Hiện trường vụ việc.
Vào rạng sáng ngày 12/5/2022, trên địa bàn thành phố Phan Thiết xảy ra sự việc một chiếc ô tô đâm chết người. Theo lời khai nhân chứng, vào khoản 0h30 phút sáng, trên đường Phạm Văn Đồng thuộc phường Bình Hưng có một người đàn ông trung niên qua đường, sau đó xảy ra mâu thuẫn với nhóm đi trên xe ô tô màu trắng, biển số thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình hai bên nói chuyện có xảy ra mâu thuẫn, một số người đi cùng người đàn ông trung niên đã đuổi theo và đánh nhóm người trên xe ô tô. Một người trong nhóm người đi trên ô tô đã điều khiển xe quay lại nhiều lần và cố tình đâm xe vào nạn nhân. Hậu quả làm người đàn ông tử vong tại chỗ. Ngay sau đó, chiếc ô tô rời khỏi hiện trường.
Sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để điều tra làm rõ sự việc. Hiện vụ việc vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Qua sự việc trên, nhiều người thắc mắc, hành vi tông xe gây chết người sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Hành vi này có được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay không?
Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, người lái xe ô tô có cố ý đâm chết người và bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không phải đợi kết quả điều tra và kết luận từ phía Cơ quan công an. Lời khai của người làm chứng sẽ được sử dụng làm chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội nếu lời khai đó phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ, như dữ liệu camera, lời khai của các nhân chứng khác có mặt tại hiện trường.
Nếu lời khai của người làm chứng được xác minh là đúng, thì hành vi lái xe ô tô cố ý đâm chết người có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về tội “Giết người” được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp, giữa nạn nhân và hung thủ không quen biết, mâu thuẫn từ trước, chỉ vì chút xích mích nhỏ trên đường mà dẫn tới hành vi lái xe đâm chết người thì có thể xử lý với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “có tính chất côn đồ”. Theo đó, người vi phạm rất có thể sẽ phải đối diện với mức án tù từ 07 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, tử hình.
Trong trường hợp, Cơ quan cảnh sát điều tra chứng minh được hung thủ đã lái xe vòng đi, vòng lại rất nhiều lần nhằm cố ý đâm chết nạn nhân đến cùng thì hành vi này còn có thể phải nhận thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư Kiều Trang phân tích thêm, xe ô tô trong tình huống này được coi là phương tiện gây án, lỗi cố ý giết người nằm trong mặt chủ quan của cấu thành tội phạm tội giết người. Tình tiết này không được coi là tình tiết năng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, cũng không được coi là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Bởi lẽ, việc dùng búa giết người hay dùng súng giết người hay dùng xe ô tô đâm chết người thì tính chất cũng đều nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân nên mức độ nguy hiểm của hành vi là tương đương nhau. Các hành vi này đều được thực hiện với lỗi cố ý.
Nếu áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất côn đồ” là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự của tội phạm giết người nêu trên thì Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không được phép áp dụng tình tiết này vào làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mặc dù tình tiết này đều xuất hiện cả ở hai điều luật là Điều 123 (tội “Giết người”) và Điều 52 (các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự) trong Bộ luật Hình sự 2015.
PV