Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp góp phần quyết định thu nhập của Luật sư

20/05/2024 19:11 | 1 giây trước

(LSVN) - Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề Luật sư. Thu nhập của người Luật sư gắn với danh tiếng, uy tín, thương hiệu của chính cá nhân Luật sư đó.

Ảnh minh họa.

Thương hiệu, uy tín của cá nhân người Luật sư được đánh giá bởi chính những Luật sư đồng nghiệp, bởi khách hàng, bởi các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước mà người Luật sư hay tiếp xúc làm việc cùng, bởi những tổ chức, cá nhân có hoặc có tiếp xúc trực tiếp với Luật sư đó. Sẽ không có Luật sư thật sự uy tín khi nhắc đến người đó mà đa số Luật sư đồng nghiệp ít giành sự coi trọng, hoặc khi Luật sư đó chưa tạo được sự nể trọng, tôn trọng từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khi tiếp xúc làm việc với Luật sư. Hoặc khi chưa tạo được niềm tin của đông đảo khách hàng đã sử dụng dịch vụ do Luật sư đó cung cấp.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam hướng đến việc hoàn thiện đạo đức và hành vi ứng xử nghề nghiệp của mỗi cá nhân Luật sư nói riêng giới Luật sư nói chung mà ở đó người Luật sư phấn đấu vì những giá trị cao đẹp của nghề nghiệp; ở đó người Luật sư luôn ứng xử thắm tình đồng nghiệp; ở đó người Luật sư được các cơ quan hữu quan, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước nể trọng; ở đó người Luật sư được khách hàng hàng yêu quý, tin tưởng; ở đó người Luật sư được cơ quan ngôn luận báo chí trân trọng. Và khi đó chắc chắn người Luật sư đã, đang và tiếp tục xây dựng, tạo lập cho mình, cho tổ chức của mình thương hiệu vững chắc.

Khi Luật sư xây dựng được thương hiệu cá nhân, tạo lập được uy tín thì đó chính là cơ sở, điều kiện để người Luật sư đó có công việc ổn định, có thu nhập ổn định từ nghề nghiệp và chắc chắn thu nhập đó bền lâu, tương xứng với thương hiệu, uy tín mà Luật sư đã tạo lập được.

Trên thực tế, cũng đã ghi nhận một nhóm nhỏ Luật sư thu hút đông khách hàng, thu nhập cao trong một thời gian ngắn do tiến hành hoạt động mang tính chất chộp giật, lợi dụng tâm lý bức xúc của người dân đưa ra hứa hẹn, cam kết hoặc ám chỉ những điều ngoài khả năng, năng lực của Luật sư. Thậm chí có biểu hiện lôi kéo, kích động, nói xấu đồng nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh,… Đây là những hành vi vi phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Chắc chắn về lâu dài những người này nếu có cũng sẽ bị nghề nghiệp đào thải, xã hội tẩy chay.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang