/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Bàn về việc không khởi tố vụ án khi không có yêu cầu của bị hại có bỏ lọt tội phạm

Bàn về việc không khởi tố vụ án khi không có yêu cầu của bị hại có bỏ lọt tội phạm

11/05/2023 06:04 |

(LSVN) - Khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại là một trong những chế định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS), thể hiện sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra một vấn đề đó là việc không khởi tố vụ án khi không có yêu cầu của bị hại hoặc đã khởi tố vụ án nhưng bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án bị đình chỉ, có là bỏ lọt tội phạm hay không?

Ảnh minh họa.

Theo khoản 1, Điều 155, BLTTHS quy định, chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại đối với các tội phạm sau đây:

Một là, tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác" quy định tại khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự (BLHS).

Hai là, tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh" quy định tại khoản 1, Điều 135, BLHS.

Ba là, tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội" quy định tại khoản 1, Điều 136, BLHS.

Bốn là, tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác" quy định tại khoản 1, Điều 138, BLHS.

Năm là, tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" quy định tại khoản 1, Điều 139, BLHS.

Sáu là, tội "Hiếp dâm" quy định tại khoản 1, Điều 141, BLHS.

Bảy là, tội "Cưỡng dâm" quy định tại khoản 1, Điều 143, BLHS

Tám là, tội "Làm nhục người khác" quy định tại khoản 1, Điều 155, BLHS.

Chín là, tội "Vu khống" quy định tại khoản 1, Điều 156, BLHS.

Khoản 2, Điều 155, BLTTHS còn quy định, đối với các trường hợp nêu trên, khi người bị hại đã có yêu cầu khởi tố vụ án tự nguyện rút yêu cầu khởi tố thì vụ án phải bị đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiếp tụng tiến hành tốt tụng đối với vụ án.

Như vậy, khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án một cách tự nguyện, không bị ép buộc, cưỡng bức thì vụ án phải bị đình chỉ đối với người đã bị khởi tố.

Theo quy định tại khoản 8, Điều 157, BLTTHS về căn cứ không khởi tố vụ án hình sự thì những trường hợp đã nêu trên, khi người bị hại hoặc đại diện của người bị hại không có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng không được khởi tố vụ án hình sự. 

Quy định tại khoản 2, Điều 155 và khoản 8, Điều 157, BLTTHS đặt ra một vấn đề là, khi người bị hại rút yêu cầu khởi tố một cách tự nguyện thì vụ án bị đình chỉ và khi không có yêu cầu của bị hại thì không được được khởi tố vụ án thì có được coi là bỏ lọt tội phạm hay không?

Thứ nhất, có hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế và đã hoàn thành, hành vi phạm tội có tính chất nguy hiểm cho xã hội, có hậu quả xảy ra trên thực tế, trong đó có những hành vi phạm tội nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội như tội “Hiếp dâm” tại khoản 1, Điều 141, BLHS.

Thứ hai, người phạm tội có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, phần lớn các tội phạm trên được thực hiện với lỗi cố ý, trừ hai trường hợp thực hiện tội phạm với lỗi vô ý quy định tại khoản 1, Điều 138 và khoản 1, Điều 139, BLHS.

Thứ ba, hành vi phạm tội vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 27, BLHS. 

Thứ tư, người phạm tội không thuộc trường hợp được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 29, BLHS.

Bên cạnh đó, tại điểm a, khoản 1, Điều 3, BLHS có quy định: “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng quy định của pháp luật”. Xét theo đúng nguyên tắc này thì mọi hành vi phạm tội đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, như đã phân tích, các hành vi nêu trên, nếu người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án bị đình chỉ hoặc không có yêu cầu khởi tố thì cơ quan điều tra không được khởi tố vụ án hình sự, và hành vi phạm tội của người phạm tội sẽ không được xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, giữa quy định của BLTTHS và BLHS chưa có sự thống nhất trong đường lối xử lý hành vi phạm tội. BLTTHS quy định có lợi cho người phạm tội, tuy nhiên quy định này lại cho phép người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi phạm tội mà họ đã gây ra.

Theo quan điểm của tác giả, việc quy định chỉ được khởi tố vụ án đối với những hành vi phạm tội đã nêu đôi khi sẽ tạo ra khó khăn, vướng mắc cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm khi mà người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Từ đó, tác giả kiến nghị các nhà làm luật cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất giữa BLTTHS và BLHS để áp dụng thống nhất pháp luật, trừng trị thích đáng hành vi phạm tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả. Rất mong nhận được sự đóng góp, trao đổi của quý đồng nghiệp và bạn đọc

LÊ XUÂN QUANG

Tòa án Quân sự Khu vực - Quân khu 1

Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015

Nguyễn Hoàng Lâm