Ảnh minh họa.
So với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã có nhiều quy định tiến bộ hơn, đã cụ thể hóa tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 147 BLHS năm 1999 thành các hậu quả như “làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn”, “làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát”, cụ thể:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng 1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. |
Tội phạm được cấu thành khi thỏa mãn hai điều kiện sau:
Một là, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội phải đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác (người đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp hoặc đang độc thân); hoặc chủ thể đang trong tình trạng độc thân nhưng biết rõ và cố ý thực hiện hành vi kết hôn hoặc chung sống với người đang tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Hai là, hành vi nêu trên đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính; đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó hoặc đã có hậu quả nghiêm trọng xảy ra (làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát).
Vướng mắc, bất cập
Qua nghiên cứu các quy định và thực tiễn áp dụng pháp luật tác giả nhận thấy còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập trong quy định của Điều luật, cụ thể:
Một là, về mặt kỹ thuật lập pháp ở phần quy định về hành vi của điều luật sử dụng thuật ngữ “kết hôn” là chưa chính xác, bởi, khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.
Như vậy, để xác lập một quan hệ hôn nhân phải tuân thủ các điều kiện về kết hôn và đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật, một chủ thể đang có vợ, có chồng (có nghĩa đang tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp) thì không thể kết hôn với người khác. Nếu không tuân thủ điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn sẽ dẫn đến hậu quả “kết hôn trái pháp luật”. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ hành vi của cơ quan có thẩm quyền công nhận và xác lập quan hệ vợ chồng nói trên sẽ bị xử lý về tội “Đăng ký hộ tịch trái pháp luật” quy định tại Điều 336 BLHS năm 2015.
Hai là, một số hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội tương xứng hoặc cao hơn như kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng được quy định cụ thể tại điểm d khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã lại không được quy định trong BLHS năm 2015. Nếu một trong những hành vi như đã nêu trên xảy ra trên thực tế thì chỉ dừng lại ở mức độ xử lý vi phạm hành chính chứ chưa thể xử lý hình sự, điều này sẽ dẫn đến việc bỏ lọt một số tội phạm.
Ba là, như đã phân tích ở phần trên, tội phạm hoàn thành khi thỏa mãn hai điều kiện, nhưng trên thực tế chủ thể tội phạm thường dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để lừa dối, che dấu hành vi của mình, dẫn đến rất khó khăn trong việc chứng minh để xử phạt vi phạm hành chính, làm tiền đề để xử lý trách nhiệm hình sự.
Ví dụ như: Nguyễn Văn A. đã có vợ, con tại tỉnh D., sau đó A. vào thành phố H. làm việc, A. thuê nhà trọ và sống chung như vợ chồng với B. trong thời gian dài. Hành vi này đã được vợ A. biết và đề nghị cơ quan có thẩm quyền can thiệp. Tuy nhiên, A. chỉ khai nhận mối quan hệ với B. chỉ là bạn cùng công ty, thuê trọ ở ghép để tiết kiệm chi tiêu, những người ở cùng dãy trọ với A. cũng không biết mối quan hệ giữa A. và B. như thế nào. Từ đó dẫn đến rất khó cho cơ quan có thẩm quyền chứng minh hành vi vi phạm để xử lý vi phạm hành chính và làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi của A.
Đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở một số vướng mắc, bất cập, tác giả đề xuất, kiến nghị như sau:
Một là, thời gian tới, cần đề xuất sửa đổi điều luật theo hướng bổ sung cụm từ “trái pháp luật” vào sau cụm từ “kết hôn” và bổ sung hành vi “kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng” vào phần quy định hành vi của điều luật. Cụ thể:
"Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn trái pháp luật hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn trái pháp luật hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ; kết hôn trái pháp luật hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
...”.
Hai là, cần thiết đề xuất ban hành các quy định về xử phạt hành chính cụ thể, rõ ràng hơn trên lĩnh vực này, nhằm dễ dàng hơn trong công tác áp dụng pháp luật để xử lý vi phạm hành chính trên thực tiễn.
VÕ MINH TUẤN
Thư ký Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5