Có cần sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 354 Bộ luật Tố tụng dân sự? (*)

31/12/2019 08:04 | 4 năm trước

LSVNO - Trao đổi về bài “Điểm bất cập trong giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tái thẩm” của tác giả Thân Văn Nhường đăng trên Luật sư Việt Nam online ngày 25/12/2019, tác giả Ngô Cường (số nhà 2...

LSVNO - Trao đổi về bài “Điểm bất cập trong giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tái thẩm” của tác giả Thân Văn Nhường đăng trên Luật sư Việt Nam online ngày 25/12/2019, tác giả Ngô Cường (số nhà 26 ngõ 110/10 Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ, Hà nội) có quan điểm riêng và đề xuất xem xét về một số nội dung tại Điều 354 Bộ luật TTDS.

>>>Điểm bất cập trong giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tái thẩm

Bài “Điểm bất cập trong giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục tái thẩm” nêu ý kiến rằng Điều 356 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) không quy định Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền huỷ một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật dẫn đến khó khăn trong giải quyết vụ án dân sự.

Ảnh minh họa.

Để minh hoạ cho ý kiến của mình, tác giả đã nêu lên một vụ án hôn nhân gia đình giữa ông Nguyễn văn A. và bà Trần thị B. được Toà án cấp sơ thẩm quyết định như sau:

      - Về hôn nhân: Ông Nguyễn văn A. được ly hôn với bà Trần thị B. 

      - Về con chung: Ông Nguyễn văn A. nuôi đứa con Nguyễn văn C. 6 tuổi.

    - Về tài sản: Mỗi người được chia 1/2 số tiền tiết kiệm, ông A. được sở hữu căn nhà ở ngoại ô, bà B.được sở hữu căn nhà ở nội đô.Về nợ chung: Ông A. đồng ý tự mình trả số tiền nợ chung. 

     Sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, bản án đã được thi hành xong. Ông A. và bà B.cũng đã tái hôn, đã nhập tài sản được chia vào khối tài sản chung với người phối ngẫu mới. Tuy nhiên, gần một năm sau kể từ ngày bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, ông Nguyễn văn A. đi giám định ADN và kết quả cho thấy cháu Nguyễn văn C. không phải là con đẻ của ông.

Do đó, ông làm đơn yêu cầu TAND cấp cao kháng nghị tái thẩm đối với bản án sơ thẩm để giải quyết vấn đề con chung giữa ông và bà Trần thị B.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Theo quy định tại Điều 356 Bộ luật TTDS, thì TAND cấp cao phải huỷ bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại. Điều đó có nghĩa là ông Nguyễn văn A. và bà Trần thị B. sẽ trở lại tình trạng ban đầu như trước khi có bản án sơ thẩm trong khi hai ông bà này đều đã tái hôn và đã xử lý tài sản được chia, đây là điều hết sức vô lý. Nhưng nếu chỉ huỷ phần con chung để xét xử lại thì điều luật lại không cho phép. Tác giả bài báo đề xuất cần phải bổ sung nội dung của Điều 356 Bộ luật TTDS năm 2015 về phần thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm có quyền hủy một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, Toà án nên hướng dẫn cho ông A. khởi kiện tại Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu “xác định cha cho con” (khoản 4, Điều 28 Bộ luật TTDS ). Bản án mới của Toà án cấp sơ thẩm xác định người cha cho cháu Nguyễn văn C. sẽ đương nhiên huỷ bỏ vấn đề con chung ở bản án trước.

Nhân đây, cũng xin đề xuất việc sửa đổi Chương XXI THỦ TỤC TÁI THẨM của Bộ luật TTDS, theo hướng :

- Việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục tái thẩm sẽ do chính Toà án đã ra bản án, quyết định đó xét lại, cụ thể: Toà án cấp sơ thẩm xét lại bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Toà án mình; Toà án cấp phúc thẩm, cấp giám đốc thẩm sẽ do các Toà án này xét lại nếu bản án, quyết định này đã sửa đổi bản án, quyết định sơ thẩm mà sự sửa đổi ấy dẫn đến yêu cầu tái thẩm.

- Khi xét lại bản án, quyết định theo thủ tục tái thẩm, Toà án chỉ quyết định đối với yêu cầu cụ thể của đương sự. (Như vậy sẽ không máy móc huỷ cả bản án nếu họ không yêu cầu).

- Do đó, nội dung tại Điều 354 Bộ luật TTDS nên bãi bỏ vì việc xét lại bản án, quyết định theo thủ tục tái thẩm là do phát hiện tình tiết mới chứ không phải do vi phạm pháp luật, nên không cần thiết phải quy định Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và Chánh án TANDCC, Viện trưởng VKSNDCC mới có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

 Ngô Cường

(*) Đầu đề bài báo do Tòa soạn đặt.