Thủ đoạn tinh vi
Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin thành viên của tổ tuần tra kiểm soát Covid-19 đã tiếp tay đưa 200 người xuất nhập cảnh trái phép.
Cụ thể, thông tin trên đã được báo chí phản ánh lại cho biết, liên quan đến đường dây đưa người xuất nhập cảnh trái phép qua tuyến biên giới Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) vừa bị triệt phá, Đồn biên phòng Bản Lầu (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai) đã có thông tin về thủ đoạn tinh vi của đường dây đưa người xuất nhập cảnh trái phép.
Đáng chú ý, trong số các nghi phạm bị bắt giữ có Lý Chừ (dân tộc Mông, 33 tuổi, ở thôn Na Lốc 1, xã Bản Lầu) giữ chức thôn đội trưởng từ năm 2016.
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Lý Chừ được tham gia tổ tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch cùng lực lượng biên phòng tại khu vực mốc giới 108 (2) và 110 (2) nên nắm rõ cách thức tuần tra, lịch sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ trong tổ và trở thành nội gián, tiếp tay cho Giàng Mỉ (cầm đầu phía Việt Nam) để đưa người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Trong quá trình điều tra cho thấy, mỗi khi có người cần xuất nhập cảnh qua địa phận xã Bản Lầu, Lý Chừ đều đi trước để kiểm tra đường, lối mòn có thể qua lại hai bên biên giới và đứng ở một vị trí thuận lợi để theo dõi bộ đội biên phòng và hải quan Trung Quốc.
Lợi dụng khoảng thời gian buổi tối, từ 19h tối hôm trước đến 04h sáng hôm sau, Giàng Mỉ cho Giàng Nhà, Giàng Sang (cùng ở xã Bản Lầu) số điện thoại và xuất cảnh sang Trung Quốc để đón người cần nhập cảnh.
Khi về đến sát biên giới (khu vực suối Bá Kết), Giàng Nhà điện thoại cho Chừ, nếu an toàn thì Nhà và Sang lập tức đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, rồi sử dụng xe máy chở về khu vực tập kết ở thôn Na Nhung (xã Bản Lầu).
Để tránh sự phát hiện của lực lượng biên phòng, các đối tượng yêu cầu người vừa nhập cảnh nấp trong các bụi cỏ ven đường, ống cống, rồi điện thoại cho Vũ Văn Huân (lái xe taxi) lên địa điểm đã hẹn trước rồi đón về TP Lào Cai.
Mỗi lần đưa người trót lọt, Giàng Mỉ trả cho Chừ và Sang, Nhà từ 600.000 đến 01 triệu đồng tiền công/trường hợp. Lợi ích trước mắt hấp dẫn hơn nhiều so với mức phụ cấp gần 9.000 đồng/giờ mà Chừ tham gia tuần tra, kiểm soát.
Trong khoảng từ tháng 04/2020 đến tháng 04/2021, Giàng Mỉ với Vũ Minh Toàn (23 tuổi, ở xã Minh Đức, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, cầm đầu phía Trung Quốc) cùng đồng bọn thực hiện trót lọt 91 vụ, đưa đường thành công cho 200 người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Cán bộ phòng chống tội phạm tiếp tay, dung túng cho tội phạm là tội ác
Sau khi xảy ra sự việc trên, rất nhiều ý kiến đã đưa ra quan điểm rằng, thành viên của tổ tuần tra tiếp tay cho đường dây xuất, nhập cảnh người trái phép là hành vi cực kỳ phản cảm, đáng bị lên án và phải nghiêm khắc xử lý mạnh tay, cảnh cáo các trường hợp tương tự nhằm ngăn chặn triệt để hành vi này diễn ra.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, khi cán bộ phòng chống tội phạm lại tiếp tay, dung túng cho tội phạm thì đó chính là tội ác.
Theo Luật sư Cường, việc thực hiện hoạt động phòng chống tội phạm qua biên giới, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, đối tượng là cán bộ phòng chống dịch Covid-19 lại tiếp tay cho tội phạm thì hành vi còn đáng lên án hơn nhiều, bởi hậu quả có thể sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
“Chúng ta đều biết, đặc điểm của loại dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19 này là lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp và dịch bệnh có nguồn gốc từ nước ngoài. Bởi vậy việc hạn chế tiếp xúc gần, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh là cần thiết, đây là biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống dịch bệnh covid-19 ở trong nước”, Luật sư Cường nói.
Theo đó, với đặc điểm biên giới trên bộ rất dài, tiếp xúc với nhiều quốc gia, có nhiều đường mòn, lối mở, khu vực hiểm trở khó kiểm soát của Việt Nam nên hiện tượng vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới diễn biến vô cùng phức tạp.
Luật sư Cường nhận định, từ thời điểm bệnh dịch Covid-19 bùng phát đến nay, các biện pháp quản lý hoạt động xuất nhập cảnh đều được tăng cường, Bộ đội biên phòng và cơ quan chức năng đã siết chặt các hoạt động đi lại qua biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở để phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, đã phát hiện rất nhiều trường hợp các đối tượng vi phạm về tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép và các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép. Nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự nhưng hành vi tiếp tay, dung túng của lực lượng thi hành công vụ thì lại là chuyện hiếm khi xảy ra.
Đối với hành vi của đối tượng môi giới, tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” là một trong số 34 tội danh mới được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, đây là tội ghép nhiều tội danh, cụ thể quy định như sau:
Điều 348, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” như sau: 1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Đối với từ 05 người đến 10 người; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Đối với 11 người trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết người. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Như vậy, theo Luật sư Cường, đối tượng Lý Chử có thể bị xử lý hình sự về tội danh trên với vai trò giúp sức, với hành vi phạm tội nhiều lần, đưa từ 11 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thì các đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, vai trò quan trọng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội thì hình phạt sẽ nghiêm khắc.
Ngoài ra, Trưởng VPLS Chính Pháp cũng cho biết, trong quá trình điều tra cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ đối tượng Lý Chử có vì nhận tiền mà thực hiện sai công vụ theo yêu cầu của đối tượng đưa tiền hay không?
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng này vì vụ lợi mà đã thực hiện công việc theo yêu cầu của đối tượng đưa tiền liên quan đến chức vụ, quyền hạn thì hành vi này còn có thể được xác định là hành vi “Nhận hối lộ”, với hành vi này thì đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức chế tài cực kỳ nghiêm khắc.
Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội "Nhận hối lộ" như sau: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; b) Lợi ích phi vật chất. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng358 đến dưới 3.000.000.000 đồng; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. 6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này. |
Với vấn đề này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho thấy đối tượng này đã nhận tiền để thực hiện công vụ theo yêu cầu của đối tượng đưa tiền thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội “Nhận hối lộ”.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì chỉ với vài đối tượng được sự tiếp tay của cán bộ có chức vụ quyền hạn mà các đối tượng này đã đưa trót lọt tới 200 người qua biên giới nhập cảnh trái phép vào Việt Nam diễn ra nhiều lần liên tục trong vòng gần một năm trời.
Điều này cho thấy một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, công tác đảm bảo an toàn ở khu vực này. Bởi vậy cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm, năng lực trình độ của các cán bộ biên phòng và lực lượng hỗ trợ ở khu vực này.
“Để xảy ra trường hợp như vậy rõ ràng là đã không bảo an ninh biên giới, không điểm bảo an toàn, gây mất an ninh trật tự, có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và không đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Vấn đề này cần phải làm rõ, cơ quan, tổ chức cá nhân nào có sai phạm, sai phạm đến đâu thì phải xử lý đến đó. Người đứng đầu đơn vị này phải chịu trách nhiệm khi để lọt quá nhiều người nước ngoài qua khu vực mà mình quản lý”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
TRẦN MINH
Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ nổ súng khiến 2 người tử vong ở Nghệ An