Hà Tĩnh: Xây dựng làm ảnh hưởng công trình liền kề xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp chủ sở hữu

06/05/2024 20:40 | 1 tuần trước

(LSVN) - Hiện tượng xây dựng công trình làm nứt tường, lún nền… công trình liền kề không hiếm gặp và nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Điều 174, Bộ luật Dân sự quy định rất cụ thể về các nội dung chấp hành quy định pháp luật về xây dựng.

Không chỉ trong hoạt động xây dựng mà trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, khi thực hiện bất cứ một công việc gì đều cần phải tôn trọng những quy tắc của lĩnh vực đó. Đối với lĩnh vực xây dựng cũng vậy, Điều 174, Bộ luật Dân sự 2015 đề cập đến nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng rất cụ thể. 

Theo đó: "Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh".

Căn cứ Điều 174, Bộ luật Dân sự 2015, khi xây nhà, chủ nhà phải đảm bảo an toàn, không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những nhà liền kề xung quanh trong đó có việc đảm bảo sự toàn vẹn về công trình xây dựng liền kề và xung quanh.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng nhà ở gây nứt tường, lún nền, thậm chí là làm nghiêng nhà hàng xóm… vẫn diễn ra. Đơn cử mới đây (04/5), một hộ dân tại phường Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh, thực hiện khởi công đào móng, khoan cọc bê tông đã khiến chân móng nhà anh N.M.T (nhà liền kề) bị sạt lở, sụt lún khiến căn nhà 3 tầng của anh T. bị nứt nẻ từ tầng 3 đến tầng 1, sự việc gây hoang mang cho cả gia đình anh T.

Anh T., chủ căn nhà 3 tầng nhận định nhà anh bị nứt do công trình bên cạnh đào móng quá sâu, không có biện pháp chống đỡ. Ảnh: T.Đ.

Anh T., cho hay, công trình liền kề nhà anh thực hiện đào móng cách đây khoảng hơn 03 tháng, sau khi đào móng sâu thì công trình dừng thi công, quá trình dừng thi công đã xảy ra sụt lún móng nhà mình, gây nứt nẻ. Đến sáng 04/5, công trình này tiếp tục khoan, đóng cọc khiến nhà anh T. có hiện tượng rung lắc. Qua kiểm tra, phát hiện vết nứt từ tầng 3 đến tầng 1, dài hàng chục mét. 

“Thấy việc thi công không đảm bảo an toàn xây dựng, tôi đã phản hồi với chủ thầu cũng như đơn vị thi công. Tuy nhiên, họ vẫn không có biện pháp gì mà vẫn thi công, bất chấp nguy hiểm”, anh T. cho biết. 

Cơ quan chức năng kiểm tra các vết nứt tại nhà anh T. Ảnh: T.Đ.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản sự việc, tạm dừng thi công đối với công trình nói trên để xác định nguyên nhân. Lúc này, có người đàn ông tên Hoàng, (xưng chủ nhà, chủ công trình) đến và dùng những lời lẽ có dấu hiệu “xúc phạm” và tuyên bố “thích thì mua luôn nhà nứt, công trình không thể dừng”. 

Một cán bộ phụ trách đô thị xã Thạch Trung cho biết, trước khi thực hiện xây dựng, phía ông Hoàng đã ký cam kết thực hiện xây dựng đúng theo giấy phép, không làm ảnh hưởng đến hộ xung quanh và phải chấp hành đúng quy định pháp luật.

Dù bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm ngừng thi công, nhưng công trình này vẫn không chấp hành. Ảnh: T.Đ.

Đáng nói, sau khi bị lập biên bản tạm ngừng thi công, sáng 05/5, ông Hoàng vẫn cho công nhân thực hiện xây dựng tiếp, bất chấp vi phạm. Buộc cơ quan chức năng phải đến lập biên bản đình chỉ thì công nhằm đảm bảo an toàn cho công trình bên cạnh.

Cơ quan chức năng lập biên bản công trình này để xác định nguyên nhân sụt lún. Ảnh: T.Đ.

Quy định của pháp luật đối với việc xây dựng làm ảnh hưởng đến công trình liền kề

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, căn cứ khoản 1, Điều 584, Bộ luật Dân sự, khi có hành vi xâm phạm tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì người gây ra thiệt hại phải bồi thường.

"Nếu xây nhà làm nứt tường nhà hàng xóm thì sẽ phải bồi thường cho hàng xóm theo đúng thiệt hại thực tế xảy ra trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác", Luật sư nói.

Ngoài ra, khoản 1, Điều 585, Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ: “1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Đồng thời, Điều 605, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:

- Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác;

- Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

"Bộ luật Dân sự yêu cầu chủ sở hữu công trình đang xây dựng phải bồi thường trong trường hợp làm nứt tường nhà hàng xóm. Nếu người thi công xây dựng cũng có lỗi thì phải liên đới bồi thường", Luật sư Bình cho hay.

Theo Luật sư Bình, ngoài việc bồi thường, việc thi công công trình vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến người khác còn có thể thể bị xem xét xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính. 

Xử lý hình sự: Trường hợp nếu việc tiếp tục thi công công trình dẫn đến hậu quả có người thiệt mạng do cá nhân thi công dù biết nhưng vẫn cố tình thực hiện có thể bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, cá nhân thực hiện hành vi phạm tội có thể chịu mức án phạt tù từ 07 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. 

Xử lý hành chính: Theo khoản 2, Điều 31, Nghị định 16/2022/NĐ-CP, mức xử phạt khi xây nhà làm nứt tường nhà hàng xóm được quy định như sau: 

"2. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác như sau:

a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;

b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;

c) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng".

Mức phạt này chỉ áp dụng với trường hợp chưa có thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng của người khác.

PV

Kiến nghị thu hồi 2 GCNQSDĐ đã được cấp cho Công ty TNHH Xây dựng Nam Sơn của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk có hợp lý?