Ảnh minh họa.
Các vụ án đồng phạm thường có tính nguy hiểm cao vì trong đồng phạm, mỗi người đồng phạm khi thực hiện tội phạm có vai trò, vị trí khác nhau nhưng liên kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng thực hiện phạm tội, từ đó củng cố quyết tâm phạm tội, tạo điều kiện để những người phạm tội có thể gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho tất cả các loại quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, trong đó, có những loại quan hệ xã hội chỉ có thể bị xâm phạm bởi tội phạm có đồng phạm. Khi những người đồng phạm có “sự câu kết chặt chẽ” với nhau thành các băng, nhóm tội phạm, tổ chức tội phạm thì tính chất, mức độ nguy hiểm lại cao hơn đồng phạm thông thường.
Vì vậy, việc đấu tranh phòng, chống tội phạm có đồng phạm bằng các biện pháp trách nhiệm hình sự có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm chính là thực hiện trách nhiệm hình sự đối với những người đồng phạm. Quyết định hình phạt đúng đảm bảo cho hình phạt thực hiện được mục đích đặt ra.
Đồng phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Hình sự: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Từ quy định này có thể thấy, đồng phạm phải có ít nhất từ hai người trở lên, có đủ dấu hiệu về chủ thể chủ thể của tội phạm như về năng lực trách nhiệm hình sự, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự, đồng thời cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Như vậy, hành vi phạm tội của mỗi người là cố ý và có sự liên quan, phối hợp chăt chẽ với nhau mà không hề tách rời nhau. Nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm.
Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm phải tuân thủ các quy định chung về quyết định hình phạt bởi vì đồng phạm cũng chỉ là một hình thức phạm tội. Tuy nhiên, hình thức phạm tội đồng phạm là một trường hợp phạm tội đặc biệt nên có những đặc thù riêng khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm:
Thứ nhất, quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm trên cơ sở hoạt động định tội danh đồng phạm
Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm là giai đoạn tiếp theo của hoạt động định tội danh đồng phạm. Do đó, bắt buộc phải định tội danh đồng phạm đúng thì quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm mới chính xác. Đối với các tội phạm đơn lẻ thì việc định tội danh chỉ là việc lựa chọn quy phạm pháp luật hình sự tương ứng để đối chiếu chính xác, đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong quy phạm đó với các tình tiết thực tế để đưa ra kết luận về sự đồng nhất giữa tình tiết thực tế với cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trong đồng phạm, cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định được trong hành vi của người phạm tội có tất cả các dấu hiệu của tội phạm chung và các cơ sở trách nhiệm hình sự chung trong đồng phạm.
Cơ sở của việc định tội danh trong đồng phạm chính là việc xác định sự phù hợp giữa hành vi của người phạm tội với cấu thành tội phạm đồng phạm. Trong đó, cấu thành tội phạm đồng phạm là sự kết hợp giữa các dấu hiệu của chế định đồng phạm được quy định tại Phần chung và các dấu hiệu của tội phạm cụ thể được quy định tại điều luật Phần các tội phạm Bộ luật Hình sự. Ở đây, hành vi của người đồng phạm được xem xét không phải một cách độc lập mà ở dạng tổng thể các hành vi do những người đồng phạm khác thực hiện. Tất cả những hành vi đã được những người đồng phạm cùng thực hiện, những hậu quả có hại đã gây ra hoặc có thể gây ra bởi hành động chung của những người đồng phạm đều phải được xem xét để định tội danh đồng phạm. Đặc biệt cần quan tâm, chú ý hành vi của người thực hành bởi hành vi của người thực hành trong vụ đồng phạm là hành vi trung tâm và chế định đồng phạm được biểu hiện bởi các yếu tố của các giới hạn trách nhiệm hình sự của từng người đồng phạm và tính chất của tội phạm do người thực hành thực hiện.
Thứ hai, quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm phải tuân thủ các nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự trong đồng phạm
Để xác định trách nhiệm hình sự đối với từng người trong đồng phạm phải làm rõ ba vấn đề: (i) Hành vi nguy hiểm cho xã hội mà những người đồng phạm cùng thực hiện có phải là tội phạm không và là tội phạm gì; (ii) việc cùng thực hiện tội phạm đó có phải là đồng phạm không; (iii) tính chất và mức độ để quy trách nhiệm hình sự đối với từng người đồng phạm.
Vấn đề thứ nhất và thứ hai đã được giải quyết trong giai đoạn định tội danh đồng phạm. Còn việc xác định tính chất và mức độ hành vi của người đồng phạm chính là cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự trong đồng phạm mà ở đó quyết định hình phạt lại là một khâu quan trọng. Vì vậy, quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm phải tuân thủ các nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự trong đồng phạm. Đây là các nguyên tắc có tính riêng biệt áp dụng trong đồng phạm, bao gồm: nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm, nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm và nguyên tắc cá thể hóa TNHS của những người đồng phạm.
Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm: Trong đồng phạm, tội phạm được thực hiện do sự nỗ lực hợp tác chung của tất cả những người tham gia. Hành động của mỗi người tham gia thực hiện tội phạm là hành động liên hiệp. Hành vi của mỗi người là một bộ phận, một khâu cần thiết trong hoạt động phạm tội chung thống nhất. Hành vi của người này là tiền đề, điều kiện cho hành vi của những người đồng phạm khác. Hậu quả của tội phạm là kết quả hoạt động chung của tất cả những người cùng tham gia đưa lại. Vì vậy, khi quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm phải tuân thủ nguyên tắc tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm mà cả nhóm gây ra, bị truy tố, xét xử về cùng một tội danh, theo cùng điều luật và trong phạm vi chế tài điều luật ấy quy định.
Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về hành vi tham gia thực hiện tội phạm trong đồng phạm: Trong một vụ án đồng phạm, mỗi người đồng phạm tuy phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm mà họ cùng thực hiện, nhưng do nguyên tắc trách nhiệm cá nhân này mà khi quyết định hình phạt cho mỗi người đồng phạm phải dựa trên cơ sở hành vi cụ thể của mỗi người.
Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm: Những người tham gia tuy phạm cùng một tội nhưng tính chất và mức độ tham gia của mỗi người là khác nhau do đó tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của mỗi người cũng khác nhau. Do đó, việc xác định TNHS phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, phù hợp với những đặc điểm nhân thân người phạm tội.
Thứ ba, quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm có những căn cứ thể hiện tính chất đặc thù
Các căn cứ quyết định hình phạt là những đòi hỏi mang tính nguyên tắc vì đó chính là những biểu hiện, những đòi hỏi của các nguyên tắc quyết định hình phạt. Nếu như các nguyên tắc quyết định hình phạt là những tư tưởng chỉ đạo, tư tưởng xuất phát xác định và định hướng hoạt động của Tòa án khi áp dụng chế tài luật hình sự đối với người phạm tội thì các căn cứ quyết định hình phạt là những đòi hỏi mà Tòa án phải dựa vào đó để quyết định hình phạt đúng pháp luật, công bằng, hợp lý đối với người phạm tội. Nghĩa là, khi quyết định hình phạt, Tòa án, một mặt, phải tuân theo những tư tưởng chỉ đạo (nguyên tắc) nhất định và mặt khác, phải dựa vào những đòi hỏi (căn cứ) nhất định mới có đầy đủ điều kiện để quyết định ở mức độ cao nhất một hình phạt có khả năng đạt được mục đích hình phạt.
Cụ thể hóa tư tưởng mang tính chỉ đạo đó, theo pháp luật hình sự, khi quyết định hình phạt đối với mọi trường hợp phạm tội Tòa án phải căn cứ: các quy định của BLHS; tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; nhân thân người phạm tội; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Đồng phạm với đặc điểm là một hình thức phạm tội đặc biệt, trong đó có nhiều người cùng cố ý thực hiện một tội phạm. Những người phạm tội phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm, tuy nhiên, trách nhiệm hình sự của mỗi người đòi hỏi phải có sự phân hóa căn cứ tính chất, mức độ tham gia vào việc phạm tội của những người đồng phạm, nhân thân người phạm tội. Để có cơ sở cho việc quyết định hình phạt có tính phân hóa cho từng người đồng phạm, Tòa án không chỉ tuân thủ các quy định về các căn cứ quyết định hình phạt áp dụng cho mọi trường hợp phạm tội nói chung mà còn phải tuân thủ các quy định đặc thù áp dụng riêng cho đồng phạm.
Căn cứ để phân hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm để xác định hình phạt cho từng người đồng phạm là: Tính chất tham gia (vai trò đối với hoạt động của nhóm phạm tội); Mức độ tham gia (phần đóng góp thực tế vào quá trình thực hiện tội phạm); Mức độ lỗi; Các tình tiết về nhân thân có ý nghĩa đối với việc quyết định hình phạt.
Bên cạnh người phạm tội là thể nhân, pháp nhân thương mại cũng có thể được quy định là chủ thể của tội phạm. Khi pháp nhân thương mại cùng với pháp nhân thương mại khác hoặc cá nhân cùng cố ý thực hiện một tội phạm thì cũng là đồng phạm và phải quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm đối với loại chủ thể tội phạm này.
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm như sau: “Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm là quá trình xác định mức độ trách nhiệm và hình phạt của các đối tượng tham gia vào một tội ác hoặc hành vi phạm tội. Trong trường hợp đồng phạm, các đối tượng tham gia sẽ được xem xét về mức độ đóng góp của họ vào hành vi phạm tội và mức độ tội lỗi của họ. Dựa trên những yếu tố này, họ sẽ được xác định mức độ trách nhiệm và hình phạt tương ứng. Việc quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm là rất quan trọng để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của hệ thống pháp luật”.
Quyết định hình phạt với tư cách là một hoạt động quan trọng trong áp dụng pháp luật hình sự. Quyết định hình phạt là hoạt động thực tiễn của Tòa án do Hội đồng xét xử thực hiện căn cứ vào các quy định pháp luật hình sự, trên cơ sở kết quả của hoạt động định tội danh để xác định biện pháp xử lý tương ứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm là trường hợp quyết định hình phạt đặc biệt. Quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm phải tuân theo những đòi hỏi chung mang tính nguyên tắc như khi quyết định hình phạt đối với các trường hợp phạm tội thông thường, đồng thời phải tuân theo những nguyên tắc, căn cứ có tính riêng biệt nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với mỗi người đồng phạm.
HOÀNG LÂM
Toà án quân sự Quân khu 1
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất