/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Điều kiện mang thai hộ theo pháp luật Việt Nam và một số đề xuất hoàn thiện

Điều kiện mang thai hộ theo pháp luật Việt Nam và một số đề xuất hoàn thiện

27/01/2025 09:04 |3 tháng trước

(LSVN) - Ngày 01/01/2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành. Một trong những điểm nổi bật của Luật này là chế định về mang thai hộ - vấn đề gây tranh cãi và phản ánh nhiều mặt của xã hội và gia đình, đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức, quyền lợi của người mang thai hộ và những hệ lụy về mặt tâm lý và xã hội. Bài viết dưới đây, các tác giả sẽ phân tích về điều kiện mang thai hộ theo pháp luật Việt Nam, đồng thời đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này.

Nhận thức chung về mang thai hộ 

Trong lịch sử phát triển của tự nhiên nói chung và xã hội loài người nói riêng, mang thai là hiện tượng thuộc về bản năng, là thiên chức của người phụ nữ và việc mang thai là một trong những yếu tố quyết định tới việc duy trì nòi giống. Mang thai ở đây là quá trình nhằm duy trì nòi giống và tái tạo sức lao động cho xã hội.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp khi vợ chồng kết hôn trong một thời gian dài mà không sinh con có thể gây áp lực và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình; bởi con cái được xem là trụ cột duy trì sự ổn định trong gia đình. Nhưng không phải cá nhân nào cũng may mắn được thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ một cách tự nhiên và dễ dàng theo quy luật vốn có. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế và thay đổi quan niệm về gia đình, việc mang thai hộ đã trở thành một vấn đề thu hút sự chú ý lớn với cả cộng đồng Việt Nam và quốc tế.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mang thai hộ là một cụm từ xuất hiện và tồn tại từ rất lâu, dân gian hay hiểu mang thai hộ là “đẻ thuê, đẻ mướn”, tức là hình thức mang thai theo nghĩa sinh học thông thường giữa người chồng và người được thuê, mướn. Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, cùng với sự phát triển của nền khoa học kỹ thuật thì mang thai hộ đã được hiểu theo nghĩa hẹp hơn và được ghi nhận là một trong các chế định mới của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ năm 2014). Theo đó, “mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”(1).

Như vậy, mang thai hộ được hiểu là việc một người phụ nữ mang thai cho một cặp vợ chồng khác trên cơ sở lấy trứng (noãn) của người vợ và tinh trùng của người chồng sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để kết hợp, phát triển thành phôi, phôi này được cấy trở lại dạ con của người phụ nữ mang thai hộ. Thông qua quá trình này thì phôi mà bên mang thai hộ mang là do sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nên dưới góc độ sinh học thì đứa trẻ sinh ra sẽ có cùng quan hệ huyết thống với cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, pháp luật chỉ thừa nhận và bảo hộ việc mang thai hộ vì mục mục đích nhân đạo, giúp đỡ cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, các trường hợp mang thai hộ vì các mục đích khác như thương mại hoặc để làm mẹ đứa bé (chiếm đoạt đứa bé sau khi mang thai hộ)… đều không được pháp luật cho phép. 

Điều kiện mang thai hộ theo pháp luật Việt Nam

Điều kiện mang thai hộ là một trong những nội dung quan trọng của chế định mang thai hộ, được quy định tại Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2014 và Văn bản hợp nhất số 02/2019/VBHN-BYT ngày 30/01/2019 của Bộ Y tế quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Nghị định số 98/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2015/ NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Nghị định số 155/2018/ NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Theo đó, pháp luật Việt Nam quy định trường hợp mang thai hộ phải thỏa mãn các điều kiện sau:

Thứ nhất, về ý chí của các bên tham gia quan hệ mang thai hộ

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên mà không bị áp đặt, ép buộc hoặc lừa dối và được lập thành văn bản. Điều này nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia quan hệ mang thai hộ, tránh xảy ra những tranh chấp pháp lý giữa các bên. Đồng thời, bảo đảm sự tôn trọng quyền tự do và tự quyết của các bên trong quan hệ mang thai hộ.

Thứ hai, về điều kiện của bên nhờ mang thai hộ

Bên nhờ mang thai hộ là bên chủ động xác lập quan hệ pháp luật mang thai hộ và phải thỏa mãn điều kiện pháp lý sau đây về hoàn cảnh thực tế và điều kiện y tế:

Một là, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Mang thai hộ chỉ được đặt ra đối với những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Vợ chồng trong trường hợp này phải là những người có hôn nhân hợp pháp, nghĩa là phải đăng ký kết hôn hoặc quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật HN&GĐ năm 1986 có hiệu lực). Do đó, bên nhờ mang thai hộ phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2014. Xác nhận này để bảo đảm hoàn toàn việc người vợ không có khả năng sinh con. Điểm đ khoản 1 điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định trong hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần có: “Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”. Giấy xác nhận này mang ý nghĩa quan trọng và cần sự chính xác hoàn toàn vì vậy cơ sở y tế có khả năng thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm để hỗ trợ sinh sản mới có đủ chuyên môn cần thiết để đánh giá đúng về tình trạng của người vợ xem có khả năng mang thai sinh con hay có thể áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hay không.

Hai là, vợ chồng đang không có con chung.

Luật HN&GĐ năm 2014 quy định một trong những điều kiện đối với bên nhờ mang thai hộ là vợ chồng đang không có con chung. Quy định này có thể hiểu vợ chồng nhờ mang thai hộ phải chưa từng có con chung cho đến thời điểm nhờ người mang thai hộ hoặc vợ chồng nhờ mang thai hộ có thể đã từng có con chung nhưng ở thời điểm hiện nay đứa con đã không còn sống, vì thế họ muốn có thêm con, nhưng lại không thể do không thụ thai được nữa. Trong trường hợp vợ chồng đã có con riêng nhưng đang không có con chung thì vẫn thuộc trường hợp được nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, nếu vợ chồng không có con riêng nhưng có con chung, con chung đó đã cho người khác nhận nuôi hoặc bị mắc chứng bệnh tâm thần hoặc một số bệnh khác làm cho đứa con không phát triển được bình thường thì lại không được nhờ mang thai hộ. Với điều kiện trên, vợ chồng có con nhưng con bị bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh nếu muốn sinh thêm con nữa thì không thể nhờ mang thai hộ.

Ba là, đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Do mang thai hộ là một biện pháp phức tạp về mọi mặt nên người nhờ mang thai hộ cần phải được chuẩn bị đầy đủ những thông tin, kiến thức trong cả quá trình mang thai hộ về y tế, pháp lý và tâm lý.

Các tư vấn y tế bao gồm nêu ra một số nội dung tư vấn y tế cần thiết gồm: các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi; quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ; các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ; tỷ lệ thành công của kỹ thuật có thể rất thấp nếu dự trữ buồng trứng của người vợ thấp hoặc người vợ trên 35 tuổi; chi phí điều trị cao; khả năng đa thai(2). Các nội dung tư vấn này để vợ chồng quyết định mang thai hộ xác định được rõ khả năng thành công của hoạt động này dưới góc độ y tế, để họ chuẩn bị về tâm lý, thời gian, kinh tế cũng như các vấn đề khác khi tiến hành thực hiện trên thực tế. Tư vấn về pháp lý là cung cấp thông tin về những điều kiện, thủ tục cần thiết về mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ cần nắm được, giải đáp thông tin để người nhờ mang thai hộ biết và hiểu được quyền cũng như nghĩa vụ của mình. Từ đó người mang thai hộ sẽ có những ứng xử phù hợp, hạn chế phát sinh tranh chấp giữa các bên trong quan hệ mang thai hộ.

Tư vấn tâm lý cũng là việc cần thiết đối với bên nhờ mang thai hộ dù người nhờ mang thai hộ không trải qua cảm giác mang thai và sinh con nhưng họ vẫn cần chuẩn bị tâm lý để đón nhận đứa trẻ, sẵn sàng làm mẹ. Cụ thể: các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh; hành vi, thói quen của người mang thai hộ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ; tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con; thất bại và tốn kém với các đợt điều trị mang thai hộ có thể gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi; các nội dung khác có liên quan(3).

Thứ ba, về điều kiện của bên nhận mang thai hộ

Bên nhận mang thai hộ là người phụ nữ sẵn sàng hỗ trợ bên nhờ mang thai hộ và thiết lập quan hệ pháp luật mang thai hộ khi đồng ý với tiến trình này. Để hạn chế các tranh chấp xảy ra cũng như tăng khả năng thành công của quá trình mang thai hộ, đạt kết quả tốt nhất đồng thời hạn chế các vấn đề liên quan đến truyền thống văn hóa của người Á Đông sau khi việc mang thai hộ thành công, pháp luật quy định các điều kiện về bên nhận mang thai hộ với những điều kiện đặc biệt sau:

(i) Người nhận mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

Điểm a khoản 3 Điều 95 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: Người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ được giải thích tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP là “anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”. Quy định này đã phần nào giải quyết được khúc mắc về nội hàm của khái niệm “người thân thích cùng hàng” được đặt ra trong Luật HN&GĐ năm 2014 nhằm hạn chế tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ.

(ii) Người nhận mang thai hộ phải là người đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần.

Điều kiện này để bảo đảm rằng người mang thai hộ đã có kinh nghiệm cho việc mang thai và bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và con. Người đã từng mang thai sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc và giữ gìn thai nhi hơn cũng như biết cách phòng ngừa những biến chứng, những tác động không tốt đến sức khỏe của thai nhi từ đó ảnh hưởng tới sự thành công của việc mang thai hộ. Hơn nữa, người đã từng mang thai sẽ hiểu được những ảnh hưởng về sức khỏe và đặc biệt là tâm lý của thai nhi mang lại, từ đó sẽ hạn chế được phần nào khả năng tranh chấp có thể phát sinh giữa hai bên do việc phát sinh tình cảm gắn kết giữa người mang thai hộ và đứa trẻ. Pháp luật cũng quy định người mang thai hộ chỉ được mang thai hộ một lần nhằm bảo đảm sức khỏe cho người mang thai hộ, đồng thời hạn chế được việc biến tấu mang thai hộ trở thành dịch vụ đã được thương mại hóa.

(iii) Người nhận mang thai hộ phải là người đang ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.

Luật HN&GĐ năm 2014 chỉ quy định người được nhờ mang thai hộ phải ở độ tuổi phù hợp mà chưa chỉ rõ đó là độ tuổi nào. Theo TS. Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản Nhi, Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh: “Độ tuổi mang thai tốt nhất trung bình khoảng 22-33 tuổi”(4). Đây được cho là độ tuổi làm mẹ tốt nhất, bởi từ 22-33 tuổi là lúc cơ thể của người mẹ được phát triển toàn diện, người mẹ đã có kiến thức cơ bản, tâm lý ổn định và có nguồn tài chính độc lập. Đối với người phụ nữ quá trẻ khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ và cũng chưa sẵn sàng về cả mặt tâm lý lẫn sinh lý nên mang thai sẽ dễ dẫn đến sẩy thai hoặc các hiện tượng khác như thai yếu, sinh non. Ngoài ra, đối với phụ nữ trên 35 tuổi thì khả năng mang thai giảm so với độ tuổi dưới 30, và nguy cơ trẻ mắc bệnh Down và các hiện tượng đột biến gene cũng tăng cao. Tỉ lệ này là 1/400 đối với độ tuổi 35 và sẽ dần tăng lên mức 1/109 ở các bà mẹ sinh con khi ở tuổi 40. Khi ở tuổi 45, nguy cơ này là 1/32 (so với tỉ lệ 1/1.500 ở tuổi 25).

(iv) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Điều kiện này thể hiện sự tôn trọng về mặt pháp lý của vợ chồng nhờ mang thai hộ và cả người mang thai hộ đối với chồng mình khi quyết định một chuyện hệ trọng có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Hơn nữa, mang thai hộ là một vấn đề phức tạp, để tránh được tối đa những tranh chấp có thể xảy ra, người vợ nhận mang thai hộ phải có sự đồng ý của người chồng để hai vợ chồng có sự thoải mái trong tâm lý giúp cho việc mang thai hộ diễn ra thuận lợi và sự đồng ý phải được thể hiện bằng văn bản.

Như vậy, các điều kiện để được thực hiện mang thai hộ tương đối chặt chẽ đối với cả bên nhờ mang thai hộ và bên nhận mang thai hộ. Điều này là cơ sở để bảo đảm quyền lợi cho các chủ thể trong quan hệ mang thai hộ và bảo đảm một cách tốt nhất quyền lợi của đứa trẻ được sinh ra. Đồng thời, góp phần kiểm soát việc mang thai hộ được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật và hạn chế các trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn

Tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn ở Việt Nam khoảng 7,7% tổng số cặp vợ chồng, trong đó, ước tính khoảng 50% có độ tuổi dưới 30. Tình trạng trẻ hóa vô sinh, hiếm muộn, đặc biệt là vô sinh thứ phát đang có xu hướng gia tăng, không chỉ đe dọa đến hạnh phúc của mỗi gia đình mà còn là vấn đề lớn đối với dân số Việt Nam(5). Do đó, nhu cầu về việc nhờ mang thai hộ là rất lớn. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1998 và đến tháng 11/2023 đã có 147.000 trẻ ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, khoảng 400 trẻ ra đời bằng kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo(6). Ngay sau khi Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực, đã có 60 hồ sơ mang thai hộ được duyệt tại Bệnh viện Phụ sản trung ương. Điều này cho thấy các điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã góp phần giải quyết được bài toán về mang thai hộ tràn lan, bất hợp pháp ở nước ta thời điểm trước; đồng thời bảo đảm được quyền và lợi ích hài hòa cho bên mang thai hộ, bên nhờ mang thai hộ và đứa trẻ được sinh ra từ phương pháp mang thai hộ; hạn chế các tranh chấp và hệ lụy phát sinh từ quan hệ mang thai hộ trên thực tế.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về điều kiện mang thai hộ trên thực tiễn còn phát sinh nhiều khó khăn và hạn chế. Cụ thể:

Thứ nhất, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định điều kiện về người nhờ mang thai hộ phải là một cặp vợ chồng, người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, chưa có con chung, chỉ nhờ người mang thai hộ mang thai từ phôi kết hợp giữa noãn và tinh trùng của chính cặp vợ chồng. Nhưng trên thực tế nhu cầu nhờ mang thai hộ có thể phát sinh trong nhiều trường hợp như: vợ chồng đã có con chung nhưng đứa con bị dị tật, bị tâm thần, bị khuyết tật, bị hội chứng Down hoặc một số bệnh khác khiến cho đứa trẻ không thể phát triển bình thường; người mẹ hoặc cha nhờ mang thai hộ có gene dị tật có thể truyền sang con; các cặp đồng tính muốn có con thông qua mang thai hộ, cặp vợ chồng có một người không có tinh trùng hoặc noãn, người phụ nữ đơn thân muốn có con nhưng không thể mang thai… Do đó, rất nhiều trường hợp bố mẹ mặc dù mong mỏi có con nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ điều kiện theo quy định để có thể nhờ mang thai hộ. Ví dụ như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hương (Ân Thi, Hưng Yên) - người không may mắc bệnh hiếm muộn, chia sẻ: Điều kiện của người mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện nay quá chặt chẽ, như gia đình chị có con chung rồi nhưng đứa trẻ ấy lại mắc bệnh hiểm nghèo và cũng không tìm được người thân thích mang thai hộ, nên giờ đây cơ hội có con là vô cùng khó khăn(7).

Thứ hai, người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Khi quy định điều kiện này, các nhà làm luật cho rằng người mang thai hộ là thân thích cùng hàng sẽ giảm được tranh chấp khi giao con. Tuy nhiên, khi thực hiện trên thực tế điều kiện này vô tình đã làm cho mong ước có con của những cặp vô sinh không thể trở thành hiện thực trong trường hợp họ không có những người thân thích cùng hàng hoặc những người này không tự nguyện mang thai hộ giúp họ. Bởi các chính sách kế hoạch hóa gia đình hiện nay, mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con, từ đó có thể dẫn đến trường hợp gia đình không có anh em ruột hoặc có nhưng lại là anh trai hoặc em trai. Mặt khác, có rất nhiều trường hợp người thân thích cùng hàng là nữ nhưng lại không ở trong lứa tuổi sinh đẻ hoặc không đủ điều kiện sức khỏe để mang thai; hoặc đủ điều kiện, đồng ý mang thai hộ nhưng chồng của người đó lại không đồng ý. Thêm nữa, việc chứng minh mối quan hệ “người thân thích cùng hàng” cũng gặp nhiều khó khăn; đầu tiên, phải trải qua quá trình xác minh, kiểm tra hồ sơ, giấy tờ do người mang thai hộ và bên nhờ mang thai hộ cung cấp hoặc bản xác nhận do ủy ban nhân dân cấp xã cấp. Nhưng nhiều trường hợp, các bên không thể chứng minh được là người thân thích cùng hàng do đã thất lạc các giấy tờ như chứng nhận kết hôn, hộ khẩu, chứng minh nhân dân của đời trước, gia phả hoặc các ghi chép, sổ sách của dòng họ… Ủy ban nhân dân cấp xã nhiều khi cũng không thể cấp giấy xác nhận do không có bằng chứng, hoặc không có thông tin do công dân đã rời quê lâu ngày. Thứ ba, người mang thai hộ phải đáp ứng các điều kiện cơ bản như: đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Có thể thấy, quy định này còn có điểm bất cập, chưa hợp lý, tạo ra rào cản trong quá trình tìm kiếm người mang thai hộ. Bởi quy định người mang thai hộ phải “đã từng sinh con” là không thực sự cần thiết, vì trên thực tế, đa phần đối tượng khả thi trong việc nhận mang thai hộ thường là những người phụ nữ đơn thân. Đối với điều kiện “chỉ được mang thai hộ một lần” nhằm mục đích là bảo vệ sức khỏe của người mang thai hộ, tuy nhiên lại chưa giải thích rõ “một lần” ở đây là một lần thành công hay một lần thực hiện; bởi thực tế có những trường hợp người mang thai hộ đã được cấy phôi thai nhưng sau một thời gian phôi thai không phát triển, sẩy thai… Vậy thì việc cấy phôi thai tiếp theo có phải là vi phạm điều kiện chỉ được một lần hay không.

Điều kiện “ở độ tuổi phù hợp” còn chưa thực sự rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Thế nào được coi là “độ tuổi phù hợp”, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về độ tuổi tối thiểu và tối đa được phép mang thai. Với tính chất “định tính” như vậy, sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng trên thực tiễn và dễ dẫn tới tình trạng áp dụng một cách tùy tiện theo cảm quan của người thực hiện pháp luật. Vì vậy, cần căn cứ trên các nghiên cứu về vấn đề sức khỏe sinh sản để quy định cụ thể khung độ tuổi cần đáp ứng của người mang thai hộ, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe của đứa trẻ cũng như người mang thai hộ.

Một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về điều kiện mang thai hộ

Thứ nhất, mở rộng các trường hợp được nhờ mang thai hộQua thực tiễn áp dụng các quy định về điều kiện đối với người mang thai hộ, nên xem xét mở rộng đối tượng được nhờ mang thai hộ cho các cặp vợ chồng đã có con chung nhưng bị dị tật và phụ nữ độc thân. Bởi:

Đối với những trường hợp cặp vợ chồng đã có con chung nhưng bị dị tật và đã được xác định về mặt y học là yếu tố dị tật mang tính di truyền thì có thể nhờ mang thai hộ; để bảo đảm tính nhân đạo một cách toàn diện, trao cơ hội có một đứa con lành lặn, khỏe mạnh cho những người kém may mắn. Nhưng phải yêu cầu cặp vợ chồng này ký cam kết về không có sự phân biệt đối xử với con đầu bị dị tật với con thứ hai, để bảo đảm quyền trẻ em của các con.

Đối với người phụ nữ độc thân mà họ không thể mang thai, sinh con do không có tử cung, cắt bỏ tử cung hay mắc một số bệnh mà bác sĩ chỉ định không thể mang thai và sinh con thì cần mở rộng để cho phép họ được nhờ mang thai hộ để bảo đảm quyền làm mẹ thiêng liêng của người phụ nữ.

Ngoài ra, đối với các cặp đồng tính mong muốn có con, nhưng họ lại không thể tự mình có con được do có cùng giới tính sinh học hoặc do những tác hại sau quá trình chuyển giới, việc mở rộng đối tượng được phép nhờ mang thai hộ là cặp đôi đồng giới sẽ bảo đảm quyền con người của họ, đồng thời bảo đảm cho mọi người có được sự bảo hộ bình đẳng và chống lại những phân biệt đối xử với những người thuộc cộng đồng LGBT(8). Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam mặc dù không cấm nhưng chưa công nhận hôn nhân đồng giới, do đó các nhà làm luật có thể nghiên cứu trên cơ sở thực tiễn xã hội và nhu cầu chính đáng của con người về việc tiến tới cho phép các cặp đồng tính được nhờ mang thai hộ, để họ cũng có được những đứa con của chính mình.

Thứ hai, mở rộng đối tượng nhận mang thai hộLuật nên xem xét cho phép việc mang thai hộ được thực hiện bởi người thân thích cùng hàng nhưng mở rộng hơn; thay vì người mang thai hộ là những người có họ trong phạm vi ba đời(9) thì chúng ta mở rộng đối tượng được phép mang thai hộ là những người thân thích trong phạm vi bốn đời hoặc năm đời của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ khi họ không có người thân thích cùng hàng trong phạm vi ba đời hoặc có nhưng không đủ điều kiện để mang thai hộ. Điều này sẽ bảo đảm cho các cặp vợ chồng có nhiều cơ hộ tìm được người mang thai hộ hơn; đồng thời góp phần hạn chế được tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Thứ ba, hoàn thiện quy định về đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp Xây dựng hướng dẫn cụ thể đối với cụm từ “chỉ được mang thai hộ một lần” theo hướng một lần thực hiện mang thai thành công, tức là nếu người mang thai hộ đã thực hiện việc mang thai hộ và đứa trẻ được sinh ra thì họ không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện mang thai hộ nữa. Mặt khác, quy định cụ thể về độ tuổi phù hợp trên cơ sở thực tiễn xã hội và kết quả của nghiên cứu y học. Bởi, theo nghiên cứu thì tuổi của người mang thai hộ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tỷ lệ thụ thai. Nếu như người mang thai hộ trong độ tuổi phù hợp thì sẽ làm tăng khả năng thụ thai, tiết kiệm chi phí và bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người mang thai hộ và trẻ em. Đồng thời, bổ sung quy định về khoảng thời gian giữa lần sinh trước đó với lần mang thai hộ, vì nếu khoảng cách giữa lần sinh trước với lần sinh để thực hiện mang thai hộ quá gần nhau thì sự tác động về sức khỏe đối với người mang thai hộ là vô cùng lớn, có thể ảnh hưởng đến cả đứa trẻ và người mang thai hộ.

Tóm lại, Luật HN&GĐ năm 2014 đã có những thay đổi mới mẻ, hiện đại, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi lần đầu tiên ghi nhận mang thai hộ. Tuy nhiên, mang thai hộ là một vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các bên. Do đó, các quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần chặt chẽ và sát thực để bảo vệ quyền lợi của các bên và tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng trong thực tiễn.

Tài liệu tham khảo

1.  Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

2.  Văn bản hợp nhất số 02/2019/VBHN-BYT ngày 30/01/2019 của Bộ Y tế quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

3.  Bộ Y tế, Báo cáo tổng kết, đánh giá 08 năm thi hành Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tháng 5/2024.

4. Bộ Y tế, Hội Hỗ trợ sinh sản Hà Nội (2023), Hội thảo thực trạng Việt Nam về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

5. Cẩm Anh (2019) Phụ nữ nên sinh con ở độ tuổi bao nhiêu, https://vnexpress.net/phu-nu-nen-sinh-con- o-do-tuoi-bao-nhieu-3935425.html

6.  Vy Thảo (2020), Có nên nới các quy định về mang thai hộ, https://dangcongsan.vn/phap-luat/co-nen- noi-cac-quy-dinh-ve-mang-thai-ho549381.html

 

(1)   Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

(2)   Điều 15 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

(3)   Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

(4)     Cẩm Anh (2019) Phụ nữ nên sinh con ở độ tuổi bao nhiêu, https://vnexpress.net/phu-nu-nen-sinh-con-o-do-tuoi-bao- nhieu-3935425.html

(5)   Bộ Y tế, Báo cáo tổng kết, đánh giá 08 năm thi hành Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tháng 5/2024, tr 9.

(6)   Bộ Y tế, Hội Hỗ trợ sinh sản Hà Nội, Hội thảo thực trạng Việt Nam về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, 2023.

(7)   Vy Thảo (2020), Có nên nới các quy định về mang thai hộ, https://dangcongsan.vn/phap-luat/co-nen-noi-cac-quy-dinh-ve-mang- thai-ho-549381.html, ngày 19/11/2024.

(8)   Cộng đồng LGBT là một nhóm được định nghĩa lỏng lẻo bao gồm đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, được thống nhất bởi một nền văn hóa và các phong trào xã hội chung. Các cộng đồng này thường tôn vinh niềm tự hào, sự đa dạng, cá tính và tính dục, https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%99ng_%C4%91%E1%BB%93ng_LGBT, ngày 19/11/2024.

(9)   Khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình.

 

Ths LÊ THỊ THUẬN - NGUYỄN THU HOÀI
Khoa Luật - Trường Đại học Công Đoàn

Các tin khác