Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự

06/05/2024 20:56 | 1 tuần trước

(LSVN) - Một trong những vấn đề quan trọng trong giải quyết các vụ án hình sự đó chính là phần dân sự liên quan tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại và quyền yêu cầu giải quyết trong một vụ án hình sự của bị hại do tội phạm gây ra nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Tuy nhiên, để xem xét giải quyết phần trách nhiệm dân sự và các thỏa thuận giữa các bên trong cùng một vụ án có phù hợp hay không thì còn có nhiều quan điểm áp dụng chưa thống nhất trên thực tiễn.

Ảnh minh họa.

Theo Điều 30, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Như vậy, theo nguyên tắc trên, thì phần dân sự trong vụ án hình sự bao giờ cũng phải được giải quyết cùng với xem xét về phần hình sự trong cùng vụ án hình sự. Chỉ được tách để giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự bằng một vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu, nếu “chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự”. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử còn nhiều quan điểm giải quyết khác nhau đối với vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Chẳng hạn như vụ án sau:

Để có tiền trả các khoản vay và tiêu xài cá nhân, A. vay tiền của bà Nguyễn Thị L. Thời gian đầu A. trả đầy đủ tiền gốc, lãi. Đến tháng 04 năm 2022, A. nói với bà L. cần vay tiền để đáo hạn ngân hàng Công thương. Do tin tưởng nên bà L. đồng ý cho A. vay 2.920.000.000 đồng và A. viết giấy mượn tiền đến ngày 08/4/2022, thể hiện mục đích vay để đáo hạn tại Vietinbank. Đến hẹn bị bà L. đòi, A. không trả mà nhờ người viết giấy biên nhận nợ nội dung là người này vay tiền của A để đáo hạn ngân hàng nhưng ngân hàng đang ngưng cho vay nên chưa có tiền trả cho A. A. tiếp tục viết giấy cam kết trả đầy đủ tiền cho bà L. Đến hẹn A. không trả tiền mà bỏ trốn, cắt đứt liên lạc với bà L.

Quá trình điều tra A. đã trả được cho bà L. 300.000.000 đồng, còn số tiền chưa trả là 2.620.000.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo A. và bị hại Nguyễn Thị L. thống nhất thỏa thuận bà L. xóa khoản nợ 2.620.000.000đ cho A., đề nghị Tòa ghi nhận.

Tòa sơ thẩm kết án bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự và ghi nhận sự tự nguyện của bà Nguyễn Thị L. không yêu cầu bị cáo A. phải bồi thường số tiền 2.620.000.000 đồng.

Bà L kháng cáo đề nghị Tòa án buộc A. phải trả nợ bà số tiền 2.620.000.000 đồng, vì lý do: Tại phiên tòa sơ thẩm, A. hứa sẽ sang nhượng ki-ốt số 2 đường Trương Công Định. Ki-ốt này trước đây bị cáo thuê của Trung tâm quản lý nhà đất thành phố nhưng đã chấm dứt hợp đồng năm 2021. Bị cáo không thông báo mà cố tình lừa dối, hứa sang nhượng cho bà để bà xóa nợ.

Giải quyết vụ án trên tại cấp phúc thẩm có những quan điểm sau:

Quan điểm thứ nhất: Không chấp nhận kháng cáo của bị hại bà L., vì: Tòa sơ thẩm ghi nhận thỏa thuận tự nguyện của các bên, từ đề nghị của các bên là đúng pháp luật. Thỏa thuận sang nhượng, đối trừ giữa bị cáo với bị hại là quan hệ pháp luật dân sự khác, không nằm trong phạm vi giải quyết của vụ án này.

Quan điểm thứ hai: Có dấu hiệu cho thấy bị cáo tiếp tục có hành vi gian dối, lừa bị hại để được bị hại xóa nợ. Do việc xóa nợ này chính là giải quyết trách nhiệm bồi thường đối với số tiền chiếm đoạt, là phần dân sự của vụ án hình sự nên cần phải hủy bản án sơ thẩm về phần trên để điều tra làm rõ và xét xử lại, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị hại.

Quan điểm thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả): Có dấu hiệu bị cáo tiếp tục lừa dối bị hại, do đó cần phải giải quyết lại phần trách nhiệm bồi thường của vụ án. Tuy nhiên, việc ghi nhận thỏa thuận ngoài việc tuân theo thủ tục tố tụng hình sự (ghi nhận trong bản án), thì về bản chất chính là việc Tòa án công nhận sự thỏa thuận của các bên. Theo Điều 213, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thỏa thuận này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; chỉ có thể kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa… Do vậy, để giải quyết vụ án trên đúng pháp luật thì Tòa phúc thẩm không xem xét phần trách nhiệm dân sự về thỏa thuận này, mà kiến nghị cấp có thẩm quyền giám đốc thẩm để xét xử lại.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, rất mong nhận được ý kiến trao đổi, góp ý của đồng nghiệp.

TRẦN VĂN MINH

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 7

Tồn tại, hạn chế và giải pháp hoàn thiện của hoạt động thực hành quyền công tố các vụ án xâm phạm sở hữu do người dưới 18 tuổi phạm tội