/ Luật sư - Bạn đọc
/ Hiến định hóa chế định chính quyền địa phương đô thị và nông thôn trong Hiến pháp năm 2013

Hiến định hóa chế định chính quyền địa phương đô thị và nông thôn trong Hiến pháp năm 2013

02/06/2025 06:53 |1 tháng trước

(LSVN) - Trong tiến trình sửa đổi, hoàn thiện Hiến pháp năm 2013, một trong những nội dung cốt lõi cần tiếp cận là việc hiến định hóa chế định chính quyền địa phương đô thị và nông thôn theo mô hình phân quyền thực chất. Điều này không chỉ nhằm khắc phục những bất cập hiện hành về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương mà còn bảo đảm tính ổn định, khả thi và hiệu lực thực thi của mô hình quản trị địa phương trong bối cảnh hội nhập và phát triển.

Yêu cầu khách quan của phân cấp, phân quyền trong quản trị nhà nước hiện đại

Trong mô hình nhà nước pháp quyền, quản trị hiện đại đòi hỏi phải phân định rõ ràng giữa chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của Trung ương và địa phương. Phân quyền thực chất sẽ thúc đẩy hiệu quả quản trị, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013, dù đã có bước tiến khi quy định tại Điều 112 rằng chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên, nhưng chưa thể hiện rõ sự phân định mô hình chính quyền địa phương theo tính chất đô thị và nông thôn. Hệ quả là các văn bản luật dưới Hiến pháp đặc biệt là Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm phải vận dụng linh hoạt theo hướng “vừa phân biệt vừa không phân biệt”, dẫn đến thực tiễn áp dụng còn nhiều lúng túng, chồng lấn hoặc không nhất quán.

Bối cảnh thực tiễn đặt ra nhu cầu thay đổi: Các đô thị như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng hay Cần Thơ có điều kiện kinh tế, hạ tầng, mật độ dân cư, tính chất quản lý hoàn toàn khác với các địa phương nông thôn miền núi, trung du. Cách thức tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, yêu cầu phân quyền, quy mô ngân sách, năng lực điều hành... đòi hỏi một mô hình tổ chức khác biệt, linh hoạt và phù hợp hơn với từng loại hình. Việc duy trì một khung tổ chức đồng nhất giữa đô thị và nông thôn là không còn phù hợp, thậm chí gây cản trở sự phát triển.

Hiến định hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo loại hình đô thị và nông thôn

Theo đó, cần sửa đổi khoản 2 Điều 111; Điều 112 của Hiến pháp để thể hiện rõ ràng việc phân biệt tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. 

Cụ thể, đề xuất sửa khoản 2 Điều 111; Điều 112 như sau:

Khoản 2 Điều 111 (sửa đổi):

Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm chính quyền địa phương đô thị và chính quyền địa phương nông thôn.

Điều 112 (sửa đổi):

Mô hình tổ chức, thẩm quyền, cơ cấu và nguyên tắc hoạt động của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn được quy định phù hợp với tính chất đặc thù của từng loại hình, do luật định.

Chính quyền địa phương có quyền tự chủ trong quản lý ngân sách, tổ chức bộ máy và ban hành các chính sách địa phương trong phạm vi luật định. Nhà nước bảo đảm cơ chế phân quyền, phân cấp thực chất giữa Trung ương và địa phương.

Bổ sung nguyên tắc phân quyền thực chất trong Hiến pháp

Hiến pháp cần bổ sung nguyên tắc phân quyền giữa Trung ương và địa phương phải được thiết kế dựa trên năng lực thực hiện, đặc điểm quản trị và nguyên tắc phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, ngân sách đi đôi với nhiệm vụ.

Thiết lập cơ chế bảo hiến đối với quyền tự chủ của chính quyền địa phương: Hiến pháp cần ghi nhận rõ địa vị pháp lý của chính quyền địa phương không chỉ là cơ quan hành chính – hành pháp, mà còn là thiết chế đại diện nhân dân địa phương với quyền lập quy trong phạm vi luật định. Qua đó, bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực hai chiều: từ Trung ương xuống và từ người dân địa phương lên.

Kết luận

Sửa đổi Hiến pháp theo hướng hiến định hóa mô hình phân quyền thực chất giữa Trung ương và chính quyền địa phương là một bước đi tất yếu, phù hợp với xu thế cải cách quản trị nhà nước hiện đại, bảo đảm hiệu quả điều hành và phát triển bền vững.

Xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 111; Điều 112 theo hướng phân định rõ chính quyền đô thị và nông thôn, gắn với cơ chế phân quyền thực chất.

Bổ sung các nguyên tắc về phân quyền, tự chủ địa phương và kiểm soát quyền lực vào phần tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp.

Trên cơ sở Hiến pháp mới, sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách nhà nước và các luật có liên quan theo hướng trao quyền chủ động, rõ ràng, có kiểm soát cho các cấp chính quyền địa phương.

Việc hiến định hóa không chỉ mang ý nghĩa pháp lý, mà còn là cam kết chính trị đối với công cuộc đổi mới thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại, kiến tạo và phát triển.

Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN

Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỒNG

Văn phòng Luật sư Nhân Chính

Các tin khác