Ảnh minh họa.
Về phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 (Quý Mão) và nghỉ lễ Quốc khánh 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan với 2 phương án là nghỉ 7 ngày và 9 ngày để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tham gia đối với đề xuất này, đã có một số bộ, ngành có ý kiến. Cụ thể, Bộ Nội vụ chọn phương án 1 là nghỉ Tết 7 ngày, tuy nhiên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại không chọn phương án 1 hay phương án 2 mà đề xuất nghỉ 8 ngày. Trên các diễn đàn mạng xã hội, dư luận thì có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều nhưng đa số đều nghiêng về phương án 2 là nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, thậm chí có ý kiến đề xuất nghỉ 10 ngày, tức bắt đầu từ ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần.
Nếu chọn phương án 2, công chức, viên chức, người lao động nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ ngày 21/01/2023 (thứ Bảy) đến hết Chủ nhật ngày 29/01/2023 dương lịch. Tức là kỳ nghỉ Tết sẽ kéo dài từ ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 08 tháng giêng năm Quý Mão. Theo đó, sẽ nghỉ tổng cộng 9 ngày, trong đó, có 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và 2 ngày nghỉ bù theo quy định của Bộ luật Lao động và 2 ngày nghỉ hằng tuần.
Theo quan điểm tác giả, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian nghỉ lễ rất quan trọng trong năm, có ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt, nhất là cán bộ, công chức, người lao động công tác, làm việc xa nhà, xa quê. Đây là dịp "có một, không hai" để người lao động có thể sum họp, quây quần bên cạnh người thân, gia đình, bạn bè trên quê hương thân yêu sau thời gian dài lao động vất vả, xa cách.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho vui xuân, đón Tết thì người lao động cần có thời gian nghỉ sớm trước Tết để mua sắm, trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa đón Tết đầm ấm, vui tươi. Đặc biệt, dịp Tết nhu cầu di chuyển, đi lại từ địa phương này đến địa phương khác, nhất là người dân từ các thành phố trở về quê rất lớn. Do đó, nếu kéo dài thời gian nghỉ là rất cần thiết, hợp lý nhằm giảm ùn tắc cục bộ, giảm lưu lượng giao thông để không quá tải hạ tầng, gây áp lực về giao thông cũng như phương tiện, nhân lực phục vụ di chuyển, đi lại của người dân...
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, tiện ích nhất cho cán bộ, công chức, người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động cũng như có thời gian đủ dài để ở bên gia đình, người thân trong dịp Tết. Theo đó, nên chọn phương án 2 với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày là phù hợp.
Điều này không chỉ giúp cán bộ, công chức, người lao động có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi phù hợp mà còn là giải pháp kích cầu, thúc đẩy du lịch, dịch vụ, mua sắm sau thời gian dài ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là biện pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động tại các khu công nghiệp, các nhà máy mà có một phần xuất phát từ nguyên nhân nghỉ Tết ngắn làm người lao động không được về quê dẫn đến chán nản, bỏ việc hoặc không muốn xa quê để trở lại nơi làm việc nữa.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum