Ngày 27/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc bàn về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM - hai đô thị lớn và đang bị ô nhiễm không khí nặng nhất.
Theo đó, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tính cấp thiết và nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đồng thời yêu cầu các cơ quan, địa phương phải nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể, có trách nhiệm rõ ràng và lộ trình cải thiện tình hình trong thời gian sớm nhất.

Ảnh minh họa.
Phó Thủ tướng nêu rõ, dù Luật Bảo vệ môi trường đã quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương và tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường không khí, tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai các văn bản pháp luật, kế hoạch hành động vẫn còn rất nhiều bất cập và tồn tại.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã có luật, nhưng nếu không có hành động cụ thể và quyết liệt thì tình hình sẽ không thể thay đổ. Đặc biệt, khi các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các lãnh đạo địa phương, phải được xác định rõ ràng và hành động kịp thời.
Từ đó, Phó Thủ tướng cho hay, đây là cuộc họp đưa ra các giải pháp cụ thể, để giải quyết những vấn đề cấp bách mà người dân đang phải đối mặt. Chúng ta không có nhiều thời gian để tiếp tục bàn luận, mà phải hành động ngay từ bây giờ, nhằm cải thiện các chỉ tiêu chất lượng không khí ngay trong tháng tới, quý tới, cuối năm để bảo vệ sức khỏe người dân.
Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa cho các địa phương trong việc triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, đồng thời sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện các giải pháp.
Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá toàn diện bức tranh về ô nhiễm không khí theo tiêu chuẩn quốc tế trên phạm vi cả nước cũng như ở từng đô thị, từng thành phố, nhất là Hà Nội và TP. HCM, chỉ ra những nguồn gây ô nhiễm không khí (giao thông, xây dựng, xử lý rác thải, hoạt động công nghiệp, nông nghiệp); phân tích sâu sắc mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và sức khoẻ để người dân nhận thức đúng, ủng hộ và cùng tham gia thực hiện. Từ đó, có căn cứ, dữ liệu, có đánh giá khoa học để đưa ra giải pháp, xác lập lộ trình từng năm, và cả giai đoạn 05 năm, nhằm mục tiêu sớm đưa chất lượng không khí về mức độ an toàn, không ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng chịu trách nhiệm chủ trì thiết lập quy trình đo đếm, giám sát các chỉ số chất lượng không khí, hình thành hệ thống quan trắc chính xác, tin cậy, tập trung ở các khu vực trọng điểm về ô nhiễm không khí, truyền dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý.
Các Bộ, ngành khẩn trương xây dựng, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phát thải vào không khí cho từng ngành, lĩnh vực, như: Giao thông, xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp, xử lý rác thải; đồng thời cho phép các tỉnh, thành phố áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với tình hình ô nhiễm ở địa phương.
Cụ thể, Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về xử lý, tái chế phế thải xây dựng và cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xử lý phế thải xây dựng (thuế, lãi suất, đất đai…); rà soát điều kiện, cơ sở pháp lý triển khai kiểm định khí thải xe máy, chế tài xử lý phương tiện không đạt chuẩn, hỗ trợ chủ xe lắp đặt thiết bị giảm khí thải; siết chặt hoạt động giám sát hoạt động của các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, nhất là ở đô thị, bằng camera các phương tiện ra vào công trường, có khu vực rửa xe riêng, có lưới che chắn…, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm; quy hoạch, bố trí trạm rửa xe trước khi vào thành phố hoặc khu đô thị.
Bộ Công thương phối hợp với địa phương rà soát, đánh giá các nguồn gây ô nhiễm không khí từ sản xuất công nghiệp, nhất là tại các cụm công nghiệp trên cả nước; đề xuất phương án di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu vực nội thành, hoặc chuyển đổi công nghệ và có chính sách hỗ trợ.
Bộ Công an tập trung tập trung xử lý các vi phạm nghiêm trọng về xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại gây ô nhiễm không khí; chỉ đạo công an địa phương phối hợp quản lý trật tự an toàn giao thông hợp ký, bổ sung thẩm quyền cho lực lượng cảnh sát giao thông, công an cơ sở giám sát, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông, xây dựng gây ô nhiễm không khí.
Các địa phương ban hành theo thẩm quyền về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm các chỉ số ô nhiễm không khí trên địa bàn; có kế hoạch chi tiết chuyển đổi xanh đối với phương tiện cá nhân, khuyến khích giao thông công cộng, bằng các công cụ kinh tế (thuế, phí), quy hoạch tuyến giao thông, điều tiết hoạt động giao thông…
Nhấn mạnh kế hoạch hành động chỉ được triển khai khi đã có đầy đủ công cụ, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia… để hoàn thiện các nhóm nhiệm vụ về quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; cơ chế, chính sách; các chương trình, dự án cụ thể; làm thật tốt công tác truyền thông đến người dân và toàn xã hội.