/ Luật sư - Bạn đọc
/ Hack camera an ninh: Người dân cần nâng cao cảnh giác

Hack camera an ninh: Người dân cần nâng cao cảnh giác

05/04/2022 07:58 |

(LSVN) - Theo Luật sư, nếu không có sự vào cuộc khẩn trương của cơ quan chức năng thì hành vi hack camera an ninh không chỉ xâm phạm hình ảnh đời tư cá nhân, mà các đối tượng còn dùng các thông tin có được để thực hiện hành vi tội phạm khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tống tiền… gây rối an ninh trật tự trên không gian mạng và đời sống.

Các video clip nhạy cảm được hack từ camera tại nhà riêng. Ảnh: TNO.

Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng các clip nhạy cảm từ việc hack camera an ninh được rao bán tràn làn trên mạng xã hội. Thông tin từ báo chí phản ánh, các video, clip nhạy cảm này được rao bán với giá từ 200.000 - 750.000 đồng/tháng cho một tài khoản để được tham gia các nhóm VIP, chuyên cung cấp những clip hack được từ các camera an ninh cá nhân và tổ chức. Theo đó, sau khi người dùng mua thuê bao tài khoản, được các đối tượng hướng dẫn tải ứng dụng theo dõi camera thông qua điện thoại từ xa, để "xem trực tiếp các camera đã bị hack". Ngoài ra, những clip hướng dẫn hack camera nhà riêng cũng đã được đăng tải công khai trên mạng xã hội.

Chỉ cần một từ khóa “hack camera”, rất dễ dàng tìm thấy hàng loạt các clip hướng dẫn cách hack xem camera an ninh của người khác trên mạng. Hay những đoạn video với nội dung chủ yếu hướng dẫn người dùng cài đặt và sử dụng phần mềm, các trang web để hack địa chỉ IP và mật khẩu camera của người khác với nội dung tiêu đề: “Hướng dẫn hack camera”, “Cách xem camera người khác bằng điện thoại, xem trực tiếp camera người khác”, “Cách hack camera đơn giản bằng điện thoại”…

Đáng nói, những clip này đều nhận được đông đảo lượt theo dõi, từ vài chục cho đến vài trăm nghìn lượt xem với hàng chục bình luận. 

Vậy, pháp luật hiện nay quy định thế nào về vấn đề này? Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, việc rao bán các hình ảnh, clip hack được từ các camera an ninh của các cá nhân và tổ chức là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tới quyền và lợi ích của cá nhân và tổ chức.

Theo Luật sư, có 02 chế tài xử lý cho hành vi này gồm: Chế tài xử phạt hành chính và xử lý hình sự. Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm hình ảnh, đời tư cho cá nhân và tổ chức bị xâm phạm.

Đối với những hành vi có tính chất, mức độ và hậu quả chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì đối tượng rao bán các hình ảnh, clip hack được từ các camera, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020 của Chính phủ.

Tuy nhiên, nếu hành vi của các đối tượng có tính chất, mức độ và gây ra hậu quả lớn, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự thì các đối tượng này sẽ phải đối diện với các tội danh như: Tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" quy định tại Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt lên đến 07 năm tù; Tội "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiễn điện tử của người khác" quy định tại Điều 289, Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt lên tới 12 năm tù.

Bên cạnh đó, nếu những hình ảnh, clip các đối tượng mua bán, sử dụng, lan truyền nhằm mục đích bôi nhọ nhân phẩm, danh sự người khác thì sẽ bị xử lý về tội "Làm nhục người khác" quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt lên tới 05 năm tù.

Về việc rao bán, mua bán, lan truyền hình ảnh, clip được hack từ các camera an ninh chỉ bị xử lý về hành vi lan truyền văn hóa phẩm đồi trụy khi những clip, hình ảnh các đối tượng mua bán, lan truyền đó là những hình ảnh, clip nóng, khỏa thân có tính chất đồi trụy thì các đối tượng sẽ bị xử lý thêm về tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" quy định tại Điều 326, Bộ luật Hình sự 2015 hình phạt lên đến 10 năm tù.

Luật sư Khuyên cho rằng, nếu không có sự vào cuộc khẩn trương của cơ quan chức năng thì hành vi hack camera an ninh không chỉ xâm phạm hình ảnh đời tư cá nhân, mà các đối tượng còn dùng các thông tin có được để thực hiện hành vi tội phạm khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tống tiền… gây rối an ninh trật tự trên không gian mạng và đời sống. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức khi bị các đối tượng xấu hack camera hoặc dùng thủ đoạn khác xâm phạm hình ảnh, clip thì cần tố giác ngay đến Cơ quan chức năng để kịp thời xử lý và ngăn chặn hành vi xâm phạm đó. 

TRẦN QUÝ

Đối tượng đốt khu trọ ở Phú Đô có thể đối mặt với nhiều tội danh

Lê Minh Hoàng