Chủ tịch EuroCham: EVFTA là thỏa thuận mà cả Việt Nam và EU đều thắng

02/08/2020 04:37 | 3 năm trước

(LSO) – Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham là một tổ chức đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Khi quá trình đàm phán hiệp định được bắt đầu vào năm 2012, EuroCham đã đồng hành cùng EVFTA trong suốt các vòng đối thoại.

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham. Ảnh: Theleader.

Khi thỏa thuận chính thức kết thúc đàm phán năm 2015, Hiệp hội này đã vận động mạnh mẽ, thuyết phục các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu về những lợi ích của thỏa thuận thương mại, rằng hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) không chỉ gói gọn trong các hoạt động đầu tư thương mại mà cải thiện sinh kế, mức sống và mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân Việt Nam.

Hiệp định này sẽ cho phép doanh nghiệp châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam cũng như có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh. Trong khi đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu.

Từ trước ngày Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA, ngày 30 tháng 6 năm 2019, thực hiện cuộc phỏng vấn với Tạp chí Theleader, ông Nicolas Audier, vị đồng Chủ tịch EuroCham nhận định EVFTA mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà cả vấn đề phúc lợi, tiền lương và mức sống của hàng triệu người Việt Nam.

Không chỉ vậy, EVFTA còn làm được nhiều hơn việc tăng đầu tư và thương mại song phương. Hiệp định là một thỏa thuận có lợi cho cả Việt Nam và EU, đây là một trong những thỏa thuận toàn diện nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển.

Khi được phê chuẩn và triển khai, EVFTA sẽ giúp giảm thuế quan và các rào cản thương mại, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam.

Ông Nicolas Audier cho biết, theo khảo sát 1.000 thành viên của hiệp hội về những tác động của hiệp định đối với doanh nghiệp, “các thành viên đã cho thấy phản hồi rất tích cực, tỏ ra lạc quan về những tác động lên hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam”.

Cụ thể, 79% thành viên khẳng định EVFTA sẽ tác động tích cực tới kế hoạch kinh doanh trung hạn. Nhìn xa hơn, con số thậm chí còn ấn tượng hơn với 85% cho rằng thỏa thuận sẽ tạo nên tác động tích cực tới kế hoạch kinh doanh dài hạn.

“Tuy nhiên, EVFTA sẽ còn làm được nhiều hơn việc tăng đầu tư và thương mại song phương”, vị đồng Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Ông nhận định EVFTA sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa khung pháp lý, tăng cường môi trường thương mại và đầu tư, cải thiện các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, đặc biệt là với thực phẩm, và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Điều này được đánh giá là sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà cả vấn đề phúc lợi, tiền lương và mức sống của hàng triệu người Việt Nam.

Khi được phê chuẩn và triển khai, EVFTA sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Đặc biệt, dệt, may mặc hay da giày được xem là những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này.

Chỉ riêng lĩnh vực may mặc được dự đoán tăng trưởng 200% so với mức cơ sở năm 2007, theo Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu MUTRAP.

“Tuy nhiên, để mở khóa toàn bộ lợi ích của EVFTA, xuất khẩu từ Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao để tiếp cận được thị trường tiêu dùng có mức tiêu dùng cao của châu Âu”, đại diện EuroCham nhận định.

Ví dụ, Việt Nam bán một lượng hải sản đáng kể cho châu Âu nhưng sản phẩm này sẽ phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của EU xung quanh vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý.

EU cũng đã đề xuất lệnh cấm đối với các mặt hàng nhựa sử dụng một lần ở tất cả các quốc gia thành viên. Vì vậy, các công ty sản xuất những sản phẩm này cần xem xét điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để tận dụng các xu hướng mới trong tiêu dùng hiện nay.

May mặc là một trong những lĩnh vực được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Ảnh: Theleader.

Ngoài thương mại, EVFTA sẽ thúc đẩy đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, từ cả các công ty lâu năm và cả các công ty mới gia nhập thị trường đang phát triển nhanh chóng này.

“Trong báo cáo mới nhất của chúng tôi về EVFTA, 80% thành viên nói rằng thỏa thuận này sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, 72% thành viên của chúng tôi đồng ý rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm để các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường ASEAN”, ông Nicolas Audier cho biết.

Ông khuyến nghị, để tận dụng tốt nhất nguồn vốn này, Chính phủ có thể thực hiện một số biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Ông Nicolas Audier cho rằng, thương mại toàn cầu hiện đang đứng trước những bước ngoặt. Rào cản và thuế quan đang ngày càng lan rộng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc áp đặt hàng tỷ USD thuế mới đối với hàng ngàn mặt hàng từ ô tô đến nguyên liệu, thực phẩm.

Tuy nhiên, ba thập kỷ qua đã chỉ ra rằng chủ nghĩa bảo hộ không tốt cho kinh doanh và người tiêu dùng khi làm tăng chi phí thương mại, làm cho hàng hóa và dịch vụ kém phải chăng hơn và gây ảnh hưởng xấu tới vấn đề việc làm và tăng trưởng kinh tế trong quá trình này.

Trong khi đó, thị trường mở thúc đẩy thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Thương mại tự do giúp đôi bên cùng có lợi đúng nghĩa, khi mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chi phí thấp hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa và dịch vụ.

“Do đó, để nối tiếp những thành công có được trong ba thập kỷ qua, Việt Nam nên tiếp tục duy trì thương mại tự do, thị trường mở và tự do hóa như đã làm từ thời cải cách đổi mới. Châu Âu, với cam kết không ngừng đối với thương mại tự do, là đối tác lớn của Việt Nam trong lĩnh vực này”, vị đồng Chủ tịch EuroCham khẳng định.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU tại khu vực ASEAN với giá trị trao đổi đạt 49,3 tỷ Euro đối với hàng hóa và hơn 3 tỷ Euro đối với dịch vụ.

EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

LÊ HÙNG (t/h)

/chau-au-dung-truoc-nguy-co-lan-song-covid-19-thu-hai.html