạn, biết A vừa mới rút 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm từ Ngân hàng mang về nhà nên B (là bà con của A đến nhà A chơi) đã lợi dụng lúc A đi ra phía sau, mở tủ lấy bọc tiền mà B vừa rút ở Ngân hàng về nhưng số tiền mà B chiếm đoạt chỉ có 700 triệu đồng do A không rút hết tiền gửi tiết kiệm. Trường hợp này, rõ ràng số tiền 700 triệu đồng là thiệt hại rất lớn nhưng nếu theo hướng dẫn của TANDTC thì B vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ vì “thiệt hại không lớn”.
Theo chúng tôi thì quan điểm xác định “thiệt hại không lớn” như ý kiến thứ hai là phù hợp với thực tiễn áp dụng hiện nay và có căn cứ. Bởi vì, việc phân hóa trách nhiệm hình sự đối với mỗi tội phạm là khác nhau nên hậu quả (thiệt hại) của mỗi tội phạm gây ra cho xã hội là khác nhau. Hơn nữa, hành vi vi phạm đối với từng tội trong thực tiễn cũng diễn biến đa dạng nên không thể quy định một mức cụ thể để xác định “thiệt hại không lớn”. Cho nên, việc dành quyền xem xét, áp dụng cho Hội đồng xét xử đánh giá khi cá thể hóa hình phạt trong từng trường hợp cụ thể như ý kiến thứ hai là phù hợp, tránh sự tùy tiện và bao quát mọi tình huống xảy ra trong thực tiễn.
Vì vậy, hướng dẫn về việc xác định thiệt hại không lớn tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS cần dựa vào mức độ thiệt hại xảy ra trên thực tế cho người bị thiệt hại và cho xã hội (cả thiệt hại vật chất, thể chất, tinh thần), các quy định cụ thể của từng loại tội phạm, tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm trong từng trường hợp cụ thể. Riêng thiệt hại về tinh thần thì nên hạn chế áp dụng TTGN tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS và chỉ áp dụng TTGN này khi thiệt hại đó không ảnh hưởng đến hoạt động, sinh hoạt bình thường của người bị thiệt hại. Việc xác định thiệt xảy ra không lớn không phụ thuộc vào loại tội mà người phạm tội vi phạm, không phụ thuộc đó là tội phạm cấu thành vật chất hay cấu thành hình thức mà có thể chỉ ít nhiều phụ thuộc vào tính chất của tội phạm là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng mà thôi.
Từ các phân tích trên, chúng tôi rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn áp dụng TTGN quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS để có sự áp dụng thống nhất trong thực tiễn.
TH.S ĐỖ THANH XUÂN- HOÀNG THANH PHONG/Tạp chí Toà án