Ảnh minh họa.
Công khai danh sách cán bộ, công chức làm chậm hồ sơ
Theo đó, về cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị chức năng hàng tháng, công khai danh sách cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức giải quyết chậm, muộn hồ sơ hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, kịp thời xử lý các khó khăn, bất cập, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết.
Số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận tại bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022, tập trung thực hiện đối với 25 dịch vụ công thiết yếu từ ngày 01/7/2022 theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ban hành chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập
Nhằm hỗ trợ giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các Chương trình nhằm hỗ trợ để phát triển giáo dục cho vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Trước đó, vào ngày 27/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng cho các trường mầm non, tiểu học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo quyết định này, mức vốn cho vay tối đa là 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục và tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng, với lãi suất cho vay 3,3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.
Nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Để thực hiện việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương tổng kết đánh giá tình hình thực hiện pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Kết quả đánh giá được sử dụng làm cơ sở nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trên cơ sở hợp nhất Chương II, Luật Xây dựng năm 2014 và Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cần tiếp tục làm việc với một số địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ....
VŨ TRẦN