LSVNO - Thông tin tại hội nghị “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai đề án giống cá tra 3 cấp” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh An Giang vừa qua cho biết, cá tra Việt Nam đã qua thời độc quyền kéo dài suốt 20 năm qua.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh An Giang chủ trì hội nghị.
Không còn độc quyền
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sản lượng cá tra hàng năm của Ấn Độ đã là 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn, Indonesia 110.000 tấn, Trung Quốc 10.000 tấn, trong lúc năm 2017 của Việt Nam là 1,3 triệu tấn. “Hiện nay, Trung Quốc đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở đảo Hải Nam với hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp, nuôi mật độ thưa và giá thành thấp. Việc phát triển trong nước của họ với trình độ công nghệ cao thì khả năng nhập khẩu của họ sẽ giảm đi”, ông Hòe nói.
Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản Như Văn Cẩn cũng nhấn mạnh: “Các nước đầu tư vào con cá tra sẽ tạo áp lực cạnh tranh khá lớn đối với Việt Nam. Vì vậy, tới đây những vấn đề về mặt định hướng cần phải quan tâm chú trọng”. Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho rằng sản phẩm cá tra của Indonesia, Bangladesh đã tham gia vào thị trường xuất khẩu, dù mới chiếm thị phần nhỏ nhưng “họ đầu tư công nghệ cao và tăng sản lượng thì sẽ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ta”.
Về phía doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ Võ Đông Đức cũng bày tỏ những băn khoăn thực tế: “Bây giờ chúng ta không còn một mình một chợ nữa, yêu cầu đặt ra là phải thay đổi theo hướng tích cực để cạnh tranh. Chúng ta phải xác định mình đang đứng ở vị trí nào, có những mặt mạnh và yếu như thế nào để cải thiện tất cả mọi mặt từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu, tính toán lại tổ chức sản xuất”.
Như thế, ngành cá tra Việt Nam phát triển suốt 20 năm qua, có nhiều đóng góp cho đất nước đang đứng trước nhiều thách thức mới phải giải quyết. Cụ thể, xuất khẩu cá tra năm 1997 chỉ đạt 1,65 triệu USD, chiếm 0,2% tổng kim ngạch thủy sản thì đến năm 2017, đạt trên 1,7 tỉ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch thủy sản. Trong 20 năm qua cũng là thời gian sản phẩm cá tra Việt Nam độc quyền trên thị trường thế giới và nay, lợi thế ấy đang trôi qua.
Thực trạng nhiều thách thức
Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cảnh báo: “Chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỉ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm cao, hiệu quả sản xuất thấp. Ngay từ đầu năm 2018, tình hình dịch bệnh đã xảy ra trên giai đoạn cá giống ở một số địa phương sản xuất giống trọng điểm, có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp trong những tháng tiếp theo”.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá: “Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Sản phẩm cá tra đông lạnh chiếm trên 92% (phi lê, nguyên con, cắt khúc), số còn lại 8% cũng chỉ là các sản phẩm có hình thức khác hơn một ít. Chất lượng sản phẩm bị giảm sút, một số ít doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt đã lạm dụng phụ gia để tăng trọng, tỷ lệ mạ băng sản phẩm quá cao để gian lận thương mại, làm giảm chất lượng sản phẩm, giảm sút uy tín của sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế”.
Theo Tổng cục Thủy sản, vấn đề có tính quyết định để nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra là tổ chức sản xuất theo chuỗi, bắt đầu từ ao nuôi. “Tính đến ngày 30/7/2018, có 4.860 ao nuôi đã được cấp mã số nhận diện, trong đó Đồng Tháp 1.642 ao, Cần Thơ 912 ao, An Giang 791 ao, Vĩnh Long 680 ao, Bến Tre 611 ao, Tiền Giang 143 ao, Sóc Trăng 81 ao”, thống kê của Tổng cục Thủy sản.
Ba địa phương hàng đầu nuôi cá tra là Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ. Ở tỉnh Đồng Tháp, doanh nghiệp nuôi 965 ha (64,33%); hộ cá thể nuôi 535 ha (35,67%), trong đó có khoảng 80% diện tích của hộ cá thể liên kết với các doanh nghiệp. Tỉnh An Giang nuôi 897 ha, một số vùng nuôi của doanh nghiệp và hộ cá thể chưa đăng ký mã số nhận diện ao nuôi; có 2 chi hội sản xuất giống cá tra với 52 thành viên, năng lực cung cấp gần 570 triệu con cá tra giống mỗi năm. Thành phố Cần Thơ, diện tích nuôi cá tra được chứng nhận theo các tiêu chuẩn mới chiếm 39% tổng diện tích nuôi, liên kết còn ít.
Tập trung chất lượng giống
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng ngành cá tra còn nhiều tiềm năng phát triển. Hiện nay chuỗi giá trị chưa cao, tính cạnh tranh, liên kết yếu và Bộ trưởng yêu cầu cần xem giống là khâu “yết hầu”, cùng với đó là tăng cường sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.
Những nội dung Bộ trưởng Cường nêu lên, thời gian qua đã được các địa phương quan tâm. Điển hình là tỉnh An Giang có Dự án đầu tư nâng cấp Trung tâm giống Thủy sản An Giang thành trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang và Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng 3 vùng sản xuất cá tra giống tập trung với 350 ha (thành phố Long Xuyên 100 ha, thị xã Tân Châu 100 ha, huyện Châu Phú 150 ha). Tỉnh chú trọng mời gọi doanh nghiệp đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2018 đã đi vào hoạt động “Vùng nuôi trồng thủy sản công nghệ cao” tại xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành với 8,7 ha của Công ty Cổ phần Thủy sản Hà Nội - Cần Thơ. Bên cạnh là dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái của Công ty Cổ phần Đầu tư Asian Star An Giang.
Tỉnh Đồng Tháp triển khai “Đề án chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao giai đoạn 2018 – 2025” và quy hoạch vùng sản xuất giống cá tra 3 cấp với 400 ha (thị xã Hồng Ngự 100 ha, huyện Hồng Ngự 80 ha, Cao Lãnh 120 ha và Châu Thành 100 ha). Một số hộ sản xuất giống đã liên kết thành hợp tác xã thủy sản, tổ hợp tác. Đồng Tháp còn quy hoạch 68 vùng nuôi cá tra xuất khẩu tại 45 xã, thị trấn với diện tích mặt nước đến năm 2020 là 2.000 ha. Nay đã thực hiện được 64/68 vùng nuôi cá tra tại 42/45 xã, thị trấn với diện tích mặt nước 1.530 ha, đạt 76,5% diện tích quy hoạch. Trong đó, cấp mã số nhận diện 1.500 ha. Trong tỉnh có 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích 965 ha (chiếm 64% tổng diện tích nuôi cá tra).
Ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp.
Thành phố Cần Thơ có chính sách khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Đến nay, thành phố có HTX Thới An và Thắng Lợi nuôi cá tra với tổng diện tích 171 ha đã liên kết với các nhà máy chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, 8 doanh nghiệp (Biển Đông, Miền Nam, NTSF, Đồng Tâm, Agifish, Hải Sáng, Sông Hậu và Caseamex) nuôi 159,6 ha.
Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao ổn định, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi. Tại hội nghị, diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp giữa Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 2, Trung tâm giống Thủy sản An Giang, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi Cần Thơ và doanh nghiệp Mừng Liên, Tập đoàn Việt Úc.
Sáu Nghệ
Tính đến ngày 30/7/2018, diện tích thả nuôi cá tra 4.033 ha (bằng 106,1% so với cùng kỳ 2017), thu hoạch 2.335 ha (bằng 108,2% cùng kỳ) với sản lượng 814.086 tấn (bằng 114,4 % cùng kỳ). Giá cá nguyên liệu nửa đầu năm 2018 cao hơn mức trung bình năm 2017 khoảng 4.500-7.000 đ/kg; tháng 7/2018 ở mức 25.000-27.000 đ/kg tùy theo chất lượng và hình thức thanh toán.
Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra 1.198 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu với 289,8 triệu USD, chiếm 24,2% thị phần và tăng 40,6%; Hoa Kỳ đứng thứ 2 với 255,33 triệu USD, chiếm 21,3% và tăng 15,6; EU đứng thứ 3 với 139,13 triệu USD, chiếm 11,6% và tăng 16,5%. Tiếp theo là khối ASEAN, EU, Mexico, Brazil, Colombia, UAE.
Nguồn: Tổng cục Thủy sản