Ảnh minh họa.
Vướng mắc, hạn chế, bất cập của quy định pháp luật
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế, bất cập về hoạt động thực hành quyền công tố trong giải quyết các vụ án xâm phạm quyền sở hữu do người chưa thành niên thực hiện là do sự hạn chế, bất cập của Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và các văn bản pháp luật có liên quan. Cụ thể như sau:
- Thứ nhất, khoản 2, Điều 29, BLHS quy định: “Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây”, và khoản 2, Điều 91, BLHS quy định: “Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây... có thể được miễn trách nhiệm hình sự…”. Tại cả 02 Điều luật đều sử dụng cụm từ “có thể”, dẫn đến không thống nhất về quan điểm giải quyết giữa các cơ quan tố tụng trong thực tiễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong đó, có trường hợp Cơ quan điều tra (CQĐT) có quan điểm miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng VKS lại không đồng ý quan điểm của CQĐT, nên đã hủy bỏ quyết định của CQĐT vì cho rằng quy định không quy định bắt buộc phải miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Thứ hai, một số tội xâm phạm quyền sở hữu trong BLHS năm 2015 không mô tả rõ ràng dấu hiệu của hành vi khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng trong việc việc định tội như: Tội "Cướp giật tài sản" (Điều 171), chỉ quy định “Người nào cướp giật tài sản…”, thay vì mô tả như thế nào là hành vi cướp giật tài sản; Tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" quy định tại (Điều 172), chỉ quy định “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản…”, thay vì mô tả như thể nào là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản; Tội "Trộm cắp tài sản" (Điều 173), chỉ quy định “Người nào trộm cắp tài sản...”, thay vì mô tả hành vi trộm cắp tài sản.
- Thứ ba, thiếu văn bản hướng dẫn để thống nhất áp dụng đối với tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” tại một số tội xâm phạm quyền sở hữu trong BLHS, như: Tội "Cướp giật tài sản" (Điều 171), Tội "Trộm cắp tài sản" (Điều 173), Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (Điều 174), Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (Điều 175). Dẫn đến không thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án xâm phạm quyền sở hữu. Mặc dù, hiện nay đang có hai văn bản hướng dẫn đối với tình tiết trên, bao gồm: Nghị quyết số 01/2006/NQHĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao và Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Điểm khác nhau giữa hai văn bản trên là theo Nghị quyết số 01/2006 thì người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính, trong khi đó theo Nghị quyết số 03/2019 thì phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập. Do đó, thực tiễn áp dụng tình tiết trên đang có nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết vụ án. Ví dụ vụ án: Nguyễn Văn A. (17 tuổi) là một người không nghề nghiệp ổn định, trong một thời gian từ 2019 - 2020, A. liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên) để lấy tiền đi chơi với bạn bè và tiêu xài cá nhân. Trong trường hợp này, có quan điểm cho rằng A. “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, nhưng quan điểm khác lại cho rằng A. không thuộc trường hợp “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” do đây không phải là nguồn thu nhập chính của A.
- Thứ tư, bất cập của BLTTHS khi quy định về điều kiện của người tiến tố tụng đối với vụ án người dưới 18 tuổi phạm tội, Điều 415, BLTTHS quy định: “Người tiến hành tố tụng đối với vụ án người dưới 18 tuổi phải là người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm trong điều tra, truy tố, xét xử vụ án có liên quan đến người dưới 18 tuổi có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”. Quy định trên thiếu cụ thể, đặc biệt quy định về “hiểu biết cần thiết” nhưng không đưa ra tiêu chí xác định sự hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi là mang tính hình thức, khó xác định dẫn đến quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng trong khi áp dụng.
- Thứ năm, BLTTHS thiếu quy định về trách nhiệm của người đại diện trong việc giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội tại Điều 418, BLTTHS. Tuy nhiên, trong Điều 418 không quy định xử lý tình huống người đại diện của người dưới 18 tuổi phạm tội từ chối nghĩa vụ giám sát. Ví dụ vụ án: Hồ Thị B. (16 tuổi) thực hiện hành vi Tội "Trộm cắp tài sản" theo quy định tại Điều 173, BLHS, trong quá trình điều tra vụ án, CQĐT giao A. cho gia đình giám sát, nhưng bố mẹ từ chối giám sát, dẫn đến khó khăn cho quá trình điều tra vụ án.
- Thứ sáu, bất cập khi ghi nhận về biện pháp kê biên tài sản, Điều 128, BLTTHS chỉ quy định về điều kiện, thẩm quyền và trình tự thủ tục áp dụng biện pháp kê biên tài sản, nhưng không quy định về cơ quan có nghĩa vụ thực hiện quyết định kê biên tài sản. Dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Điều 128, BLTTHS trên thực tế.
- Thứ bảy, bất cập khi quy định về định về thời hạn tạm giam khi có quyết định tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định, định giá, yêu cầu tương trợ tư pháp nước ngoài. Theo đó, Điều 229, BLTTHS quy định thì CQĐT được quyền ra quyết định tạm đình chỉ điều tra để đợi kết quả trưng cầu giám định, yêu cầu định giá yêu cầu tương trợ tư. Tuy nhiên, BLTTHS lại không có quy định về về thời hạn tạm giam khi có quyết định tạm đình điều tra theo Điều 229, BLTTHS, nên thực tiễn áp dụng, các cơ quan tố tụng còn lúng túng khi xảy ra tình huống CQĐT cần ban hành quyết định tạm đình chỉ để đợi kết quả giám định, định giá, tương trợ tư pháp nước ngoài trong khi bị can đang bị tạm giam để điều tra.
- Thứ tám, khoản 4, Điều 117, BLTTHS quy định cho phép CQĐT ban hành Quyết định tạm giữ mà không cần có sự phê chuẩn của VKS, sau khi ban hành, CQĐT phải Quyết định tạm giữ và hồ sơ làm căn cứ ban hành cho VKS. Tuy nhiên, Điều 125, BLTTHS không quy định việc CQĐT phải gửi Quyết định áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và hồ sơ làm căn cứ ban hành quyết định cho VKS để đánh giá tính hợp pháp và có căn cứ khi CQĐT thay đổi biện pháp ngăn chặn sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Mặc dù, Điều 165, BLTTHS quy định VKS có quyền hủy bỏ các quyết định tố tụng không có căn cứ và trái pháp luật của CQĐT khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Nhưng BLTTHS và cả Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa QĐT, VKS đã không quy định chi tiết cơ chế phối hợp trong trường hợp trên. Dẫn đến khó khăn trong thực tiễn áp dụng khi CQĐT ra quyết định thay thế biện pháp tạm giữ bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cứ trú nhưng không chuyển tài liệu, hay chuyển chậm cho VKS.
Quy định mới về thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội đòi hỏi phải có sự nhận thức thống nhất
Theo quy định tại Điều 30, 38 và 45 của Luật Tổ chức TAND và Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Chánh án TAND Tối cao thì trong cơ cấu của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện có Tòa gia đình và người chưa thành niên. Theo đó, đối với những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 4 của Thông tư trên thì xét xử tại Phòng xét xử thân thiện. Bên cạnh đó, việc quy định về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc Hội và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.
Những quy định mới của pháp luật, đòi hỏi, cần có nhận thức thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để phối hợp thực hiện đồng bộ; mặt khác, VKSND cần có những Kiểm sát viên có năng lực, đủ điều kiện, cũng như trang bị các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu thực hành quyền công tố trong quá trình xét xử tại Tòa gia đình và người chưa thành niên, phiên tòa trực tuyến, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hành quyền công tố đối với người chưa thành niên phạm tội nói chung, phạm tội xâm phạm sở hữu nói riêng.
Hoàn thiện pháp luật về thực hành quyền công tố các vụ án xâm phạm sở hữu do người dưới 18 tuổi phạm tội
Để nâng cao chất lượng hoạt động thực hành quyền công tố các vụ án xâm phạm quyền sở hữu do người dưới 18 tuổi thực hiện, trước hết cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của hoạt động thực hành quyền công tố. Các giải pháp cụ thể bao gồm:
Một là, sửa đổi quy định về miễn trách nhiệm hình sự tại khoản 2, Điều 29 và khoản 2, Điều 91, BLHS theo hướng bỏ cụm từ “có thể”, để tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng, cũng như tạo điều kiện để người dưới 18 tuổi bị lầm đường lạc lối có cơ hội sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội. Theo đó, nội dung của khoản 2, Điều 29 và khoản 2, Điều 91, BLHS sau khi bỏ cụm từ “có thể”, như sau:
Khoản 2, Điều 29: “Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây”.
Khoản 2, Điều 91: “Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này”.
Hai là, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu trong BLHS theo hướng mô tả rõ ràng dấu hiệu của hành vi khách quan, làm cơ sở cho việc đánh giá và truy cứu trách nhiệm hình sự, như:
Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 171, BLHS (Tội "Cướp giật tài sản") theo hướng: “1. Người nào nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác một cách công khai rồi tìm cách tẩu thoát,…”;
Sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 172, BLHS (Tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản") theo hướng: “1. Người nào lợi dụng sơ hở hoàn cảnh không thể ngăn cản, bảo vệ của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai,…”;
Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 173 BLHS (Tội "Trộm cắp tài sản") theo hướng: “1. Người nào lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác …”.
Ba là, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn về tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại Điều 171 (Tội "Cướp giật tài sản"), Điều 173 (Tội "Trộm cắp tài sản"), Điều 174 (Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"), Điều 175 (Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"), để đảm bảo thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn. Theo đó, văn bản hướng dẫn nên áp dụng nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, được xem là “Có tính chất chuyên nghiệp” khi đáp ứng đồng thời 02 điều kiện: (1) Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và (2) Người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.
Bốn là, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung Điều 418, BLTTHS theo hướng bổ sung trách nhiệm của người có nghĩa vụ giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội khi không thực hiện nhiệm vụ được giao, cụ thể sau khi bổ sung, khoản 2, Điều 418, BLTTHS có nội dung: “... Người được nhiệm vụ giám sát vi phạm nghĩa vụ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
ĐẶNG ĐÌNH THÁI
Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4
Tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật’: Vướng mắc và kiến nghị