/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cố ý cản trở xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ dẫn đến bệnh nhân tử vong có bị xử lý hình sự?

Cố ý cản trở xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ dẫn đến bệnh nhân tử vong có bị xử lý hình sự?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo Luật sư, nếu hành vi cố ý không nhường đường, cản trở xe cứu thương (đang phát tín hiệu ưu tiên thực hiện nhiệm vụ cấp cứu) là nguyên nhân trực tiếp khiến cho bệnh nhân bị tử vong do không được cấp cứu kịp thời, thì đã có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nhiều vụ việc tài xế cố ý không nhường đường, cản trở xe cứu thương (đang phát tín hiệu ưu tiên thực hiện nhiệm vụ cấp cứu) đã xảy ra trên thực tế, gần đây nhất là vụ việc một chiếc xe cấp cứu đang phát tín hiệu đi làm nhiệm vụ (đưa một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch đi cấp cứu), nhưng bị một chiếc xe tải lưu thông phía trước liên tục tạt đầu và không chịu nhường đường cho xe ưu tiên.

Nạn nhân nằm trên xe cấp cứu là một nữ bệnh nhân bị thương nặng do trâu húc. Với các vết thương nặng, người phụ nữ này đã được can thiệp thở máy và đang trên đường chuyển tuyến xuống Bệnh viện Việt Đức.

Vụ việc trên đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, hành vi của tài xế xe tải đã vi phạm pháp luật và không có tình người.

Vậy, với hành vi trên, trong trường hợp tài xế xe tải cố ý cản trở xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ dẫn đến bệnh nhân tử vong thì có bị xử lý hình sự? 

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, hành vi cố ý không nhường đường, cản trở xe cứu thương (đang phát tín hiệu ưu tiên thực hiện nhiệm vụ cấp cứu) là vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 22, Luật giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể: "Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường; Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên".

Do đó, theo Luật sư nếu hành vi này là nguyên nhân trực tiếp khiến cho bệnh nhân bị tử vong do không được cấp cứu kịp thời, thì đã có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017), với loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

"Những hành vi này là không thể chấp nhận được, rất đáng lên án, không chỉ thể hiện thái độ coi thường pháp luật mà còn là sự vô cảm, trái đạo đức, đi ngược lại những giá trị, đạo lý nhân văn của xã hội, có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí tước đoạt tính mạng của người bệnh, vì không được đưa đến các cơ sở y tế, cứu chữa kịp thời. Các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa, xử lý nghiêm hành vi vi phạm", Luật sư nhấn mạnh.

HOÀNG TRẦN

Nhóm đối tượng quan hệ tình dục tập thể khiến nữ học sinh lớp 8 mang thai có thể đối diện với mức án nào?

Lê Minh Hoàng