Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4, 5 Điều 7 về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản xảy ra ở khu vực biên giới biển, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, xây dựng xảy ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu quy định tại Điều 14 Nghị định 96/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc xử phạt đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 2 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP được thực hiện như sau:
- Hành vi công dân Việt Nam qua biên giới sang lãnh thổ nước có chung đường biên giới hoặc nước thứ ba khai thác rừng, phá rừng, săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng, tàng trữ, vận chuyển mua bán, chế biến lâm sản trái quy định của pháp luật, nếu chưa bị nước sở tại xử lý và hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 13 (Khai thác rừng trái pháp luật), Điều 20 (Phá rừng trái pháp luật), Điều 21 (Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật rừng), Điều 22 (Vận chuyển lâm sản trái pháp luật) và Điều 23 (Tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật) Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thú y; chăn nuôi;
- Hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chế biến lâm sản có nguồn gốc bên kia biên giới trái pháp luật trong khu vực biên giới và hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 22 (Vận chuyển lâm sản trái pháp luật) và Điều 23 (Tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật) Nghị định số 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 07/2022/NĐ-CP.
Việc xử phạt đối với hành vi mua bán, trao đổi, vận chuyển, tàng trữ trái phép qua biên giới quốc gia các chất gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; gây mất vệ sinh công cộng, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan khu vực cửa khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 2 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, Nghị định số 96/2020/NĐ-CP.
Đối với hành vi vi phạm quy định về khảo sát, lập quy hoạch, quy hoạch đô thị; điều chỉnh quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đô thị; khởi công, thi công xây dựng công trình và trật tự xây dựng xảy ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 96/2022/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP và theo quy định của khoản 2 Điều 4 Nghị định của Chính phủ số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 8 (Vi phạm quy định về khảo sát xây dựng), Điều 9 (Vi phạm quy định về lập quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đô thị), Điều 15 (Vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình), Điều 16 (Vi phạm quy định về trật tự xây dựng), Điều 17 (Vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình) Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng; thẩm quyền xử phạt, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, Nghị định số 96/2020/NĐ-CP.
Theo Bộ Quốc phòng, ngày 06/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu; quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Điều 2 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2020/NĐ-CP.
Nội dung sửa đổi tập trung những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 96/2020/NĐ-CP và các nội dung sửa đổi để phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 gồm: Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; hình thức xử phạt, nguyên tắc xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản xảy ra ở khu vực biên giới biển, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, xảy ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu; sửa đổi, bổ sung các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và việc phân định thẩm quyền xử phạt.
Trong các nội dung sửa đổi Nghị định số 96/2020/NĐ-CP, có một số nội dung cần hướng dẫn để triển khai thực hiện mà Thông tư số 173/2020/TT-BQP chưa hướng dẫn hoặc có hướng dẫn nhưng không còn phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật thời điểm hiện tại như: Hành vi "Nổ súng săn bắn trong phạm vi 1000 mét tính từ đường biên giới trên đất liền mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự"; việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật quy định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến các lĩnh vực lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, xây dựng xảy ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Thông tư 173/2020/TT-BQP.
Để triển khai thực hiện thống nhất Nghị định số 37/2022/NĐ-CP trong các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, việc ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 173/2020/TT-BQP quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là cần thiết.
PV
Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện trong các vụ án dân sự