Chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an phụ trách: Liệu có khách quan?

04/07/2020 03:38 | 3 năm trước

(LSO) - Dự thảo Luật Giao Thông đường bộ sửa đổi đang được lấy ý kiến đánh giá rộng rãi, trong đó một số quy định có tác động, ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Cụ thể, có một đề xuất mới rất đáng chú ý, đó là chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an phụ trách, thay vì Bộ GTVT như hiện nay. Vậy việc này liệu có đảm bảo sự khách quan không?

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp), trước đây việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từng giao cho ngành công an phụ trách, sau đó chuyển về cho ngành giao thông vận tải, nay lại đề xuất quay lại với ngành công an. Điều này sẽ kéo theo nhiều vấn đề phát sinh, do đó phải có những cơ sở khoa học thực sự thuyết phục thì mới có thể thực hiện trên thực tế.

Hiện nay Bộ Công an cho rằng việc sát hạch, cấp GPLX do ngành giao thông vận tải quản lý hiện còn nhiều kẽ hở, lỏng lẻo nên cần chuyển thẩm quyền. Tuy nhiên cần nghiên cứu xem khi chuyển thẩm quyền về cho ngành công an thì có đảm bảo sẽ không có những hạn chế tương tự? Nếu có kẽ hở thì việc cần thiết nhất bây giờ là phải nghiên cứu xử lý từng khâu.

Luật sư Cường cho rằng, nếu Bộ GTVT có phương án thanh tra, kiểm tra, đưa ra các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như sát hạch GPLX, khắc phục những tồn tại về chất lượng giáo viên, giảng dạy, hậu kiểm thì không cần phải chuyển thẩm quyền. Thực tế thì hoạt động sát hạch, cấp GPLX là quản lý hành chính nhà nước. Nếu thay đổi thẩm quyền thì có thể phát sinh nhiều vấn đề như đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí… Trong khi đó hiện nay nhân lực, vật lực của ngành giao thông đã được trang bị đầy đủ để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp).

Việc quan trọng nhất của đào tạo, sát hạch GPLX là chất lượng đầu ra của học viên và ý thức tham gia giao thông của họ. Cho dù cơ quan nào quản lý việc cấp GPLX và đào tạo lái xe đi nữa thì việc tổ chức sát hạch được thực hiện thế nào mới là quan trọng. "Với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp GPLX, đăng kiểm, xử phạt…, thì theo tôi nếu có quy định chặt chẽ về việc kiểm tra, phối hợp giữa các cơ quan chức năng thì có thể xử lý được bất cập trong việc cấp GPLX, tránh chồng chéo cấp GPLX lại cho trường hợp GPLX đang bị tạm giữ", Luật sư Cường bày tỏ quan điểm.

Việc thay đổi hay điều chỉnh thì cần có sự đánh giá về ưu và nhược điểm cũng như lấy ý kiến sự đánh giá từ các cơ quan nhà nước, ý kiến của các cơ quan ban ngành, cá nhân, tổ chức xem đơn vị nào quản lý là phù hợp nhất, xem xét tính khả thi trên thực tế từ đó mới có thể có phương án nên chuyển hay không.

Dự thảo Luật Giao Thông đường bộ sửa đổi vẫn đang được lấy ý kiến đánh giá rộng rãi.

THANH THANH

/de-xuat-mien-giam-hoc-phi-doi-voi-con-em-cong-nhan-bi-mat-viec-ngung-viec-do-anh-huong-boi-covid-19.html