(LSO) - “Có nên xét xử lưu động?” là một trong những vấn đề được bàn luận sôi nổi trong thời gian qua. Đặc biệt là sau sự kiện Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Yên Bái và TAND tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử lưu động vụ thảm sát nhiều người trong một gia đình vào cuối năm 2015. Có tờ báo tổ chức cả một cuộc tọa đàm để bàn về việc có nên xét xử lưu động nữa không?
Những người muốn duy trì việc xét xử lưu động cho rằng, xử lưu động có mặt tích cực, là hình thức xử công khai, thông qua đó để tuyên truyền pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm… Hiện nay trên các trang mạng xã hội, vì nhiều lý do khác nhau mà một số người đưa tin không đúng sự thật liên quan đến những vụ vi phạm pháp luật, từ đó khuếch tán, thêm gia vị cho ly kỳ như vụ án thảm sát ở Bình Phước, cả nước quan tâm, nếu không xử lưu động thì những tin xuyên tạc không chấm dứt được. Xét xử lưu động cũng nhằm tạo niềm tin trong nhân dân về nhiều mặt như tình hình trị an, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Hơn nữa, chính TAND tối cao lại rất quan tâm đến việc xét xử lưu động bằng việc tính điểm thi đua. Ủy ban nhân dân địa phương cũng rất đồng tình việc tuyên truyền pháp luật bằng các phiên tòa lưu động, nhất là đối với những tội danh xảy ra nhiều tại địa phương và không ngần ngại cấp kinh phí cho tòa án để xét xử lưu động. Như vậy, xét xử lưu động cũng là một kênh tuyên truyền pháp luật…
Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến trái chiều về xét xử lưu động, đa số cho rằng nên bỏ. Những người đề nghị bỏ xét xử lưu động có nhiều người là thẩm phán, đã từng xét xử lưu động, có cả những vị nguyên là lãnh đạo TAND tối cao cũng thấy việc xét xử lưu động là không có hiệu quả, không đạt được mục đích chính là “tuyên truyền, giáo dục pháp luật”, mà chỉ thỏa mãn tính tò mò, hiếu kỳ của người dân. Hơn nữa, chi phí cho phiên xét xử lưu động rất tốn kém, chưa kể việc chuẩn bị, đảm bảo an ninh cho phiên tòa cũng mất nhiều công sức.
Ngay cả lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, nơi đã có phiên tòa xét xử vụ thảm sát sáu người cũng thừa nhận có ba mặt chưa được: tính uy nghiêm của phiên tòa bị giảm; tốn kém nhân lực, vật lực, gây nhọc sức cả những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng và người dân; bị cáo ngoài việc phải chịu bản án của pháp luật còn chịu thêm một bản án từ đám đông, người thân của họ cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Xét xử lưu động là một hình thức xét xử công khai, nhưng mức độ công khai rộng rãi hơn xét xử công khai tại phòng xử án tại trụ sở tòa án. Có vụ án, hàng nghìn người, thậm chí hàng vạn người đến xem tòa xét xử, trong đó có cả trẻ em. Nếu xét xử ở một địa điểm không phải là trong hội trường hay nhà hát thì những người đến xem còn leo cả lên nóc nhà, đu cả trên cây để xem cho rõ. Hãy xem phiên tòa xét xử lưu động vụ thảm sát ở Bình Phước thì thấy: giống như hồi cải cách ruộng đất người ta đến sân vận động để xem tòa án xét xử, đấu tố địa chủ vậy! Nếu có người nước ngoài đến Việt Nam du lịch chắc cũng không bỏ lỡ cơ hội xem tòa xử án.
Ở các nước văn minh, việc vào xem tòa xử án cũng không bị cấm nhưng người ta kiểm soát rất chặt chẽ: phải kiểm tra an ninh; khi vào phòng xử án thì tuyệt đối không được nói chuyện; nhiều nước còn cấm quay phim, chụp ảnh và nhất thiết, điện thoại di động phải gửi ở ngoài hoặc tắt như ở trên máy bay khi cất và hạ cánh vậy. Tuy vậy, ở những nước này, nếu không có việc đến tòa thì chẳng ai đến xem tòa án xét xử cả. Phòng xử án của họ không nhiều chỗ ngồi như ở ta. Và, nếu chúng ta thừa nhận suy đoán vô tội, việc xét xử được thực hiện theo nguyên tắc hai cấp (tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm) mà lại xử lưu động là đi ngược lại với những nguyên tắc này. Cho phép lan tỏa những quyết định chưa có hiệu lực, chưa biết đúng hay sai, cũng tức là chấp nhận cho xã hội kết tội bị cáo.
Không ai phủ nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xét xử lưu động như: thông qua phiên tòa xét xử lưu động đã tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người tham dự phiên tòa, nhân dân trực tiếp xem tòa xét xử về vụ án và qua đó hiểu biết thêm về pháp luật để bản thân họ rút ra những bài học, tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật, qua đó giáo dục con em của mình tuân thủ pháp luật, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống hàng ngày…
Nhưng xem ra, ý nghĩa này không còn nữa, vì trên thực tế, xét xử lưu động chủ yếu là để răn đe tội phạm, thỏa mãn sự hiếu kỳ của nhiều người, nhất là ở nước ta rất nhiều người có ‘thói quen” hễ có vụ tai nạn hay vụ án nào xảy ra thì cứ muốn tìm mọi cách đến tận nơi xem cho bằng được. Có nhiều người còn bỏ cả công việc, công sở để đến phiên tòa, chen lấn vào tận bên trong nhìn bằng được mặt bị cáo mới chịu. Không biết sau khi xem xử lưu động, người đi xem về liệu có còn đọng lại hoặc rút ra bài học gì không hay đi xem là để thỏa mãn tính hiếu kỳ?!
Đối với bị cáo, dù là chưa bị coi là có tội nhưng họ thấy bị bêu xấu, bị xỉ nhục trước hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người. Đã có trường hợp như anh Nguyễn Thanh K. ở thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam tự tử ngay trước khi ra phiên tòa xét xử lưu động. Có bị cáo chỉ phạm tội ít nghiêm trọng nhưng biết mình bị xét xử lưu động đã bỏ trốn, gây khó khăn cho việc xét xử của tòa án, mất công tổ chức phiên tòa lưu động nhưng không có bị cáo.
Lại có trường hợp xét xử vụ án giết người cướp của, người nhà của nạn nhân đã cầm dao lao vào đâm bị cáo trước vành móng ngựa, phiên tòa phải dừng lại để đưa bị cáo đi cấp cứu, còn người nhà nạn nhân thì bị tống giam; có vụ gây náo loạn phải huy động cả một trung đoàn cơ động đến giải vây cho hội đồng xét xử…
Về phía tòa án cũng không phải không có những trường hợp “cười ra nước mắt”! Thư ký phiên tòa ngồi trên “sân khấu” (bục xét xử) quấn trên đầu một vành băng trắng, hỏi ra mới biết, do trước đó phải chở vành móng ngựa từ cơ quan đến nơi xét xử lưu động bị té (ngã), vành móng ngựa đập vào đầu chảy máu, phải băng bó, may mà không bị đi cấp cứu. Rồi âm thanh bị trục trặc, chỉ nghe thấy tiếng hú, tiếng ẹt ẹt, phông màn bị gió hất tung…
Tính uy nghiêm của một phiên tòa không còn nữa. Lại có trường hợp vì sáng mai phải trả nhà văn hóa (hội trường xét xử) cho cơ quan chủ quản nên hội đồng xét xử đã phải tuyên án lúc 2 giờ sáng!
Đúng là xét xử lưu động ít nhiều cũng có tác dụng, nhưng cái được thì chưa thấy đâu, mà mất mát thì chưa ai tính được, chưa kể tốn kém tiền của, mà còn gây ra nhiều hậu quả cho xã hội không thể tính bằng tiền. Xét xử lưu động chẳng qua là tàn dư của tư duy phong kiến từ thời cải cách ruộng đất để lại.
Còn về pháp luật thì tra cứu cả Hiến pháp lẫn Bộ luật Tố tụng hình sự cũng như các văn bản hướng dẫn của TAND tối cao thì thấy không có quy định nào về xét xử lưu động. Bộ luật Tố tụng hình sự mới vừa được Quốc hội thông qua cũng không có quy định nào về xét xử lưu động. Vậy các tòa án căn cứ vào quy định nào của pháp luật để xét xử lưu động? Trong khi đó, ai cũng biết có một nguyên tắc có tính pháp chế là cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp (tòa án) chỉ làm những gì pháp luật cho phép chứ không phải là được làm những gì pháp luật không cấm như đối với công dân. Một nhà nước pháp quyền, tại sao tòa án lại không làm theo luật?! Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, Luật tố tụng hình sự không quy định nhưng tòa vẫn làm là trái luật!
Ở nước ta, một số phương tiện thông tin đại chúng cũng thích đưa tin “giật gân, câu khách” mà không lường hết những mặt tiêu cực của xét xử lưu động. Có vụ án vừa xảy ra, lãnh đạo ở địa phương đó đã trả lời báo giới là “sẽ chỉ đạo tòa án xét xử lưu động”!
Ngay đối với các tòa án cho xét xử lưu động là cần thiết cũng phải thừa nhận rằng “gia đình, họ hàng bị cáo xin tòa đừng đưa ra xét xử, họ rất xấu hổ với địa phương”. Việc xét xử lưu động không chỉ có tác động xấu đến bị cáo mà đến cả gia đình, họ hàng của bị cáo cũng bị dư luận lên án.
Có ý kiến còn cho rằng, việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng ngàn người dân nếu xét từ khía cạnh pháp quyền thì còn vi phạm quyền con người mà Hiến pháp đã ghi nhận.
Nếu cho rằng thông qua phiên tòa, tòa án còn có nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, nhưng có nhất thiết chỉ xét xử lưu động mới tuyên truyền được pháp luật mà xét xử lưu động hay xét xử ở trong phòng xử án cũng vẫn tuyên truyền được pháp luật, nhất là hiện nay đang trong giai đoạn bùng nổ thông tin. Không có phương pháp nào tuyên truyền pháp luật có hiệu quả hơn là tòa án hãy xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Những tích cực của xử lưu động chỉ mang tính lý thuyết, trong khi những hệ lụy từ xử lưu động thì rất khó lường.
Ai cũng thấy một vụ án được đưa ra xét xử lưu động thì hội đồng xét xử không thể không bị áp lực và thường áp dụng hình phạt rất nghiêm khắc, có khi xét xử ở trụ sở tòa án, bị cáo chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc được hưởng án treo, nhưng vì xét xử lưu động nên bị cáo phải bị phạt tù giam. Thông thường, những vụ án khi đưa ra xét xử là án điểm, điều này không chỉ gây áp lực cho bị cáo mà còn áp lực cho cả luật sư, kiểm sát viên và hội đồng xét xử.
Nhiều tòa án đưa cả bị cáo là người chưa thành niên ra xét xử lưu động để tăng tính răn đe nhưng cũng có tòa không làm điều này vì e rằng phản tác dụng giáo dục, dễ làm các em bị tổn thương tâm lý… Tuy nhiên, vẫn có tòa viện cớ cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm ở địa phương nên vẫn đưa người chưa thành niên ra xét xử lưu động. Trong khi đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thống nhất là không xét xử lưu động vụ án do người chưa thành niên gây ra.
Ở một số địa phương, tòa án còn đưa cả bị cáo phạm tội hiếp dâm, giao cấu với trẻ em, với người chưa thành niên ra xét xử lưu động, cuối cùng chỉ thỏa mãn sự hiếu kỳ của người xem.
Mấy chục năm nay, các tòa án vẫn xét xử lưu động, nhưng chưa ai tổng kết, đánh giá tác dụng của xét xử lưu động như thế nào, ngoài việc lấy đó là tiêu chí bình xét thi đua.
Tóm lại cả về lý luận và thực tiễn, việc xét xử lưu động không còn phù hợp nữa, cần được bãi bỏ.
THẠC SĨ. LUẬT SƯ ĐINH VĂN QUẾ