Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án phạt tù

26/04/2024 23:25 | 1 tuần trước

(LSVN) - Hiện nay, việc thi hành án phạt tù (THAPT) đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều cơ quan tiến hành tố tụng. Trước tiên, việc THAPT đòi hỏi phải có quyết định THAPT của Chánh án đã xét xử sơ thẩm, do vậy, yêu cầu đầu tiên là Tòa án phải có quyết định thi hành án kịp thời để đưa bản án đã có hiệu lực ra thi hành.

Ảnh minh họa.

1. Thực trạng về cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án phạt tù

Thực trạng về thực hiện thẩm quyền thi hành án phạt tù của Tòa án 

Hiện nay, việc thi hành án phạt tù (THAPT) đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều cơ quan tiến hành tố tụng. Trước tiên, việc THAPT đòi hỏi phải có quyết định THAPT của Chánh án đã xét xử sơ thẩm, do vậy, yêu cầu đầu tiên là Tòa án phải có quyết định thi hành án kịp thời để đưa bản án đã có hiệu lực ra thi hành.

Theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, thời hạn ra quyết định thi hành án là bảy ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm. Vì vậy, việc ra quyết định thi hành án có đúng thời hạn hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào thời gian chuyển giao bản án giữa các bộ phận của Tòa án. Việc chuyển giao bản án hình sự sang bộ phận thi hành án hình sự (THAHS) hiện nay tại các Tòa án áp dụng khác nhau, có Tòa án các bản án hình sự sơ thẩm sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án có hiệu lực pháp luật Tòa hình sự (hoặc bộ phận xét xử) chuyển các bản án này cho bộ phận thi hành án để ra quyết định, nhưng có Tòa án lại do bộ phận quản lý hồ sơ sau xét xử thuộc Văn phòng Tòa án chuyển và có Tòa án sau khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị chuyển toàn bộ các bản án đã xét xử sơ thẩm cho bộ phận thi hành án vào sổ theo dõi thi hành án và ra quyết định thi hành án. Song, lại có Tòa án chỉ chuyển cho bộ phận thi hành án những bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật và trong trường hợp này bộ phận thi hành án chỉ theo dõi được những bản án được giao còn có bỏ sót, bỏ lọt bản án nào hay không thì không thể biết được.

Việc ra quyết định THAHS trong đó có THAPT, phần lớn các Tòa án cấp sơ thẩm đều ra quyết định thi hành án đúng quy định đối với hình phạt chính. Tuy nhiên, còn một số Tòa án; nơi không có trại giam, đối với những vụ án có nhiều bị cáo, nếu có một bị cáo hoặc một số bị cáo trong vụ án có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị thì bản án đó bị để lại chờ kết quả xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo không có kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị với lý do là theo yêu cầu của cơ quan Công an; nếu Tòa án ra quyết định thi hành án đối với các bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị thì cơ quan Công an phải chuyển bị án đó đến trại giam để chấp hành hình phạt, việc trích xuất để xét xử phúc thẩm sẽ rất phức tạp về thủ tục và điều kiện thực hiện. Việc không ra quyết định thi hành án nói trên là vi phạm quy định tại Điều 364 BLTTHS năm 2015, nhưng nếu ra quyết định thi hành án thì gây khó khăn cho việc xét xử phúc thẩm.

Thực trạng về thực hiện thẩm quyền THAPT của VKSND

Thực hiện các quy định của pháp luật về việc tạm giữ, tạm giam và THAHS, thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý giam giữ, cơ quan THAHS cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định của BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015, Luật THAHS năm 2019, quy chế về tạm giữ tạm giam, góp phần tích cực trong việc đấu tranh có hiệu quả với các loại vi phạm, tội phạm; góp phần giữ vững trật tự trị an, an toàn xã hội trên cả nước. Phạm nhân chấp hành án phạt tù đều đảm bảo tương đối tốt về trình tự, thủ tục thi hành án và theo quy định của pháp luật; các quyền và lợi ích của người THAHS được đảm bảo và giải quyết kịp thời theo đúng quy định. Công tác quản lý người bị tạm giữ tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam trên cả nước được tăng cường và quan tâm hơn trước; có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất, một số nơi đã được đầu tư, phần nào giảm bớt áp lực cho công tác quản lý giam giữ. 

Mặc dù vậy, còn một số tồn tại trong công tác này như: Người bị tạm giam thiếu thủ tục chuyển đi chấp hành án tại các trại giam thuộc trách nhiệm của cơ quan Công an. Một số trại tạm giam chưa kịp thời lập danh sách báo cáo Cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh đề nghị đưa người bị kết án phạt tù (đang bị tạm giam đã đủ thủ tục thi hành án) đi chấp hành án; còn để thiếu thủ tục như: Hồ sơ thiếu lý lịch bị can, thiếu danh chỉ bản, thiếu quyết định truy nã, biên bản bàn giao hồ sơ và không xác định tình trạng sức khỏe... Chậm làm thủ tục chuyển đi thi hành án, chậm áp giải và chậm truy nã còn xảy ra ở nhiều nơi, cho thấy biện pháp tác động và cơ chế phối hợp giữa các khâu công tác nghiệp vụ và các cơ quan hữu quan chưa đủ mạnh, chưa đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa nên hiệu quả của khâu công tác này còn hạn chế.

Đối với cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS: Vi phạm xảy ra chủ yếu trong công tác quản lý và tổ chức giam giữ, trong thực hiện chế độ, chính sách cơ quan tiến hành tố tụng như: chưa chấp hành đúng thời hạn tạm giam; chậm ra quyết định tạm giam để đảm bảo thi hành án, chậm ra quyết định thi hành án và chậm gửi các quyết định... Như vậy, công tác kiểm sát THAPT của VKSND vẫn còn lỏng lẻo, chưa thực hiện hết chức năng nhiệm vụ của mình.

Thực trạng thi hành án phạt tù đối với người bị kết án phạt tù

Thực trạng đưa người có bản án phạt tù đi THAPT

Hiện nay, số lượng người bị kết án tù có xu hướng tăng, hàng ngàn người bị kết án tù nhưng với nhiều lý do đã không đi chấp hành án phạt tù ở trại giam. Số lượng người bị kết án tù sau khi Tòa tuyên án chưa bị bắt giam hoặc được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án nhiều nhưng cũng chưa được quản lý và theo dõi chặt chẽ, nên nhiều đối tượng sau khi có quyết định thi hành án đã bỏ trốn hoặc đi cư trú ở địa phương khác, có đối tượng tiếp tục phạm tội.

Pháp luật quy định mức tối thiếu của hình phạt tù là 03 tháng, dựa trên cơ sở cho rằng phạt tù là hình phạt nghiêm khắc, nên việc tước tự do thân thể của một người ở mức độ đó là đủ nghiêm khắc để người phạm tội phải trả giá cho hành vi của mình. Tuy nhiên, từ góc độ tổ chức thi hành án và mục đích hình phạt thì thời hạn đó là khó hợp lý, vì mục đích quan trọng hơn của hình phạt là cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa chung, thì với thời hạn chấp hành hình phạt tù ngắn ngủi như vậy sẽ rất khó đạt được và việc tổ chức thi hành hình phạt tù đòi hỏi phải có thời gian vì thủ tục rất phức tạp, kéo dài. Vì vậy, sẽ là thiếu hợp lý khi cơ quan tiến hành tố tụng bỏ ra một thời gian tương đối dài chỉ để thi hành một quyết định mà hiệu quả không cao.

Tòa các cấp còn chậm chuyển giao bản án và quyết định thi hành án cho VKSND cùng cấp, người bị kết án, nhà tạm giữ, trại tạm giam quản lý người bị kết án, cơ quan THAHS và chính quyền địa phương nơi cư trú của người bị kết án. Tòa còn chậm tổng hợp hình phạt cho người bị kết án có nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật; có những trường hợp hết thời gian hoãn thi hành án nhưng tòa chậm ra quyết định thi hành án. Chưa kể nhiều bản án, quyết định thi hành án có sai sót cần phải đính chính; quyết định THAHS không nêu căn cứ của Luật THAHS...

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người chấp hành án tại địa phương đi khỏi nơi cư trú hoặc bỏ trốn nhưng Ủy ban nhân dân (UBND) không thông báo kịp thời đến công an cùng cấp. Có trường hợp hết thời gian thử thách nhưng UBND chậm thông báo đề nghị cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt hoặc không có biện pháp giáo dục, hướng dẫn người chấp hành án. Có trường hợp UBND giao cho cảnh sát khu vực trực tiếp giám sát người chấp hành án tại địa phương, trong khi theo luật, công an chỉ có trách nhiệm tham mưu, còn UBND phải phân công cán bộ chuyên trách thực hiện việc giám sát, giáo dục người chấp hành án...

Thực trạng hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, miễn chấp hành án phạt tù

Về thực hiện các quy định hoãn, tạm đình chỉ, miễn chấp hành hình phạt tù: Các quy định về hoãn THAPT tại Điều 67 BLHS; tạm đình chỉ THAPT tại Điều 68 BLHS; miễn chấp hành án phạt tù tại Điều 62 BLHS 2015 đã thể hiện chính sách nhân đạo để những người bị kết án lập công lớn hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo được hưởng chính sách ân huệ đặc biệt nhằm giúp họ và gia đình vượt qua khó khăn và có điều kiện để chữa bệnh tốt hơn. Trong thực tiễn vẫn có tình trạng lợi dụng quy định này để hoãn chấp, tạm đình chỉ, miễn chấp hành hình phạt tù không đúng quy định.

Việc xét giảm án đều được bảo đảm đúng điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai trong phạm nhân nên không có khiếu nại, tố cáo sai phạm trong công tác này. Tuy nhiên, về trình tự thủ tục giảm, miễn, tạm đình chỉ thời hạn chấp hành án phạt tù vẫn còn một số bất cập như:

- Luật THAHS chưa quy định Tòa án có trách nhiệm gửi quyết định hoãn THAPT cho UBND xã, phường, thị trấn để quản lý người bị kết án được hoãn thi hành án, chính vì vậy đã dẫn đến tình trạng UBND xã, phường, thị trấn không quản lý được các đối tượng hoãn thi hành án; một số đối tượng phải chấp hành án về cư trú tại địa phương phần lớn đi làm ăn nơi khác do vậy khi triệu tập đến cơ quan thi hành án để nhận bản án, quyết định thi hành án gặp khó khăn và thường chậm theo quy định của pháp luật.

- BLTTHS và Luật THAHS quy định về thủ tục để xét hoãn chấp hành hình phạt tù chưa cụ thể, thời gian chờ kết quả giám định pháp y và kết quả xác minh tại địa phương thường kéo dài, dẫn tới việc giải quyết án của các tòa không bảo đảm đúng thời hạn quy định.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án phạt tù

Hoàn thiện các chế định về miễn trách nhiệm hình sự; miễn, giảm hình phạt; xóa án tích nhằm tạo điều kiện cho người bị kết án, nhất là người phạm tội bị kết án phạt tù có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Trước hết, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn các điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự, đồng thời nghiên cứu mở rộng hơn nữa các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, đối với chế định miễn, giảm hình phạt, cần nghiên cứu quy định cụ thể hơn điều kiện được miễn hình phạt (ví dụ như: chỉ áp dụng khi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng nhằm tránh việc lạm dụng); sửa đổi, bổ sung qui định về miễn chấp hành toàn bộ hình phạt (khoản 2 Điều 62 BLHS 2015) theo hướng mở rộng áp dụng đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; sửa đổi một số quy định về miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo hướng quy định cụ thể trường hợp thời hạn được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù bằng hoặc dài hơn thời hiệu thi hành án, việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù chung thân, tử hình. Ngoài ra, cần nghiên cứu, đề xuất bổ sung chế định chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện nhằm tạo cho phạm nhân có cơ hội được trở về với cộng đồng sớm hơn nhưng phải chịu sự giám sát của chính quyền cơ sở khi về sinh sống tại cộng đồng, điều này góp phần hạn chế khả năng tái phạm của họ. Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung thêm qui định về xóa án tích đối với trường hợp phạm nhiều tội, trong đó có cả tội thuộc nhóm đương nhiên được xóa án tích và có cả tội thuộc nhóm xóa án tích theo quyết định của Tòa án; xóa án tích đối với người bị kết án tù chung thân, tử hình khi được ân giảm;...

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và vấn đề đặt ra