/ Pháp luật - Đời sống
/ Bổ sung quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục đặc biệt

Bổ sung quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục đặc biệt

25/01/2025 07:40 |

(LSVN) - Đây là một trong những nội dung mới quan trọng, mang tính đột phá về quy trình xây dựng pháp luật tại dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng.

Tờ trình của Bộ Tư pháp về một số nội dung cơ bản của dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) nêu rõ, ngoài quy trình thông thường, để đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn cũng như đơn giản hóa quy trình, tránh lãng phí nguồn lực trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy trình rút gọn. 

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, việc thực hiện xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn còn một số tồn tại, hạn chế như:

- Tiêu chí xác định các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn quy định còn chưa rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng cho các cơ quan trong quá trình thực hiện hoặc dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng để ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn; một số trường hợp cần thiết phải ban hành theo thủ tục rút gọn để đơn giản hóa quy trình, bảo đảm tính kịp thời và tránh lãng phí nhưng lại chưa được quy định trong Luật hiện hành như trường hợp cần sửa đổi ngay văn bản mà nội dung sửa đổi không phức tạp, chỉ mang tính kỹ thuật...;

- Chưa quy định rõ ràng về việc có phải lập đề nghị và thời điểm đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn nên trên thực tế các cơ quan vẫn lập hồ sơ đề nghị theo quy định, chưa đáp ứng yêu cầu về tính nhanh chóng, kịp thời ban hành văn bản;

- Quy định Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư của Bộ trưởng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm cho ý kiến đối với việc ban hành thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn chưa đề cao vai trò của Bộ trưởng trong việc chịu trách nhiệm toàn diện về việc áp dụng trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản và nội dung của văn bản do mình ban hành.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để xử lý những vướng mắc nêu trên, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 04 vấn đề quan trọng sau đây:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn:

- Chỉ quy định về việc ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật tình trạng khẩn cấp, trường hợp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ (bỏ quy định về trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để tránh lạm dụng trong thực tiễn);

- Bổ sung trường hợp cần sửa đổi ngay các văn bản mà nội dung sửa đổi không phức tạp; nội dung sửa đổi, bổ sung chỉ mang tính kỹ thuật đối với nhiều quy định ở nhiều văn bản do cùng một cơ quan ban hành; không làm phát sinh lớn về nguồn nhân lực và tài chính bảo đảm thực hiện.

Thứ hai, mở rộng phạm vi áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc xây dựng, ban hành thông tư.

Trước đây, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 không cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong việc xây dựng, ban hành thông tư. Tuy nhiên, để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2020) đã mở rộng phạm vi, cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước.

Tuy nhiên, Luật này chỉ cho phép áp dụng trong 03 trường hợp:

- Trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn;

- Trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

- Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, nhằm tiếp tục tạo sự linh hoạt, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế phát sinh, đề cao vai trò, trách nhiệm toàn diện của Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của mình, dự thảo Luật:

- Cho phép áp dụng thủ tục rút gọn để xây dựng thông tư trong tất cả các trường hợp, tương tự như các loại văn bản quy phạm pháp luật khác;

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ tự quyết định việc ban hành thông tư theo thủ tục rút gọn mà không cần phải xin ý kiến Bộ Tư pháp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thứ ba, quy định rõ thời điểm đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là trước hoặc trong quá trình xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ tư, quy định rõ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn theo hướng:

- Các cơ quan chủ trì sẽ tổ chức việc soạn thảo và xây dựng tờ trình, dự thảo văn bản, báo cáo tổng kết hoặc đánh giá thực trạng thi hành pháp luật (không phải thực hiện quy trình chính sách);

- Lấy ý kiến (không quy định tùy nghi như Luật hiện hành mà quy định bắt buộc phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản để bảo đảm chất lượng của văn bản; đây cũng là thực tế chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua);

- Thẩm định, thẩm tra;

- Xem xét, thông qua.

Theo quy định hiện hành, thời gian để xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn phải mất từ 7 đến 10 tháng (bao gồm cả quy trình lập đề nghị và soạn thảo). Theo dự thảo Luật này, thời gian để xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn chỉ mất khoảng 1 đến 2 tháng (giảm được 6 đến 8 tháng so với hiện hành).

Bên cạnh đó, thực tiễn thời gian qua cho thấy, trong một số tình huống đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ đã phải "xé rào" về quy trình, khẩn trương xây dựng, ban hành ngay văn bản để điều chỉnh vấn đề hết sức cấp bách phát sinh. Chẳng hạn Trong giai đoạn diễn biến phức tạp, căng thẳng của đại dịch COVID-19, Quốc hội đã "khẩn cấp" soạn thảo và ban hành ngay Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Trong đó, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ, khác quy định của luật hoặc chưa được luật quy định để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, giúp kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới";

Bên cạnh đó, trước đó, khi dịch bệnh bùng phát và lây lan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chỉ thị để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 như Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.... 

Mặc dù, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng đã phát huy hiệu lực tích cực, góp phần quan trọng ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Trong tình huống đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19, không thể tiến hành các trình tự, thủ tục theo quy trình xây dựng pháp luật như trong điều kiện bình thường, nên để đáp ứng yêu cầu cấp bách về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức họp trực tuyến để thẩm tra, chỉnh lý các dự thảo văn bản; Quốc hội đã họp trực tuyến để thảo luận, xem xét, biểu quyết thông qua các dự án luật, dự thảo nghị quyết...

Việc xây dựng, ban hành văn bản và thực hiện các trình tự, thủ tục chưa có tiền lệ như trong các tình huống đặc biệt nêu trên là rất cần thiết, để đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình, nhưng trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa dự liệu tình huống này nên chưa có quy định cụ thể để áp dụng.

Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, dự thảo Luật bổ sung quy định về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục đặc biệt áp dụng trong trường hợp cấp bách nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục đặc biệt trong xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục đặc biệt được thực hiện theo quyết định của các cơ quan, người có thẩm quyền.

VĂN QUANG

Các tin khác