/ Góc nhìn
/ Cần chấn chỉnh việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức

Cần chấn chỉnh việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức

03/04/2022 04:17 |

(LSVN) - Hiện nay, rất nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng gửi văn bản đến các cơ quan, đơn vị thông báo về tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, công chức như quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, lãnh đạo quản lý cấp phòng, cấp sở... Điều đáng nói là việc tham gia các khóa học này thường có các điều kiện khá dễ dãi về thời gian cũng như việc kiểm tra, đánh giá, nhất là việc học ngoài giờ hành chính, học trực tuyến, làm bài kiểm tra qua mạng…

Ảnh minh họa. 

Nhiều người từng tham gia các khóa học kiểu này, kể lại rằng việc học tập khá “thoáng”, không phải học tập, nghiên cứu gì nhiều. Miễn sao người có nhu cầu đăng ký học, nộp học phí, tiền quỹ lớp đầy đủ là có chứng chỉ, chứng nhận. Thậm chí, một số cơ sở đào tạo còn thực hiện chào mời tham gia các khóa học chẳng khác gì như “tiếp thị” sản phẩm, hàng hóa trên thị trường...

Có thể nói, việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ với hình thức trực tuyến, đa dạng hình thức đào tạo, địa điểm đào tạo… là cần thiết. Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng với các điều kiện quá dễ dãi, nhất là chỉ vì mục đích lợi nhuận, thu nhập là bất hợp lý, không được phép. Bởi như vậy, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng sẽ không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu của nội dung, chương trình cần đào tạo và nhu cầu của người học.

Mặt khác, gây lãng phí, tốn kém nguồn lực của xã hội không cần thiết ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giáo dục, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ nói chung. Do đó, cấp thiết cần phải chấn chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng khá “lộn xộn” hiện nay, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Trước hết, cơ quan chức năng cần sắp xếp, tinh giảm các cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở công lập của các bộ, ngành, cơ quan trung ương... Bởi hiện hầu hết các cơ sở đào tạo của các bộ, ngành đều có chức năng đào tạo tương tự nhau như cùng đào tạo về quản lý nhà nước hoặc lãnh đạo quản lý cấp phòng, cấp sở... nên họ có thể “cạnh tranh” không lãnh mạnh để thu hút người học ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Tiếp đó, tiến hành rà soát, bãi bỏ những loại chứng chỉ, chứng nhận không cần thiết hoặc tổ chức bồi dưỡng một lần cho tất cả các ngạch, bậc mà không phân ra nhiều khóa, nhiều lớp theo từng ngạch công chức, viên chức như hiện nay. Đây là giải pháp quan trọng, căn cơ để hạn chế việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng tràn lan như hiện nay.

Bởi việc phải tham gia quá nhiều các khóa đào tạo, bồi dưỡng vừa tốn kèm thời gian, tiền bạc của người học, vừa gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội. Ngoài ra, nên giảm tối đa các đầu mối đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ cho đối tượng là cán bộ, công chức để hạn chế sự cạnh tranh, thu hút học viên không hợp lý. Đặc biệt xem xét quy định đối với cán bộ, công chức ở địa phương nào thì giao hẳn việc đào tạo, bồi dưỡng về cho các địa phương đó đảm nhận.

                                                           Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG

                                         Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Cần sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh

Admin