/ Góc nhìn
/ Cán bộ ta bị làm sao vậy?

Cán bộ ta bị làm sao vậy?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Cán bộ ta bị làm sao vậy? Do tha hóa đạo đức hay quy trình bổ nhiệm, chọn lọc nhân sự có vấn đề, do bản thân thiếu tu dưỡng hay môi trường làm việc đầy cám dỗ mà dẫn đến các hành vi phạm tội hoặc băng hoại đạo đức này? Tìm ra được câu trả lời xác đáng tức là đã hạn chế được những việc tương tự tái diễn. Tất nhiên, kỷ luật cũng là một sự ngăn chặn và răn đe, song, phải tìm ra cái gốc của vấn đề thì mới triệt tiêu được cái xấu xa phần ngọn!

Ảnh minh họa.

Tròng vòng một tuần qua, liên tiếp có những vụ cán bộ lãnh đạo thuộc các địa phương khác nhau bị kỷ luật hoặc khởi tố khiến dư luận đặt câu hỏi: “Cán bộ ta bị làm sao vậy và điều gì đang xảy ra?”.

Đình đám và gây sự chú ý nhiều nhất là việc 04 lãnh đạo Sở Tư pháp Vĩnh Phúc bị kỷ luật, tạo ra “một tiền lệ chưa từng có” từ khi tỉnh này tái lập.

Cụ thể, Giám đốc Sở bị cách chức, 02 Phó Giám đốc bị buộc thôi việc, duy nhất một Phó Giám đốc còn lại bị cảnh cáo và tạm thời điều hành Sở này. Vi phạm của cán bộ này là “nghiêm trọng và rất nghiêm trọng” cả trong lĩnh vực quản lý chuyên môn lẫn tài chính, ngân sách. Có điều, theo người có thẩm quyền phát ngôn ở tỉnh này thì “chưa phát hiện dấu hiệu tham nhũng” của các cán bộ vừa bị kỷ luật với hình thức rất nghiêm khắc kể trên.

Cũng “chưa có tiền lệ” là việc xảy ra tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình. Tại đây, 08 cán bộ lãnh đạo và nhân viên bị khởi tố vì vi phạm các quy định về quản lý, trong đó, có 03 cán bộ lãnh đạo bị bắt tạm giam. Những cán bộ này đã gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào để đến nỗi “chết chùm” như vậy?

Sự việc không mới, đã cũ vì toàn “cựu” cũng gây chú ý tại Khánh Hòa. 05 cựu lãnh đạo sở (toàn sở quan trọng và đều giữ cấp phó) cùng với Phó Cục trưởng Cục Thuế bị khai trừ Đảng do sai phạm trong việc giao đất vàng tại TP. Nha Trang cho doanh nghiệp với giá rẻ.

Chuyện vừa mới, vừa cũ, người đương kim và cựu đều bị kỷ luật là cơ sự xảy ra tại Bình Thuận. Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định kỷ luật Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh này, đồng thời “xóa tư cách” của các Chủ tịch và Phó Chủ tịch tỉnh ở nhiệm kỳ trước. Vẫn là các sai phạm trong quản lý đất đai.

Dù cá biệt nhưng cũng gây chú ý là việc ông Chánh Thanh tra VKSND tỉnh Đồng Nai hành lạc ngay tại phòng làm việc trong công sở. Ông bị một phụ nữ tố hiếp dâm bà ta nhưng qua thanh tra thì kết luận chuyện quan hệ tình dục ở nơi làm việc thì có nhưng hiếp dâm thì không. Sự cố này khiến mọi người liên tưởng đến chuyện xảy ra gần đây với một vị Chủ tịch xã “mây mưa” với Hội trưởng Hội Phụ nữ xã trong giờ nghỉ trưa tại hội trường UBND xã, bị chồng bà ta bắt quả tang và quay clip ghi lại những hình ảnh đáng xấu hổ này.

Cán bộ ta bị làm sao vậy? Do tha hóa đạo đức hay quy trình bổ nhiệm, chọn lọc nhân sự có vấn đề, do bản thân thiếu tu dưỡng hay môi trường làm việc đầy cám dỗ mà dẫn đến các hành vi phạm tội hoặc băng hoại đạo đức này? Tìm ra được câu trả lời xác đáng tức là đã hạn chế được những việc tương tự tái diễn. Tất nhiên, kỷ luật cũng là một sự ngăn chặn và răn đe, song, phải tìm ra cái gốc của vấn đề thì mới triệt tiêu được cái xấu xa phần ngọn!

NHỊ NGỌC

Đâu là bức xúc của nhân dân về sách giáo khoa?

Lê Minh Hoàng