/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Điểm mới về hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư 2020

Điểm mới về hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư 2020

11/05/2021 15:19 |

(LSVN) - Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư của mình tại Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động kinh doanh ở nước ngoài. Đây là hoạt động không thể thiếu khi đất nước đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

  Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law.

Việt Nam luôn khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Để thực hiện được những mục đích đó, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, tiến bộ, theo kịp với thực tế. Luật Đầu tư 2020 ra đời đã có một số quy định góp phần nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Điểm mới về hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư 2020

Thứ nhất, bổ sung ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài

Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 83/2015/NĐ – CP quy định về đầu tư ra nước ngoài không đề cập đến những ngành nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, điều này đã được thay đổi trong Luật Đầu tư 2020. Điều 53 Luật Đầu tư 2020 quy định các ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư 2020 và các điều ước quốc tế có liên quan, có thể kể đến như: kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, mại dâm, pháo nổ, vũ khí,…

- Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.

- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Thứ hai, bổ sung ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện

Tương tư như các ngành nghề bị cấm, Luật Đầu tư 2014 và các Nghị định liên quan không có quy định về ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện nhưng sang Luật Đầu tư 2020, vấn đề này đã được bổ sung tại Điều 54 Luật Đầu tư 2020. Theo đó, có 05 ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, bao gồm: Ngân hàng; Bảo hiểm; Chứng khoán; Báo chí, phát thanh, truyền hình; Kinh doanh bất động sản.

Điều kiện đầu tư ra nước ngoài trong 05 ngành, nghề quy định nêu trên được quy định tại Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên. Mỗi ngành lại có những điều kiện khác nhau, căn cứ vào văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Thứ ba, bổ sung quy định về sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài

Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 67 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trong trường hợp: “Tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký”. Nếu như trong Luật Đầu tư 2020 thì chỉ có hai trường hợp được sử dụng lợi nhuận để đầu tư ở nước ngoài là tăng vốn và thực hiện dự án đầu tư khác ở nước ngoài thì nay đã thêm một trường hợp khác. Đây là quy định mới, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư khi đầu tư ra nước ngoài.

Thứ tư, bổ sung chế tài đối với nhà đầu tư vi phạm quy định về chuyển lợi nhuận về nước

Cụ thể, khoản 3 Điều 68 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa chuyển lợi nhuận về nước và không thông báo hoặc trường hợp quá thời hạn được kéo dài quy định tại khoản 2 Điều này mà nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.” Tuy nhiên, cơ chế xử lý ra sao thì hiện tại chưa có quy định hay văn bản hướng dẫn cụ thể.

Những điểm nhà đầu tư cần lưu ý

Với sự thay đổi như trên, nhà đầu tư cần phải lưu ý những điểm sau đây:

Đầu tiên, các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ lượng quy định pháp luật liên quan của nước mà mình có ý định đầu tư cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên hoặc ký kết với nhau bởi lẽ có thể có những ngành, nghề mà nước mình cho phép kinh doanh nhưng nước họ lại cấm. Ngoài ra, khi mình đầu tư ra nước ngoài tức là đã tham gia vào “sân chơi” của họ thì mình phải nắm được “luật chơi” để có thể giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, một điểm quan trọng mà các nhà đầu tư cũng cần lưu ý là thời hạn chuyển lợi nhuận về nước. Nhà đầu tư có thời hạn 06 tháng kể từ khi nhận được báo cáo thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật để chuyển lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác về Việt Nam.

Nếu hết thời hạn này mà nhà đầu tư vẫn không chuyển về được thì phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước này được kéo dài không quá 12 tháng kể từ khi hết thời hạn lần 1. Nếu hết 2 thời hạn trên mà chủ đầu tư không đưa được lợi nhuận về Việt Nam thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư NGUYỄN THANH HÀ

Chủ tịch Công ty Luật SB Law

Thu tiền từ nền tảng mạng xã hội: Luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể

Lê Minh Hoàng