Đối tượng Dư Văn Thanh là nghi phạm của vụ án, bước đầu đã thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân.
Lời khai nghi phạm
Liên quan đến vụ việc đâm chết vợ và làm trọng thương bố vợ, nghi phạm Dư Văn Thanh (sinh năm 1983, thú xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) bước đầu khai nhận lý do gây tội của mình.
Ngày 01/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý vụ án giết người xảy ra tại trụ sở TAND huyện Lục Ngạn.
Theo đó, đối tượng Dư Văn Thanh là nghi phạm của vụ án, bước đầu đã thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân.
Theo lời khai ban đầu, Thanh cho rằng gây án vì những mâu thuẫn trong gia đình. Gần đây, giữa Thanh và chị L.T.H. (sinh năm 1989, vợ Thanh) xảy ra nhiều mâu thuẫn trong quá trình chung sống dẫn tới hôn nhân không hạnh phúc. Cả hai sau đó đã ly thân và quyết định sẽ thực hiện các thủ tục để ly hôn.
Trong khoảng thời gian này, ông L.V.L. (60 tuổi, bố vợ Thanh) đến đòi số tiền đã cho con rể vay. Khi nghi phạm không có khả năng trả nợ, ông L. gửi đơn kiện con rể ra Tòa.
Sáng 30/10, Thanh đến trụ sở TAND huyện Lục Ngạn để giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản với bố vợ. Chị H. cũng được mời đến làm việc với tư cách người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.
Khoảng 10h cùng ngày, Thanh bất ngờ cầm dao bấm đâm vợ nhiều nhát, sau đó nghi phạm tấn công ông L. và Thẩm phán P.V.T. tại phòng làm việc ở tầng 2 trụ sở Tòa án.
Vụ việc khiến chị H. tử vong, ông L. và Thẩm phán bị thương. Sau khi gây án, Thành đến Công an huyện Lục Ngạn đầu thú.
Phải có chế tài xử lý nghiêm minh
Đánh giá về vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, án mạng xảy ra ngay tại trụ sở tòa án là chuyện không thể chấp nhận được.
Tòa án là cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ công lý, có lực lượng bảo vệ, cảnh sát hỗ trợ tư pháp, có nội quy làm việc, có sự kiểm soát của lực lượng chức năng và có những cán bộ có kinh nghiệm, kỹ năng trong việc hòa giải, giải quyết tranh chấp vậy mà vẫn để án mạng xảy ra thì cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ, cá nhân có liên quan. Đồng thời, sự việc cũng cho thấy tính chất nghiêm trọng, cần phải có chế tài xử lý nghiêm minh đối với đối tượng này để đảm bảo trật tự, kỷ cương, an toàn ở chốn công đường.
Với hành vi đâm nhiều nhát vào vợ mình khiến nạn nhân tử vong, đối tượng còn đâm vào cổ bố vợ và đâm trọng thương Thẩm phán. "Hành vi rất côn đồ, manh động, đối tượng hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, chuẩn bị sẵn hung khí, cố ý thực hiện hành vi có khả năng tước đoạt tính mạng của nhiều người. Với hung khí nguy hiểm như vậy thì hoàn toàn có thể sát hại tính mạng của nhiều người.
Việc ông bố vợ và vị Thẩm phán không chết là do được cấp cứu kịp thời. Bởi vậy hành vi của đối tượng được xác định là sử dụng hung khí nguy hiểm để gây án, có tính chất côn đồ và bị áp dụng thêm tình tiết là giết nhiều người. Với diễn biến sự việc như vậy thì đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình", Luật sư Cường nói.
Trách nhiệm của các cán bộ liên quan
Để xảy ra án mạng tại trụ sở Tòa án khi đang tổ chức hòa giải thì sự việc cho thấy vị Thẩm phán chủ trì phiên họp này chưa đảm bảo an toàn cho các đương sự, thậm chí có thể có lỗi trong hoạt động nghiệp vụ khi không kiểm soát được tình hình, để đương sự mang theo hung khí và gây án khiến bản thân Thẩm phán cũng trở thành nạn nhân.
Theo nội quy của Tòa án thì các đương sự không được phép mang theo súng, đạn, dao kiếm, chất độc, chất cháy, hung khí nguy hiểm vào trụ sở Tòa án. Với những vụ việc phức tạp thì Tòa án có thể yêu cầu lực lượng hỗ trợ tư pháp tham gia bảo vệ phiên tòa, duy trì an ninh trật tự tại phòng làm việc của Tòa án. Ngoài ra, Tòa án còn có lực lượng bảo vệ để kịp thời xử lý đối với các đối tượng gây rối, hung hãn. Khi vào buổi làm việc thì Thẩm phán và Thư ký cũng nhắc nhở các đương sự tôn trọng quy tắc, nội quy trong buổi làm việc.
"Trong vụ việc này, Thẩm phán có nhắc nhở các đương sự tôn trọng nội quy, quy tắc làm việc hay không là vấn đề cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ. Diễn biến sự việc thể hiện tính chất mâu thuẫn, căng thẳng như thế nào; thái độ, cách giải quyết, chủ trì phiên hòa giải của Thẩm phán ra sao cũng là vấn đề cần phải làm rõ để xem xét trách nhiệm của Thẩm phán và Thư ký trong việc phổ biến nội quy, chủ trì phiên hòa giải", Luật sư Cường phân tích.
Luật sư cho rằng, trong vụ việc này, sau khi đối tượng gây án thì vẫn bỏ trốn khỏi hiện trường sau đó mới tới cơ quan điều tra đầu thú. Điều này cho thấy hành vi của đối tượng là rất táo tợn và lực lượng bảo vệ của Tòa án đã không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy, cần phải xem xét trách nhiệm của lực lượng bảo vệ Tòa án, trách nhiệm của cán bộ tham gia buổi hòa giải này xem đã thực hiện hết nhiệm vụ, trách nhiệm của mình hay chưa?.
Để án mạng xảy ra ngay tại trụ sở Tòa án cho thấy hoạt động tố tụng chưa đã bảo an toàn cho đương sự và cho cán bộ Tòa án. Vấn đề này Tòa án sẽ phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Nếu có lỗi của cán bộ Tòa án đối với sự việc thì cũng cần xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.
Đồng thời cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát những người tham gia tố tụng, phổ biến nhắc nhở nội quy buổi hòa giải, nội quy làm việc tại Tòa án. Tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tòa án để xử lý những tình huống có vấn đề như vậy tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
DUY ANH