Dấu hiệu pháp lý của tội 'Làm nhục người khác' và phân biệt với một số tội khác

28/05/2024 21:59 | 3 tháng trước

(LSVN) - Ngoài việc phân tích các dấu hiệu pháp lý để làm rõ các dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác" thì tác giả còn phân biệt tội "Làm nhục người khác" với  một số tội khác trong Bộ luật Hình sự (BLHS) để tìm ra những điểm khác nhau cơ bản với mục đích hạn chế nhầm lẫn trong nghiên cứu khi xác định tội danh mà người phạm tội đã thực hiện, đồng thời góp phần vào việc nhận thức thống nhất và áp dụng thống nhất pháp luật.

Ảnh minh họa.

Tội "Làm nhục người khác" được quy định tại Điều 155 BLHS:

"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Từ quy định trên, dấu hiệu pháp lý hình sự của tội "Làm nhục người khác" như sau:

Khách thể của tội "Làm nhục người khác"

Đối với tội "Làm nhục người khác", khách thể trực tiếp bị xâm phạm cũng là quyền được tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm, danh dự của con người.

Mặt khách quan của tội "Làm nhục người khác"

Hành vi khách quan của tội "Làm nhục người khác" là hành vi của một người có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Hành vi làm nhục có thể bằng lời nói, như: chửi rủa, sỉ nhục nơi đông người hoặc hành động khác, như: viết, vẽ, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, cà chua, trứng thối vào người. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng: Người phạm tội phải là người có hành vi bằng lời nói hoặc hành động, như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông…để làm nhục người khác người phạm tội có thể có hành vi vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, như: bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc dùng phương tiện nguy hiểm khống chế, đe dọa hoặc buộc người bị hại làm theo ý muốn của mình nhưng tất cả hành vi, thủ đoạn đó chỉ nhằm mục đích làm nhục chứ không nhằm mục đích khác.

Bên cạnh đó, theo Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao: Người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội "Làm nhục người khác" theo quy định tại Điều 155.

Biểu hiện của hành vi có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác là rất đa dạng. Tuy nhiên, hầu hết những hành vi nêu trên có điểm chung là được thể hiện ra bên ngoài bằng lời nói hoặc hành động của người phạm tội. Cần lưu ý, nếu hành vi có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác lại cấu thành một tội độc lập thì tùy vào từng trường hợp cụ thể người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội "Làm nhục người khác" và tội tương ứng với hành vi đã thực hiện. Đặc trưng của hành vi có thể được thực hiện công khai khi có mặt nạn nhân hoặc vắng mặt nạn nhân nhưng người phạm tội có ý thức để nạn nhân biết về hành vi đã xảy ra.

Tội "Làm nhục người khác" là tội phạm mà pháp luật hình sự quy định có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm (CTTP) của tội "Làm nhục người khác". Tuy hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng điều đó không có nghĩa là hậu quả không xảy ra. Thực tế cho thấy, hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể gây ra thiệt hại to lớn về mặt tinh thần đối với nạn nhân, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc ở CTTP cơ bản của tội "Làm nhục người khác", nhưng cũng cần xác định hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác với hậu quả thực tế xảy ra vì điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc định khung hình phạt tương ứng với hành vi phạm tội cũng như có ý nghĩa khi Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

Mặt khách quan của tội phạm còn được biểu hiện qua các nội dung khác, như: phương pháp, phương tiện, công cụ phạm tội, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội… Đối với tội "Làm nhục người khác" những biểu hiện vừa nêu không phải là dấu hiệu bắt buộc của CTTP. Tuy nhiên, đây là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đồng thời có thể là tình tiết định khung tăng nặng. Vì vậy, tác giả cho rằng những biểu hiện vừa nêu cũng cần được xem xét khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội "Làm nhục người khác".

Mặt chủ quan của tội "Làm nhục người khác"

Tội "Làm nhục người khác" được thực hiện với lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình nhưng vẫn thực hiện hành vi đó. Người phạm tội biết được việc làm của mình là bêu xấu người khác nhằm thỏa mãn cơ tức giận đối với nạn nhân hoặc đối với người thân của nạn nhân. Người phạm tội mong muốn hoặc để mặc hậu quả xấu về nhân phẩm, danh dự của nạn nhân xảy ra.

Động cơ và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc của CTTP tội danh này. Tuy không phải là dấu hiệu bắt buộc nhưng động cơ và mục đích phạm tội vẫn có thể xuất hiện khi có hành vi phạm tội "Làm nhục người khác" xảy ra. Ý thức chủ quan của người phạm tội lúc này là mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau, có thể là để trả thù (trả thù chính người bị hại cũng có thể trả thù người thân của người bị hại).

Chủ thể của tội "Làm nhục người khác"

Chủ thể của tội "Làm nhục người khác" là người có năng lực TNHS từ đủ 16 tuổi trở lên và có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Phân biệt tội "Làm nhục người khác" với một số tội phạm khác trong Bộ luật Hình sự hiện hành

Trong quá trình giải quyết vụ án, việc định sai tội hoặc nhầm lẫn giữa tội "Làm nhục người khác" với những tội phạm khác, như: tội "Bức tử", tội "Vu khống", tội "Hành hạ người khác" sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Từ các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội "Làm nhục người khác" đã được trình bày, tác giả sẽ phân biệt tội "Làm nhục người khác" với một số tội phạm khác nhằm làm rõ những điểm khác nhau cơ bản giữa các tội danh này với nhau. Từ đó, phần nào giúp người đọc nắm rõ, đầy đủ hơn những điểm khác nhau cơ bản giữa các tội, tránh gây nhầm lẫn trong quá trình nghiên cứu, góp phần vào việc nhận thức thống nhất và áp dụng thống nhất pháp luật.

Phân biệt tội "Làm nhục người khác" với tội "Bức tử"

Tội "Bức tử" được quy định tại Điều 130 BLHS hiện hành như sau: “1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: Đối với 02 người trở lên; Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai".

Trong CTTP cơ bản của tội "Bức tử", ta thấy nhà làm luật có quy định các hành vi phạm tội cụ thể, trong đó có hành vi “làm nhục người lệ thuộc mình” dẫn đến hậu quả làm người đó tự sát. Theo tác giả, “người lệ thuộc” trong quy định tại Điều 130 cũng tương tự như “người lệ thuộc” quy định ở các tội phạm khác trong BLHS hiện hành. Do đó, người lệ thuộc ở đây là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng .

Làm nhục người lệ thuộc mình là hành vi làm tổn thương đến nhân phẩm, danh dự người lệ thuộc mình bằng lời nói hoặc hành động, như: xỉ vả trước đám đông, tung tin thất thiệt để người khác tưởng thật là nạn nhân xấu xa . Làm nhục người lệ thuộc mình cũng có thể hiểu là hành vi cố ý làm tổn hại nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người lệ thuộc vào mình. Đây là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nạn nhân, như: chửi bới thậm tệ, bôi nhọ danh dự, nhạo báng, miệt thị hoặc những hành vi bỉ ổi khác.

Như vậy, trong các hành vi của tội "Bức tử" có một loại hành vi gần như tương đồng với hành vi được quy định trong tội "Làm nhục người khác", đó là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Tuy nhiên, hành vi “làm nhục người lệ thuộc mình” trong tội "Bức tử" cũng có điểm khác biệt với hành vi được quy định trong tội "Làm nhục người khác" ở chỗ ngoài hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự một con người cụ thể, CTTP cơ bản của tội "Bức tử" còn quy định các dấu hiệu bắt buộc đi kèm theo hành vi, đó là nạn nhân phải là người lệ thuộc người phạm tội và hậu quả làm nạn nhân tự sát, đây cũng là tội có CTTP vật chất. Đối với tội "Làm nhục người khác", chỉ cần có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nạn nhân xảy ra thì tội phạm hoàn thành, đây là tội phạm có CTTP hình thức.

Ví dụ: Chị N.N.A. là con dâu ông P.H.H, chồng chị A. là thương nhân đi làm ăn xa, cách 02 năm mới về thăm nhà một lần. Ông H. nghe dư luận chị A. có mối quan hệ bất chính với anh P.A.V. Một hôm, ông H. thấy chị A. và anh V. đi ăn sáng cùng nhau. Trưa hôm đó ông H. tra khảo chị A., nhưng chị A. không nhận là giữa chị và anh V. có quan hệ bất chính, vì vậy ông H. đã lột hết quần áo của chị A., dùng tông đơ cạo hết tóc chị A. rồi đuổi ra ngoài đường. Chị A. thấy bị sỉ nhục, quá uất ức đã uống thuốc sâu tự tử. Được biết chị A. mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không có người thân, chị sống dựa vào kinh tế từ chồng, mấy năm nay người chồng làm ăn thua lỗ nên cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của chị A. chủ yếu dựa vào kinh tế từ ông H.

Qua ví dụ, ta thấy hành vi của ông H. được xem là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của chị A., đồng thời chị A. là người lệ thuộc về vật chất, tinh thần từ ông H., do bị làm nhục nên chị A. đã tự sát. Do đó, ông H. sẽ bị truy cứu TNHS về tội "Bức tử", chứ không phải tội "Làm nhục người khác".

Phân biệt tội "Làm nhục người khác" với tội "Hành hạ người khác"

Tội "Hành hạ người khác" được quy định cụ thể tại Điều 140 BLHS hiện hành. Dựa trên quy định của BLHS hiện hành, tác giả cho rằng có thể phân biệt tội "Hành hạ người khác" và tội "Làm nhục người khác" từ dấu hiệu sau:

Tội "Hành hạ người khác" được quy định có hai hành vi ở CTTP cơ bản, đó là: “đối xử tàn ác” hoặc “làm nhục” người lệ thuộc mình. Do đó, ta thấy trong quy định hành vi của tội "Hành hạ người khác" có một hành vi gần như tương đồng với hành vi của tội "Làm nhục người khác", đó là người phạm tội có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Tuy nhiên, nạn nhân lúc này phải là người có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội, nếu bị làm nhục nhưng không có mối quan hệ lệ thuộc với người có hành vi làm nhục thì người có hành vi làm nhục không bị truy cứu TNHS về tội "Hành hạ người khác", mà tùy vào trường hợp cụ thể, người có hành vi sẽ bị truy cứu TNHS về tội "Làm nhục người khác".

Ví dụ: Dựa vào tình huống tác giả dùng để phân biệt tội "Bức tử" và tội "Làm nhục người khác". Nếu chỉ dừng lại ở hành vi của ông H. là “lột hết quần áo của chị A., dùng tông đơ cạo hết tóc chị A. rồi đuổi ra ngoài đường.” Ta thấy, mặc dù hành vi của ông H. có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của chị A. (thỏa hành vi trong CTTP cơ bản của tội "Làm nhục người khác") nhưng giữa chị A. và ông H. có mối quan hệ lệ thuộc với nhau, chính vì lẽ đó chúng ta phải xem hành vi của ông H. là hành vi làm nhục người lệ thuộc mình, thuộc hành vi khách quan của tội "Hành hạ người khác".

Phân biệt tội "Làm nhục người khác" với tội "Vu khống"

Tội "Vu khống" được quy định tại Điều 156 BLHS hiện hành. Dựa trên quy định của BLHS hiện hành, tác giả cho rằng có thể phân biệt tội "Vu khống" và tội "Làm nhục người khác" từ dấu hiệu sau:

Mặc dù hai tội danh này đều xâm phạm đến cùng khách thể, đều dẫn đến hậu quả làm xấu nhân phẩm, danh dự của người khác nhưng hành vi khách quan được quy định ở CTTP cơ bản của hai tội có những điểm khác nhau cơ bản, như: hành vi khách quan của tội "Làm nhục người khác" thể hiện bằng lời nói hoặc hành động có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác còn hành vi khách quan của tội "Vu khống" thể hiện ở việc bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Ví dụ: Do bức xúc về việc không có tên trong danh sách giới thiệu nhân sự chủ chốt của Đại hội Đảng bộ phường BB (nhiệm kỳ 2020-2025), nhằm hạ uy tín của một số người có tên trong danh sách giới thiệu nhân sự. Ngày 17/5/2020, N.H.B. đến phòng làm việc của mình tại phường BB, thị xã PY, tỉnh TN tự soạn, sau đó cho photo 250 tờ rơi có nội dung “Phường BB chuẩn bị có màn kịch hay để xem gia đình trị” nhằm vu khống, bịa đặt sự việc không có thật đối với các ông, bà gồm: ông D. T. Gi., ông D. V. Tr., ông N.Đ.H., ông H.V.H., ông H. M. H., bà N.T.H., bà N.T.Th., bà L.T.H.L., bà T.H.Nh. và ông N.Đ.H. mục đích hạ uy tín, nói xấu, bôi nhọ danh dự của những người trên trước kỳ đại hội.

Với hành vi trên, bản án Hình sự sơ thẩm của TAND thị xã P.Y, tỉnh TN đã xét xử bị cáo B. về tội "Vu khống" theo điểm c khoản 2 Điều 156 BLHS. Ngày 30/9/2020 bị cáo B. kháng cáo. Ngày 10/12/2020 Bản án hình sự phúc thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên vẫn áp dụng điểm c khoản 2 Điều 156 tuyên bị cáo B. tội "Vu khống".

Qua ví dụ trên, ta thấy mặc dù hành vi của B. có tính chất xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của các nạn nhân, tuy nhiên hành vi của B. trước hết là hành vi bịa đặt sự việc không có thật nhằm mục đích hạ uy tín, nói xấu, bôi nhọ danh dự các nạn nhân nên đã thỏa CTTP cơ bản của tội "Vu khống". Tác giả cũng cho rằng ở hai bản án Hình sự sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án có thẩm quyền áp dụng điểm c khoản 2 Điều 156 tuyên bị cáo B tội "Vu khống" là có căn cứ và đúng pháp luật vì .B phạm tội đối với 02 người trở lên (cụ thể là 10 nạn nhân).

Ngoài việc phân tích các dấu hiệu pháp lý để làm rõ các dấu hiệu của tội "Làm nhục người khác" thì tác giả còn phân biệt tội "Làm nhục người khác" với  một số tội khác trong BLHS để tìm ra những điểm khác nhau cơ bản với mục đích hạn chế nhầm lẫn trong nghiên cứu khi xác định tội danh mà người phạm tội đã thực hiện, đồng thời góp phần vào việc nhận thức thống nhất và áp dụng thống nhất pháp luật.

PHẠM MINH HIẾU

Đại học Trà Vinh

Bàn về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm