(LSVN) - Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn, mạng xã hội liên tục xuất hiện tình trạng hình ảnh cá nhân bị đăng tải với mục đích xấu, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín của cá nhân. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về hành vi này? Chế tài xử lý đã thực sự đủ mạnh và hiệu quả chưa?
Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, pháp luật ghi nhận quyền tự do ngôn luận nhưng cũng bảo vệ quyền nhân thân, hình ảnh của mọi cá nhân. Hành vi sử dụng hình ảnh của người khác mà không có sự cho phép và gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm, uy tín của họ thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Hiến pháp và pháp luật ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ của mình đối với các vấn đề xã hội. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do nhân thân trong đó có quyền tự do hình ảnh của mỗi cá nhân. Việc bày tỏ thái độ quan điểm của mình đối với người khác và các vấn đề xã hội là quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, việc khen chê, đánh giá không được nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Đồng thời việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác thì phải được người có hình ảnh đó đồng ý.
Cụ thể, khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".
Khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định một số trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần phải xin phép, cụ thể như sau: "Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh".
Như vậy, căn cứ vào điểm b, khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự thì cá nhân có quyền sử dụng những hình ảnh của người khác lấy từ nơi công cộng nhưng không được làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Nếu tự ý chụp ảnh, ghi hình người khác nơi công cộng để sử dụng nhưng lại gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì đây là hành vi không được phép theo quy định của pháp luật.
"Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác kèm theo những nội dung bình luận ác ý, thiếu thiện chí dẫn đến nhiều người khác vào bình luận, thậm chí chửi bới xúc phạm đến người có hình ảnh khiến người có hình ảnh bị tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì đây là việc sử dụng hình ảnh không được phép, không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp này, người có hình ảnh có quyền căn cứ vào quy định tại khoản 3, Điều 32 Bộ luật Dân sự để yêu cầu người sử dụng hình ảnh cho phép, gỡ bỏ hình ảnh, xin lỗi, cải chính công khai, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật", Luật sư Cường cho biết.
Cụ thể khoản 3, Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định: "Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật".
Về nguyên tắc thì người nào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm ở đây có thể là bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Trường hợp hành vi là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác khiến nạn nhân bị tổn thương nghiêm trọng về đời sống, tâm lý, sức khỏe thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác”.
Khi cá nhân phát hiện bản thân hoặc người thân gặp trường hợp nêu trên cần nhanh chóng trình báo cũng như phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định. Người vi phạm sẽ phải gỡ bỏ hình ảnh do sử dụng trái phép, cải chính, xin lỗi công khai, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do danh dự nhân phẩm bị xâm hại.
Theo Luật sư, việc đấu tranh với tội phạm công nghệ cao trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đảm bảo môi trường mạng được trong sạch, lành mạnh, là môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế văn hóa xã hội có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với hành vi này vẫn còn chưa thực sự hiệu quả, đủ sức răn đe bởi trong thời gian qua, thực trạng sử dụng hình ảnh của người khác đăng tải lên mạng xã hội nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm,... vẫn xảy ra rất nhiều.
Đấu tranh với những thông tin sai sự thật, tiêu cực trên không gian mạng còn thể hiện sự công bằng, thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đời sống xã hội hoặc trong không gian mạng gây tổn hại đến các quan hệ xã hội thì đều bị xử lý trước pháp luật. Việc xử lý đối với những hành vi này tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của nhà nước, của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
TIẾN HƯNG
Hoàn thiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai