Đề xuất bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu không có nơi bảo quản
Mới đây, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan soạn thảo đã có đề xuất bổ sung quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.
Cụ thể, dự thảo đề xuất bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Ảnh minh họa.
Theo đó, trong thời gian xác định người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại điểm a và điểm b khoản này, mà có căn cứ cho rằng nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng, không bán được hoặc hết thời hạn sử dụng hoặc không có địa điểm và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản thì người có thẩm quyền quyết định việc xử tổ chức bán ngay theo giá thị trường và việc bán phải được lập thành biên bản.
Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại Kho bạc Nhà nước. Nếu hết thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo Bộ Tư pháp, quy định trên góp phần rút ngắn thời gian, quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, khắc phục những bất cập kéo dài xuất phát từ tình trạng “tồn đọng”, “quá tải” trong bảo quản, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua.
Đồng thời, giúp tránh thất thoát, lãng phí, tạo điều kiện để “khơi thông nguồn lực” cho công tác quản lý nhà nước và phát triển đất nước.
Tại Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4/2025, Chính phủ đã cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó đáng chú ý, về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, Chính phủ thống nhất với dự thảo Luật quy định theo hướng dự kiến bổ sung quy định cho phép xử lý kịp thời tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ mà đối tượng vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận và không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện nhằm tránh gây hư hỏng, lãng phí tài sản; bảo đảm quyền, lợi ích của các bên liên quan, tránh gây lãng phí xã hội.
Tại Phiên họp thứ 44 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng về việc bổ sung quy định này để vừa bảo đảm chặt chẽ, hài hòa với yêu cầu tôn trọng quyền sở hữu tài sản của công dân được Hiến pháp bảo vệ, nhưng cũng bảo đảm yêu cầu xử lý vụ việc nhanh, gọn và chống lãng phí tài sản.
Cần phải có sự nghiên cứu, xem xét và đánh giá một cách cẩn trọng
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, việc bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian xử lý, hạn chế được việc tồn đọng, quá tải trong lưu giữ, quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thời gian qua, cũng như tránh được việc tài sản bị hư hỏng, hoặc hết thời hạn sử dụng, gây lãng phí và thiệt hại về tài sản cho cả người dân và nhà nước. Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của công dân – một trong các quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp và được pháp luật bảo vệ. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải có sự nghiên cứu, xem xét và đánh giá một cách cẩn trọng, để đảm bảo sự phù hợp, tránh việc xâm phạm đến các quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của công dân.
Mặc dù, quyền sở hữu là quyền cơ bản, rất quan trọng của công dân nhưng pháp luật cũng không thể bảo vệ một cách “tuyệt đối” và cứng nhắc mà cần có sự linh hoạt, đặt trong sự “cân bằng” và “giới hạn” phù hợp với các điều kiện thực tế và các tình huống pháp lý cụ thể. Do đó, đây là quy định cần thiết, nếu không có quy định này thì sẽ gây khó khăn, vướng mắc rất lớn trong việc xử lý đối với các tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là các loại tài sản nhanh hư hỏng, sắp hết thời hạn sử dụng, hoặc các cơ quan chức năng không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản. Khi các tài sản này bị hư hỏng hoặc hết giá trị sử dụng thì không chỉ quyền sở hữu của công dân không được bảo vệ mà còn gây ra những sự thiệt hại, lãng phí về tài sản cho chính người dân và Nhà nước.
Vấn đề là pháp luật cần có những quy định chặt chẽ về thẩm quyền, căn cứ và trình tự, thủ tục bán, giá bán, để tránh được việc tùy tiện hoặc các tiêu cực trong việc xử lý, đảm bảo được các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân. Đồng thời, pháp luật cũng cần phải có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có vi phạm, cũng việc bồi thường thiệt hại cho công dân và Nhà nước khi xảy ra sai phạm, gây thất thoát, thiệt hại hoặc lãng phí về tài sản.
Hiện nay, khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 125 của Luật này khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:
- Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 của Luật này khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành việc thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho người vi phạm biết.