/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Di sản - Lịch sử trong mối quan hệ với pháp luật

Di sản - Lịch sử trong mối quan hệ với pháp luật

05/09/2022 17:52 |

(LSVN) - Trước thông tin lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến (huyện Côn Đảo) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã có những băn khoăn trong dư luận về truyền thuyết bà Phi Yến. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Sở VHTT) đã tổ chức họp báo thông tin liên quan đến Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này vào trưa ngày 21/4/2022(1). Ông Trần Công Sơn, Trưởng phòng Quản lý văn hóa và di sản văn hóa (Sở VHTT) cho biết, hồ sơ lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được thực hiện trên cơ sở pháp lý hiện hành, đề xuất của cộng đồng dân cư và UBND huyện Côn Đảo, đáp ứng các tiêu chí theo quy định. Cụ thể, lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến đáp ứng đầy đủ tiêu chí lựa chọn để lập hồ sơ khoa học trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Điều 10 Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010; trình tự, thủ tục lập và gửi hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với di sản này được thực hiện đúng quy định và hồ sơ đầy đủ thành phần theo Điều 11 Thông tư 04 nêu trên. Bên cạnh đó, ý kiến thẩm định của Hội đồng Thẩm định di sản văn hóa phi vật thể đã khẳng định: Di sản hiện diện tại vùng biển đảo, có giá trị bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hình tượng bà Thứ phi nêu tấm gương đạo đức. Thống nhất thông qua, đưa di sản vào Danh mục quốc gia. Do vậy, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL ngày 04/4/2022 công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến.

Quần thể di tích cố đô Huế.

Trao đổi với Báo Tuổi Trẻ về vấn đề này, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho biết, hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh An Sơn Miếu (Miếu An Sơn, nơi diễn ra lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Quyết định số 1442/QĐ.UB ngày 18/4/2007) và Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến đều thể hiện bà Hoàng Phi Yến - Lê Thị Răm, Thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh - là nhân vật truyền thuyết. Đây là một biểu đạt văn hóa/thực hành văn hóa đáp ứng các tiêu chí theo định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể) và tại Luật Di sản văn hóa, để được nhận diện là một di sản văn hóa phi vật thể. Việc đưa di sản này vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là sự ghi nhận sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng cư dân trên đảo, được pháp luật công nhận và bảo vệ; đồng thời là sự ghi nhận các giá trị, vai trò và ý nghĩa của lễ hội với cộng đồng cư dân, cũng như vai trò của cộng đồng đối với việc sáng tạo và duy trì, trao truyền bản sắc văn hóa của họ để tạo nên sự đa dạng văn hóa của các dân tộc Việt Nam(2).

Chúng tôi cho rằng nhận định như trên của đại diện Cục Di sản văn hóa là thiếu khách quan và trái với nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân và về phát triển bền vững được quy định tại Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003. Bởi lẽ: dòng họ Nguyễn Phúc là một cộng đồng người được lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ. Việc Bộ VH-TT&DL công nhận lễ giỗ bà Phi Yến là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự thiếu tôn trọng dòng họ Nguyễn Phúc bởi di sản đó đã xúc phạm lên nhân vật lịch sử tiêu biểu là Hoàng Đế Gia Long, người đã khai mở vương triều Nguyễn, thống nhất quốc gia và đã có công đặt tên Việt Nam tồn tại hơn 200 năm lịch sử.

Hơn thế nữa, việc Bộ VH-TT&DL công nhận lễ giỗ bà Phi Yến là di sản phi vật thể cấp quốc gia vô hình trung đã làm hạ thấp giá trị quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa được UNESCO công nhận năm 1993 tồn tại gần 30 năm. Quần thể di tích cố đô Huế là di tích đặc biệt cấp quốc gia được Nhà nước và Chính phủ Việt Nam công nhận, giữ gìn, trong những năm vừa qua và kế tiếp được chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong quần thể di tích đó có Thế Tổ Miếu là nơi thờ tự vị Hoàng đế khai mở vương Triều và các đời vua kế tiếp, có Lăng tẩm Hoàng đế Gia Long. Điều này còn trái với Điều 4 quy định những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa của Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa. Khoản 2, Điều 4 quy định những hành vi gây nguy cơ hủy hoại hoặc làm giảm giá trị di sản văn hóa phi vật thể như sau:

a) Phổ biến và thực hành sai lệch nội dung văn hóa phi vật thể.

b) Tùy tiện đưa những yếu tố mới không phù hợp làm giảm giá trị văn hóa phi vật thể.

c) Lợi dụng việc tuyên truyền, phổ biến, trình diễn, truyền dạy văn hóa phi vật thể để trục lợi và thực hiện các hành vi khác trái pháp luật.

Về giá trị lịch sử

Lễ giỗ bà Phi Yến không có giá trị lịch sử bởi những lẽ sau:

- Vua Gia Long khi còn bôn tẩu không lập hoàng hậu, lúc đó Nhà vua chưa xưng Hoàng Đế. Hoàng Phi Yến là một tên gọi không xuất hiện trong chính sử nhà Nguyễn.

- Theo Ban quản lý di tích huyện Côn Đảo, năm 1783, sau khi thua quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh mang theo vợ, con và khoảng 100 gia đình thuộc hạ chạy ra đảo Côn Sơn. Cùng với những người dân chài đang sinh sống ở Côn Sơn, Nguyễn Ánh đã lập nên 03 làng là: An Hải, An Hội và Cỏ Ống. Để đánh lại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh dự định gửi con cả là hoàng tử Cải đi theo cố đạo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến (tên tục là Lê Thị Răm, Thứ phi của Nguyễn Ánh) ngỏ lời khuyên Nguyễn Ánh. Nguyễn Ánh không những không nghe còn nghi bà thông đồng với quân Tây Sơn nên đã giam bà vào một hang đá trên đảo Côn Lôn nhỏ. Khi quân Tây Sơn đánh ra đảo, Nguyễn Ánh bỏ chạy ra biển. Hoàng tử Cải, con bà Phi Yến lúc đó mới 04 tuổi đòi mẹ đi cùng. Trong cơn tức giận và nghĩ rằng bụng dạ Cải rồi cũng như mẹ nó nên Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải đã trôi vào bãi biển Cỏ Ống. Dân làng đã chôn cất hoàng tử(3). Trên cơ sở dữ liệu do Ban quản lý di tích huyện Côn Đảo cung cấp cho thấy đây là một sự kiện gán ghép không có giá trị lịch sử. Bởi lẽ người con cả của vua Gia Long là hoàng tử Cảnh được gửi cho Bá Đa Lộc lúc đó 04 tuổi, sinh mẫu của hoàng tử Cảnh là nguyên phi Tống Thị Lan tức Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, không phải là Lê Thị Răm. Hoàng đế Gia Long không có con mang tên là Cải, Hoàng tộc phổ nhà Nguyễn không có tên hoàng tử Cải. Chính vì vậy về giá trị lịch sử không đáp ứng yêu cầu.

Hình tượng bà thứ phi có nêu tấm gương đạo đức?

Hình tượng bà Phi Yến là một hình tượng không có thật. “Đạo đức” là có thật, phạm trù đạo đức thể hiện tính trung thực vốn có của loài người. Một danh phận hư cấu, không thực, được truyền miệng trong dân gian mang hàm ý bôi nhọ lịch sử làm hạ thấp danh dự một nhân vật lịch sử đang được tôn thờ trong Thế Tổ Miếu nằm trong quần thể di sản văn hóa nhân loại Cố Đô Huế được UNESSCO công nhận năm 1993, cho đến nay Nhà nước công nhận, giao cho chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thay mặt nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và nhân dân huyện Côn Đảo gìn giữ và phát huy giá trị di sản đó. Việc Cục Di sản văn hóa nhìn nhận “hình tượng bà thứ phi nêu tấm gương đạo đức” theo như lời của ông Trần Công Sơn - Trưởng phòng Quản lý văn hóa và di sản văn hóa (Sở VHTT) là không có căn cứ để chấp nhận.

Di sản hiện diện tại vùng biển đảo, có giá trị bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Mọi công trình được xây dựng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bao gồm vùng trời, vùng biển, rừng núi, hải đảo đều nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những công trình được xây dựng trên hải đảo đều được nhìn nhận để bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có những công trình chủ quyền biển đảo Việt Nam gắn liền với Hoàng đế Gia Long. Di sản vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận không đại diện cho các công trình xây dựng khác để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Về mặt thời gian tồn tại, “năm 1958, chính quyền chế độ cũ đã xây dựng miếu thờ Bà Phi Yến đặt tên là “An Sơn Miếu”(4).

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, việc ghi danh lễ giỗ bà Phi Yến ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được xem xét ở góc độ của Luật Di sản văn hóa và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa năm 2003, không xem xét dựa trên yếu tố lịch sử(5).

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cũng cho rằng “không xem xét yếu tố lịch sử” lễ giỗ bà Phi Yến trong danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia, như vậy là trái với quy định tại khoản 1, Điều 4, Luật Di sản văn hóa: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”. Xác định giá trị lịch sử là một yếu tố cấu thành của di sản văn hóa phi vật thể.

Cục trưởng cũng cho rằng Điều 10 của Thông tư 04/2010 về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể quy định tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ khoa học đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí sau đây: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Đây là những tiêu chí về hình thức để công nhận một di sản văn hóa cấp quốc gia, những tiêu chí đó phải phù hợp về mặt nội dung thì mới đủ yếu tố để khẳng định giá trị pháp lý đầy đủ của di sản văn hóa phi vật thể. Một di sản văn hóa mới hình thành không được phép làm hạ thấp một di sản văn hóa khác đã được nhìn nhận trước thời điểm di sản văn hóa mới được nhìn nhận. Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận từ năm 1993 đã tồn tại gần 30 năm cho đến ngày nay. Lễ giỗ bà Phi Yến không được phép tồn tại những dấu hiệu thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng người, nhóm người, cá nhân được quy định tại tiết 1, Điều 2, Công ước 2003 Bảo vệ di sản phi vật thể. Yếu tố lịch sử cũng được Công ước thừa nhận trong bảo vệ di sản phi vật thể, lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu, lịch sử huyện Côn Đảo gắn liền với lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.

Kết luận

Tác giả xin có ý kiến cá nhân trên tinh thần khoa học mang giá trị pháp lý của một di sản cấp quốc gia, kiến nghị Bộ VH-TT&DL căn cứ đoạn 2, khoản 2, Điều 18, Luật Di sản văn hóa: “Trong trường hợp di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà sau đó có cơ sở xác định không đủ tiêu chuẩn thì Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quyết định đưa ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đề nghị Bộ VH-TT&DL ban hành quyết định thu hồi Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL ngày 04/4/2022 đưa lễ giỗ bà Phi Yến ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

(1)  Chưa tính đến việc xin rút lễ giỗ bà Phi Yến ra khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, https://tuoitre.vn/chua-tinh-den-viec-xin-rut-le-gio-ba-phi-yen-khoi-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-20220421160539739.htm, ngày 26/4/2022.

(2) Lễ giỗ bà Phi Yến vì sao giới sử học băn khoăn?, https://tuoitre.vn/le-gio-ba-thu-phi-hoang-phi-yen-thanh-di-san-quoc-gia-vi-sao-gioi-su-hoc-ban-khoan-20220418230010885.htm, ngày 26/4/2022.

(3) Lần đầu tiên Bà Rịa - Vũng Tàu có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, https://plo.vn/lan-dau-tien-ba-ria-vung-tau-co-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post675026.html, ngày 24/4/2022.

(4) Lần đầu tiên Bà Rịa - Vũng Tàu có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nguồn đã dẫn.

(5) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên tiếng về kiến nghị rút lễ giỗ bà Phi Yến ra khỏi danh mục di sản văn hóa quốc gia, nguồn đã dẫn.

Thạc sĩ TÔN THẤT NHÂN TƯỚC

Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Một số vấn đề về nghị án được quy định tại Điều 326 BLTTHS

Lê Minh Hoàng