Bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt nhìn từ góc độ pháp lý về quyền và trách nhiệm công dân

04/02/2022 18:09 | 2 năm trước

(LSVN) - Trong đường lối lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn coi trọng ngôn ngữ, gắn ngôn ngữ với lợi ích của quốc gia, quyền lợi dân tộc, quyền lợi nhân dân; có định hướng để bảo vệ, gìn giữ và phát triển ngôn ngữ. Tiếng Việt là thành tố quan trọng của văn hóa Việt Nam. Ở nước ta, các dân tộc nhìn chung đều có ngôn ngữ của mình (tiếng mẹ đẻ), nhưng tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia (quốc ngữ) theo quy định tại Hiến pháp 2013. Mọi công dân Việt Nam, dù thuộc dân tộc nào, cũng có trách nhiệm và quyền lợi khi sử dụng quốc ngữ trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhìn từ góc độ pháp lý, bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt là quyền đồng thời là trách nhiệm của mỗi công dân.

Ảnh minh họa.

Căn cứ pháp lý

Tiếng Việt là thành tố quan trọng của văn hóa Việt Nam. Ở nước ta, các dân tộc nhìn chung đều có ngôn ngữ của mình (tiếng mẹ đẻ), nhưng tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia (quốc ngữ) theo quy định tại Hiến pháp 2013 (1); do đó, mọi công dân Việt Nam, dù thuộc dân tộc nào, cũng có trách nhiệm và quyền lợi khi sử dụng quốc ngữ trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong đường lối lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn coi trọng ngôn ngữ, gắn ngôn ngữ với lợi ích của quốc gia, quyền lợi dân tộc, quyền lợi nhân dân; có định hướng để bảo vệ, gìn giữ và phát triển ngôn ngữ. Quan điểm ấy được thể hiện nhất quán, rõ ràng trong các văn kiện của Đảng từ năm 1930 đến nay.

Trước tiên phải kế đến Bản “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943) - văn kiện được coi là Tuyên ngôn của Đảng về văn hóa; đặc biệt là ba nguyên tắc, ba tính chất cơ bản của nền văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Bên cạnh việc đẩy mạnh đấu tranh về học thuyết, tư tưởng thì phải coi trọng “tranh đấu về tiếng nói, chữ viết”, bao gồm “thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói; ấn định mẹo văn ta; cải cách chữ quốc ngữ”.

Trên tinh thần Đề cương văn hóa 1943, Đảng ta kiên trì nhiệm vụ bảo vệ, phát triển văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt; đồng thời từng bước tiếp tục bổ sung, phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa. Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Đảng ta xác định nhiệm vụ: “Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình” (2). Nghị quyết Đại hội IX của Đảng xác định chủ trương “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc”, trong đó có “ngôn ngữ, chữ viết”; đến Nghị quyết Đại hội X, chủ trương ấy tiếp tục được khẳng định nhưng cụ thể thêm yêu cầu “tiếp tục đầu tư”; sang Đại hội XI, chỉ rõ các yêu cầu cụ thể: “Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”, “xây dựng và thực hiện các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số” (3).

Đặc biệt, trước sự tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề giữ gìn, phát huy di sản văn hóa dân tộc được Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI xác định là một trong sáu nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam: “Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài. Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống” (4).

Có thể nói, sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, trong đó có ngôn ngữ, không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có tác dụng to lớn trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng.

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành luật pháp, chính sách bảo tồn ngôn ngữ dân tộc, bảo đảm quyền cho công dân được sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và lựa chọn ngôn ngữ; bao gồm chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn ngôn ngữ riêng của dân tộc mình trong sinh hoạt cộng đồng của họ, đồng thời cũng sử dụng tiếng Việt để giao tiếp chung; chính sách cho người dân tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ chung của quốc gia cũng như các nước khác trên thế giới.

Luật Phổ cập giáo dục tiểu học ban hành ngày 06/8/1991, khẳng định: “Các dân tộc thiểu số có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cùng với tiếng Việt để thực hiện giáo dục tiểu học” . Tiếp theo, Luật Giáo dục ngày 10/12/1998 quy định “Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường” và xác định trách nhiệm của Nhà nước: “Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình” (6). Quy định này được duy trì qua các lần sửa đổi Luật Giáo dục vào năm 2005, 2009 và 2019.

Đến Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên, tiếng Việt được chính thức được quy định là ngôn ngữ quốc gia của Việt Nam: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt” (khoản 3, Điều 5), tạo cơ sở để xây dựng chính sách và kế hoạch phát triển ngôn ngữ trong thời kỳ mới. Có thể đánh giá đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định vị thế của tiếng Việt trong bối cảnh mới, khi chúng ta thực hiện hội nhập quốc tế. Ngoại ngữ chính là một trong những sản phẩm của giao lưu trong hội nhập.

Ngoài ra, cần kể tới Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây là văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất quy định cụ thể, chi tiết về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta; theo đó, quy định rõ ngôn ngữ của văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện bằng tiếng Việt (7).

Để cụ thể hóa các quy định về tiếng Việt trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của các cơ quan hành pháp, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 25/2011/TT-BTP, ngày 27/12/2011 về thể thức, kỹ thuật trình bày VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch, quy định ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt, từ ngữ được sử dụng phải là từ phổ thông; văn bản phải sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu và số trong văn bản phải được thể hiện bằng số Ả Rập. Trong lĩnh vực lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14/3/2017 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; trong đó có quy định ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt (Điều 18).

Có thể nói rằng, hệ thống văn bản thể hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy việc học và dạy tiếng Việt nói chung, tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số nói riêng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc; nhờ đó mà trong nhiều năm qua, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển tiếng Việt trở thành nhiệm vụ chung của mỗi cá nhân, tổ chức trong tất cả các lĩnh vực, từ hành chính, giáo dục, văn học nghệ thuật, truyền thông, đến hoạt động giao tiếp của cộng đồng, người dân.

Về thực trạng sử dụng tiếng Việt hiện nay

Hơn 30 năm qua, công cuộc đổi mới và mở cửa đã đưa Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Nhìn từ góc độ tích cực, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa khiến tiếng Việt có nhiều cơ hội tiếp thu được những yếu tố mới và tiến bộ để trở nên phong phú, giàu có. Nhưng mặt khác tiếng Việt cũng phải đối đầu trước nguy cơ hòa tan theo xu hướng áp đảo của chính sách “thế giới phẳng” về ngôn ngữ và văn hóa do một số nước lớn chủ xướng. Chính vì vậy, suốt hơn nửa thế kỷ qua, trong hoạt động của giới nghiên cứu ngôn ngữ nói riêng, cả xã hội nói chung, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt dường như luôn là một chủ đề được bàn thảo thường xuyên và chưa bao giờ hết nóng. Dù ở nhiều cung bậc khác nhau, phạm vi mức độ khác nhau, nhưng tầm quan trọng và độ nóng của vấn đề luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Thời gian gần đây, song song với quá trình toàn cầu hóa nói chung, quá trình “toàn cầu hóa văn hóa” và “toàn cầu hóa ngôn ngữ” cũng đang chuyển động như là một xu thế chung. Đã là xu thế thì khó cưỡng lại được. Trong cuộc giao thoa về ngôn ngữ ấy, tiếng Việt cùng lúc phải đối diện và cạnh tranh với nhiều ngoại ngữ khác, nhất là tiếng Anh.

Bên cạnh đó, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, của nền kinh tế thị trường, sự di chuyển liên tục của dòng người giữa ba miền Bắc-Trung-Nam, giữa các vùng trong một miền, giữa nông thôn và thành thị..., thành phần dân cư, dân tộc của quốc gia cũng đã và đang bị xáo trộn, đan xen. Hệ quả là, tiếng Việt cũng chịu sự điều chỉnh, thay đổi đáng kể, rõ nhất là sự phân bố về vị thế, chức năng giữa tiếng Việt chung với các tiếng Việt phương ngữ, sự phân bố lại về ngôn ngữ tộc người...

Như vậy, quá trình hội nhập và sự giao lưu văn hóa đã và đang diễn ra đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng. Bên cạnh những tác động tích cực, tình trạng sử dụng tiếng Việt thiếu chuẩn xác, việc kết hợp giữa tiếng Việt với các từ ngữ nước ngoài diễn ra phổ biến, sự du nhập của nhiều yếu tố ngoại lai, việc sử dụng ngôn ngữ tự sáng tác trên mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ,… là những yếu tố ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến sự trong sáng của tiếng Việt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để đánh giá thái độ của người dân đối với tiếng Việt, chúng tôi đã tiến hành khảo sát với sự tham gia của 500 người, chủ yếu tập trung ở các nhóm đối tượng: đại biểu dân cử (Quốc hội, HĐND) và người làm việc trong lĩnh vực lập pháp; cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, sinh viên; người làm trong lĩnh vực truyền thông (8).

Về mức độ quan tâm tới chuẩn mực khi sử dụng tiếng Việt hàng ngày, dữ liệu thu được cho thấy: có 234/500 người được hỏi chọn “quan tâm” đến vấn đề này (46.8 %); 118/500 người “rất quân tâm” (23.6%), 108/500 người “ít quan tâm” (21.6%) (xem Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1: Mức độ quan tâm tới sự chuẩn mực tiếng Việt khi sử dụng hàng ngày 

Tuy nhiên, cơ cấu tỉ lệ về mức độ quan tâm lại không đồng đều giữa các nhóm đối tượng. Số người được hỏi chọn “quan tâm” chủ yếu tập trung ở các nhóm đối tượng: đại biểu Quốc hội, HĐND, cán bộ làm trong lĩnh vực lập pháp có 83/108 phiếu (76,9%); cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo có 74/107 phiếu (69,2%), người làm trong lĩnh vực truyền thông đại chúng có 62/74 phiếu (83,8%). Đáng tiếc là nhóm đối tượng học sinh, sinh viên lại chủ yếu lựa chọn thái độ “ít quan tâm” tới vấn đề này, gồm 71/115 số phiếu được hỏi (61,7%); thậm chí có tới 13/115 phiếu “không quan tâm” (11,3%). Đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc để có những giải pháp mang tính bền vững, góp phần điều chỉnh nhận thức và xác định rõ trách nhiệm cho mỗi người đối với tiếng Việt.

Về đánh giá của người dân đối với tình trạng thiếu chuẩn mực của tiếng Việt ở 05 lĩnh vực (khoa học, giáo dục, truyền thông, lập pháp, hành chính công), dữ liệu thu được cho thấy, mức độ băn khoăn về tình trạng thiếu chuẩn mực của tiếng Việt ở lĩnh vực truyền thông chiếm tỉ lệ cao nhất với 314/500 phiếu (62,8%); lần lượt tiếp theo là lĩnh vực hành chính công có 79/500 phiếu (15,8%), lĩnh vực lập pháp có 42/500 phiếu (8,4%), lĩnh vực giáo dục có 38/500 phiếu = 7,6%), lĩnh vực khoa học có số lượng đánh giá đạt tỉ lệ thấp nhất (27 phiếu = 5,4%) (Biểu đồ 2).

Biểu đồ 2: Đánh giá về tình trạng thiếu chuẩn mực của tiếng Việt ở các lĩnh vực

Những vấn đề đặt ra và khuyến nghị

Tiếng Việt không chỉ giữ vai trò là công cụ giao tiếp chính trong một cộng đồng cư dân rộng lớn, đa dạng mà còn là phương tiện lưu giữ, trao truyền văn hóa của bao thế hệ người Việt. Sự phát triển của tiếng Việt gắn liền với sự phát triển của xã hội Việt Nam. Vì vậy, cần xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng, chuẩn mực của tiếng Việt đối với mục tiêu xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường ý thức cho mỗi tổ chức, cá nhân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Quyền sử dụng và tiếp cận ngôn ngữ của công dân là một trong những quyền đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013; đòi hỏi việc nghiên cứu các căn cứ pháp lý và thực tiễn về quyền sử dụng và tiếp cận ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cần được đặt ra và triển khai một cách nghiêm túc. Cùng với việc đề cao quyền của cá nhân trong hoạt động ngôn ngữ, cần có những chính sách và giải pháp hiệu quả cho vấn đề kiểm soát hành vi ngôn ngữ cũng như duy trì nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn tiếng Việt trước làn sóng “ngoại  nhập” của ngôn ngữ.

Quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa thế giới càng được đẩy nhanh thì tốc độ gia tăng vốn từ vựng mới từ ngôn ngữ ngoại lai ngày càng cao. Theo thời gian, những từ ngữ mới đúng đắn, được chấp nhận sẽ tồn tại, gia nhập vào vốn ngôn ngữ chung, làm phong phú thêm tiếng Việt; những từ ngữ không phù hợp sẽ nhanh chóng bị đào thải, lãng quên. Tuy nhiên, xuất phát từ tính đặc thù của hoạt động ngôn ngữ, quá trình này diễn ra chậm hơn nhiều so với thực tiễn đời sống xã hội; do vậy, cần có những chính sách, cơ chế thích hợp nhằm hình thành “bộ lọc” giúp cho tiếng Việt có khả năng tiếp biến, chọn lọc trong quá trình giao thoa; bảo đảm giữ gìn được sự trong sáng và tiếp tục phong phú, giàu có. Yêu cầu đặt ra đòi hỏi các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, giới báo chí và truyền thông; các nhà giáo dục, các chuyên gia cần nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về đời sống ngôn ngữ để kịp thời có những phản biện, góp ý nhằm chấn chỉnh những lệch lạc trong sử dụng ngôn ngữ, điều chỉnh hành vi ngôn ngữ.

Để hỗ trợ người dân trong việc sử dụng, giữ gìn, bảo vệ tiếng Việt, đòi hỏi cần xây dựng những quy định chuẩn về tiếng Việt để có sự thống nhất trong hoạt động ngôn ngữ; tránh tình trạng có quá nhiều quy định về cách thức nói và viết tiếng Việt trong xây dựng văn bản; hoặc xuất hiện những đề xuất ngẫu hứng, mang tính cá nhân về cải tiến chữ quốc ngữ, gây ra tranh luận không đáng có trong giới ngôn ngữ và trong xã hội. Việc quy định chặt chẽ về ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng cũng cần đặt ra, giúp cho việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động ngôn ngữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội, từ khoa học, giáo dục, báo chí, phát thanh truyền hình đến lĩnh vực hành chính, pháp luật.

Trong công cuộc hội nhập một cách toàn diện, sâu rộng và mạnh mẽ này, Nhà nước cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa; trong đó, nhiệm vụ cấp thiết là tạo hành lang pháp lý cho sự vận động ngôn ngữ. Trên phương diện quản lý nhà nước, cần phải có những quy định chặt chẽ về ngôn ngữ, nhất là khi tiếng Việt đã được quy định trong Hiến pháp là “ngôn ngữ quốc gia”. Cùng với vai trò của Nhà nước trong công cuộc chuẩn hóa ngôn ngữ, cần đề cao trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đây là trách nhiệm của các chuyên gia, các nhà văn hóa học, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nhà báo, nhà giáo và từng người dân.

Để cho tiếng Việt đạt được sự chuẩn mực, trong sáng thì những người làm báo, làm công tác truyền thông, các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, nhà quản lý có vai trò quan trọng, gương mẫu đi đầu trong việc lan tỏa tình yêu tiếng Việt, tạo cảm hứng và truyền bá cho toàn xã hội, trong đó, ưu tiên thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên; để mỗi người Việt Nam, khi nói, khi viết đều ý thức được trách nhiệm nói đúng, viết đúng, nói hay, viết hay, góp phần làm cho tiếng Việt thêm đẹp, thêm giàu.

(1) Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 (Điều 5) quy định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt”.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.54-55.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (200-tr.115), X (2006-tr.107), XI (2011-tr.224-225), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, 2014, Hà Nội, tr. 54.

(5) Điều 4 Luật Giáo dục tiểu học 1991 (Nguồn: https://hethongphapluat.com/luat-pho-cap-giao-duc-tieu-hoc-1991.html).

(6) Điều 5 Luật Giáo dục 1998 (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-1998-11-1998-QH10-44857.aspx).

(7) Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, 1996; Luật sửa đổi năm 2018; Điều 8 Luật sửa đổi năm 2015, 2020.

(8) Điều tra bằng 500 phiếu hỏi, tiến hành ở 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Cao Bằng, Quảng Nam với thành phần tham gia: đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân tỉnh, cán bộ làm trong lĩnh vực lập pháp (108 phiếu); cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo (107 phiếu); người làm trong lĩnh vực truyền thông đại chúng (74 phiếu); học sinh, sinh viên (115 phiếu); các lĩnh vực khác (96 phiếu);

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.54-55.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001), X (2006), XI (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013.

4. Hoàng Văn Hành (1995), Nhìn lại chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước ta 50 năm qua, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4, tr.1-6.

5. Cao Xuân Hạo (2001), Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

6. Nguyễn Văn Khang (2010), Sự tác động của xã hội đối với ngôn ngữ và những vấn đề đặt ra đối với chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Ngôn ngữ, số 8.

7. Nguyễn Văn Khang (2010), Chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu.

8. Lê Quang Thiêm (2000), Về vấn đề ngôn ngữ quốc gia, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, tr.30-35.

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ MAI HOA

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Thích nghi để nỗ lực góp phần bảo vệ công lý