Cấp giấy phép lái xe hạng A0 cho người trên 16 tuổi: Liệu có cần thiết?

07/07/2020 00:48 | 3 năm trước

(LSO) - Cấp giấy phép cho người trên 16 tuổi là rất hữu ích đối với các em học sinh, được trang bị kiến thức an toàn giao thông từ sớm sẽ giúp các em tham gia giao thông một cách an toàn, cùng với đó sẽ hạn chế đi các vụ tại nạn không đáng tiếc xảy ra; đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến, trong đó quy định người trên 16 tuổi điều khiển xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW bắt buộc phải có giấy phép lái xe hạng A0.

Quy định này đang nhận được sự quan tâm của nhiều người dân, nhất là phụ huynh học sinh THPT và ngành chức năng.

Ảnh minh họa.

Đánh giá về quy định này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng, hiện nay điểm a khoản 1 Điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: "Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe máy có dung tích xilanh dưới 50cm3". Quy định này theo nhiều người là chưa đáp ứng được nhu cầu và thực tế tham gia giao thông do đó, Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) theo hướng:

Người 16 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A0. Hạng A0 cấp cho người lái xe máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xilanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A0 phải thực hiện tại các trung tâm sát hạch lái xe; các khu vực khác được thực hiện tại các sân sát hạch có sử dụng thiết bị chấm điểm tự động.

Luật sư Cường cho rằng dự thảo này vừa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tế giao thông vừa phù hợp với các quy định của Công ước Vienna.

Hiện nay, học sinh THPT chạy xe đạp điện, xe máy để đi đến trường là rất phổ biến. Việc sử dụng xe đạp điện, xe máy thay vì sử dụng xe đạp để đến trường như trước đây sẽ khiến các em học sinh thuận tiện, bớt mệt mỏi. Tuy nhiên để thuần thục, để lái xe an toàn, làm chủ chiếc xe của mình, thực hiện đúng quy tắc tham gia giao thông thì không phải học sinh nào cũng làm được. Rất nhiều em tham gia giao thông nhưng không hiểu quy tắc, không hiểu ý nghĩa các biển báo và chỉ dẫn. Một chiếc xe đạp điện, xe máy có thể đạt tới tốc độ lên đến 30 km/h thậm chí hơn do đó đây cũng là một nguồn nguy hiểm tiềm tàng.

Trong khi đó thực tế cũng ghi nhận hiện nay tai nạn giao thông xảy ra liên tục, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi 16-18 (học sinh THPT). Bậc THPT hiện có 52% học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy nhưng các em lại không có giấy phép lái xe, đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Không phải học sinh nào cũng chấp hành, tuân thủ đúng luật an toàn giao thông mà có rất nhiều học sinh vô tư không đổi mũ bảo hiểm, đi sai làn, sang đường không bật xi nhan, vượt đèn đỏ, đi với tốc độ cao ở các ngã rẽ các ngõ nhỏ. Việc để cho học sinh sử dụng chiếc xe với vận tốc 30 km/h mà không yêu cầu giấy phép lái xe thì các em chưa đủ kiến thức về an toàn giao thông để chấp hành luật an toàn giao thông và nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Chính vì thế, cấp giấy phép cho người trên 16 tuổi là rất hữu ích đối với các em học sinh, được trang bị kiến thức an toàn giao thông từ sớm sẽ giúp các em tham gia giao thông một cách an toàn, cùng với đó sẽ hạn chế đi các vụ tại nạn không đáng tiếc xảy ra; đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

Vì vậy, dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) bổ sung các quy định học sinh trên 16 tuổi khi điều khiển xe máy có dung tích xilanh dưới 50cm3 hoặc phương tiện có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW phải có giấy phép lái xe hạng A0 là cần thiết và đáp ứng yêu cầu thực tế.

Bất cập, khó khăn trong việc xử phạt trường hợp dưới 16 tuổi đi xe trên 50cc

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp
.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, trên thực tế, việc người dưới 16 tuổi sử dụng các loại xe trên 50cc rất là nhiều, trên các tuyến giao thông đường bộ chúng ta vẫn thường thấy hàng ngày.

Pháp luật hiện nay nghiêm cấm người dưới 16 tuổi được phép tham gia giao thông, và có những hình phạt cụ thể đối với trường hợp có tình vi phạm. Tuy nhiên, dù pháp luật nghiêm cấm hình thì thực tế người dưới 16 tuổi sử dụng những chiếc xe trên 50cc tham gia giao thông vẫn cứ diễn ra. Để giải thích cho việc này thì có ba nguyên nhân chủ yếu:

- Việc kiểm soát tuần tra, phát hiện, xử lý của các cán bộ giao thông còn chưa chặt chẽ vẫn để hở những trường hợp sử dụng trái pháp luật lọt ra ngoài. Khi gia đình và các em học sinh nhận thấy việc tham gia giao thông không bị xử phạt thì cứ thực hiện hành vi vi phạm.

- Tâm lý của nhiều phụ huynh và học sinh có điều kiện không quá quan tâm đến hình phạt vì khá nhẹ.

Theo điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019NĐ-CP, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với hành vi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.

Điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô khi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).

- Sự dung túng, nuông chiều, bao che, thiếu nghiêm khắc của nhiều bậc phụ huynh.

Kiến nghị một số biện pháp để luật phải nghiêm đúng luật, chứ không phải chỉ là hình thức

Hiện nay dự thảo này vấp phải một số ý kiến quan điểm không đồng tính của phụ huynh học sinh. Nhiều người cho rằng việc học lấy bằng A0 mất thời gian, học sinh phải cân đối việc học ở trường và học đi lấy bằng, tốn kém chi phí, trong khi chỉ sử dụng được 1,2 năm rồi đến năm 18 tuổi lại phải thi lấy bằng A1.

Các quan điểm này cũng có một phần hợp lý, do đó để dự thảo đi vào đời sống và được người dân đón nhận, tuân thủ thì nên nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số nội dung phù hợp. Cụ thể là thời gian học luật an toàn giao thông để thi lấy bằng sẽ ra sao, giáo trình học cần đáp ứng những nội dung tiêu chí nào, chi phí bao nhiêu thì hợp lý, nếu đã có bằng A0 thì khi thi lấy bằng A1 có được ưu tiên hơn về thời gian, chi phí không? Những vấn đề này phải nghiên cứu cụ thể để tránh gây lãng phí thời gian, chi phí của người dân cũng như sự chồng chéo của các thủ tục hành chính, Luật sư Cường kiến nghị.

THANH THANH

/thu-tuc-xin-cong-nhan-phan-dien-tich-dat-tang-len-so-voi-dien-tich-dat-tren-gcnqsdd.html
/chuyen-viec-sat-hach-cap-giay-phep-lai-xe-cho-bo-cong-an-phu-trach-lieu-co-khach-quan.html